Im lặng và hoài nghi, đó là những gì các phần tử ủng hộ IS hiện phản ứng trước tin thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt. 

Không có bất kỳ tuyên bố hay sự tiếc thương nào đối với Baghdadi trên kênh Telegram chính thức của Nhà nước Hồi giáo (IS) kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 27/10 thông báo y đã chết dưới tay đặc nhiệm Mỹ ở tây bắc Syria.

Tài khoản Telegram của hãng thông tấn Amaq thân IS vẫn duy trì hoạt động như bình thường. Từ ngày 27/10 tới nay, hãng đã đăng 30 tuyên bố về những cuộc tấn công ở Syria, Ai Cập, Afghanistan và Iraq, đồng thời dành lời ca ngơi các tay súng.

Thủ lĩnh tối cao Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi xuất hiện trong video tuyên truyền hồi tháng 4. Ảnh: AFP.

So với vụ thủ lĩnh tổ chức khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden bị tiêu diệt hồi năm 2011 hay cái chết của những thủ lĩnh cấp cao IS khác, các cuộc trò chuyện trên mạng xã hội giữa những phần tử ủng hộ IS về số phận Baghdadi cũng xuất hiện ít hơn.

Giới phân tích nhận định các lãnh đạo IS còn lại có thể vẫn bị sốc và đang nỗ lực tìm cách để giữ vững tổ chức, nhanh chóng bầu ra một người kế nhiệm Baghdadi trước khi công bố về cái chết của y.

"Có lẽ IS đang hỗn loạn. Những cố vấn hàng đầu đã bị tiêu diệt và nhiều tài liệu quan trọng bị phá hủy", Hisham al-Hashimi, chuyên gia ở Iraq chuyên nghiên cứu về các nhóm chiến binh, suy đoán. "Chúng sẽ muốn tìm ra một người kế vị trước khi tuyên bố Baghdadi đã chết", ông nói và thêm rằng sự chia rẽ trong nội bộ nhóm có khả năng làm trì hoãn quá trình này.

IS có thể còn phải đổi cả "thương hiệu" bởi việc sử dụng tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo của Baghdadi giờ đây không còn phù hợp khi mà nhóm đã đánh mất quyền kiểm soát lãnh thổ ở Iraq, Syria và cả Libya.

Tổng thống Trump cuối tuần trước cho biết nhiều kẻ ủng hộ Baghdadi đã bị tiêu diệt. Hôm 29/10, ông thông báo trên Twitter rằng quân đội Mỹ nhiều khả năng đã giết được cả kẻ có triển vọng thay thế Baghdadi. Trump không nói rõ ông đang đề cập đến ai nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 28/10 xác nhận Abu al-Hassan al-Muhajir, phát ngôn viên IS, đã chết trong một chiến dịch khác do Washington tiến hành.

Thời điểm Osama bin Laden bị tiêu diệt hồi năm 2011, al-Qaeda cũng phải mất nhiều ngày để công bố thông tin, Aymenn al-Tamimi, chuyên gia tại Đại học Swansea chuyên nghiên cứu về IS, cho hay. Khoảng 6 tuần sau nhóm mới thông báo người kế thừa bin Laden.

"IS có thể thông báo về cái chết của Baghdadi trong bản tin hàng tuần ra vào thứ 5 nếu chúng thống nhất được người kế nhiệm", Tamimi nhận xét.

Theo ông, Hajj Abdullah, cấp phó của Baghdadi, nhiều khả năng sẽ lên làm thủ lĩnh tối cao IS, với điều kiện y còn sống.

Vẫn còn những thông tin trái chiều về việc liệu Baghdadi có còn sống hay không sau khi IS bị mất vùng lãnh thổ quan trọng cuối cùng còn chiếm đóng tại Syria hồi tháng ba. Tin nhắn âm thanh cuối cùng của Baghdadi xuất hiện từ tháng 9.

Sau khi Trump thông báo về cái chết của Baghdadi, rất nhiều kẻ ủng hộ IS tỏ ra không tin hoặc cho rằng Tổng thống Mỹ đang phát tán tin giả.

Một tài khoản Telegram có liên kết với IS cảnh báo những người ủng hộ tổ chức không tin vào những hình ảnh hay thông tin mà Mỹ công bố. Đoạn tin nhắn kết thúc với thông điệp "Thánh thần toàn năng sẽ bảo vệ ông ấy (Baghdadi)", cho thấy người đăng tin vẫn nghĩ Baghdadi còn sống.

Những người khác dường như sẵn sàng chấp nhận cái chết của thủ lĩnh tối cao song vẫn kêu gọi tiếp tục ủng hộ cuộc chiến dù trong hoàn cảnh nào.

"Bất kể điều gì xảy ra, đoàn xe thánh chiến vẫn tiến về phía trước và không dừng lại ngay cả khi nhà nước bị tiêu diệt", một người ủng hộ IS viết bằng tài khoản Telegram cá nhân.

Theo Tamimi, không có nhiều sự tiếc thương dành cho Baghdadi bởi có một số lượng lớn người ủng hộ IS muốn y chết. Họ cho rằng sự tàn độc của Baghdadi, thể hiện bằng những hình phạt như cắt chân tay người phạm luật, đã khiến tổ chức mất động lực phát triển, khiến các tay súng bị thui chột ý chí chiến đấu.

Hayat Tahrir al-Sham, tiền thân là Mặt trận Nusra, nhóm từng kiểm soát tỉnh Idlib ở tây bắc Syria, đã hân hoan trước việc y bị Mỹ kết liễu.

"Điều duy nhất chúng tiếc nuối là không được tự tay giết chết Baghdadi", Tamimi nói.

Trái với IS, những kẻ ủng hộ al-Qaeda nhanh chóng chấp nhận các chết của Baghdadi, theo nhóm tình báo SITE, trụ sở ở Mỹ, chuyên theo dõi website do các nhóm cực đoan điều hành.

"Còn bao nhiêu máu phải đổ nữa vì cái gọi là nhà nước Hồi giáo trong trí tưởng tượng của ông ta", Sirajuddin Zurayqat, cựu thành viên cấp cao thuộc tổ chức Những Lữ đoàn của Abdullah Azzam từng liên kết với al-Qaeda, nói.

Đêm 28/10, giáo sĩ dòng Sunni ở Arab Saudi Abdullah al-Muhaysini cũng đăng một video dài 18 phút ca ngợi việc Baghdadi bị tiêu diệt, kêu gọi những người ủng hộ y rời khỏi IS.

"Đối với một số người, cái chết của Baghdadi có thể là động lực cuối cùng khiến họ rời IS và quay trở lại al-Qaeda", Elisabeth Kendall, nhà nghiên cứu tiếng Arab và Hồi giáo tại Đại học Oxford, Anh, bình luận.

Vũ Hoàng (Theo Reuters)

Mỹ công bố video đột kích thủ lĩnh IS
[ẢNH] Lo sợ tù nhân nổi loạn, lực lượng người Kurd tăng cường an ninh tại các nhà tù IS
Nội gián chỉ điểm tiêu diệt thủ lĩnh IS nhận tiền thưởng lớn chưa từng có
"Chuột chũi" giúp Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh tối cao IS
Cuộc đột kích hang ổ thủ lĩnh tối cao IS

/ vnexpress.net