Israel mới đây tuyên bố nước này đang tiến rất gần đến thời điểm "thay đổi luật chơi" trong cuộc xung đột với lực lượng Hezbollah, nhấn mạnh rằng một "cuộc chiến tổng lực" sẽ khiến nhóm vũ trang ở Lebanon bị hủy diệt, bất chấp những lời cảnh báo từ Mỹ và phương Tây.
Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz, ngày 18/6 đăng tải trên mạng xã hội X nhấn mạnh: "Chúng tôi đang tiến rất gần đến thời điểm quyết định thay đổi luật chơi chống lại Hezbollah và Lebanon. Trong một cuộc chiến tổng lực, Hezbollah sẽ bị tiêu diệt và Lebanon bị đánh phá nặng nề".
Lời cảnh báo của nhà ngoại giao hàng đầu Israel được đưa ra sau khi Hezbollah tung video máy bay không người lái (UAV) trinh sát của lực lượng này xâm nhập không phận của Israel, ghi lại hình ảnh nhiều thành phố và khu định cư ở nước này ngay giữa ban ngày.
Theo CNN, đoạn video của Hezbollah cho thấy hình ảnh ở Krayot, một cụm đô thị đông dân cư ở phía Bắc Haifa và cách biên giới Lebanon 28km về phía Nam, cùng với các trung tâm thương mại và các tòa nhà cao tầng. Một cảnh quay khác cho thấy một khu phức hợp quân sự gần Haifa thuộc sở hữu của nhà sản xuất vũ khí Rafael của Israel, bao gồm các khẩu đội Vòm Sắt, các địa điểm lưu trữ tên lửa và bố trí radar, cũng như các tàu và kho chứa dầu ở cảng Haifa. Thị trưởng Haifa, Yona Yahav, đã mô tả đoạn video là hành động "khủng bố tâm lý" và yêu cầu một kế hoạch bảo vệ thành phố này.
Hezbollah tuyên bố đoạn video mới chỉ là "tập đầu tiên", ám chỉ rằng sẽ có nhiều video ghi lại hình ảnh ở sâu bên trong lãnh thổ Israel. Giới quan sát nhận định đây là động thái biểu dương sức mạnh quân sự của Hezbollah, cho thấy nhóm có khả năng trinh sát sâu vào lãnh thổ Israel mà không bị phát hiện, đủ sức đe dọa các hạ tầng quan trọng của đối phương. Kể từ tháng 10 năm ngoái, Hezbollah đã dùng tên lửa, UAV tấn công Israel gần như mỗi ngày, nhằm thể hiện ủng hộ với người dân Palestine và lực lượng Hamas. Quân đội Israel cũng thường xuyên đáp trả, nhưng ở quy mô nhỏ và mức độ kiềm chế, nhằm ngăn xung đột toàn diện nổ ra.
Trong một diễn biến đáng lo ngại, Lực lượng Phòng vệ Israel ngày 18/6 thông báo đã "phê duyệt và xác nhận" các kế hoạch hoạt động cho một cuộc tấn công ở Lebanon và đưa ra quyết định về việc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội trên thực địa. Trong trường hợp kế hoạch này được tiến hành, Israel sẽ mở ra mặt trận thứ hai ở miền Bắc, song song với cuộc chiến tại Dải Gaza, biến những cuộc đụng độ quy mô nhỏ với Hezbollah thành một "cuộc chiến tổng lực" với nhiều hệ quả khó lường.
Theo các chuyên gia, việc phê duyệt các kế hoạch hoạt động không có nghĩa là một cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah sắp xảy ra nhưng nó báo hiệu rằng Israel sẵn sàng cho một kịch bản như vậy. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 18/6 cho biết mặc dù ông tin cả Israel và Hezbollah đều không muốn xảy ra xung đột toàn diện, diễn biến hiện nay cho thấy kịch bản này đang có nguy cơ xảy ra. Giới quan sát trước đó nhận định một "cuộc chiến tổng lực" giữa Israel và Hezbollah là điều không thể tránh khỏi, vấn đề chỉ là nó sẽ xảy ra khi nào. Nếu cuộc chiến xảy ra, Israel với năng lực quân sự hàng đầu khu vực và sự hậu thuẫn của nhiều đồng minh phương Tây có thể nhanh chóng chiếm ưu thế trước Hezbollah, giống như khi mở chiến dịch ở Dải Gaza. Dù vậy, Hezbollah cũng được đánh giá là "không phải dạng vừa" bởi có tiềm lực quân sự mạnh hơn nhiều so với Hamas.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Hezbollah là lực lượng phi nhà nước có sức mạnh quân sự lớn nhất thế giới và sở hữu kho vũ khí hiện đại. CSIS ước tính Hezbollah có khoảng 130.000 tên lửa, đủ sức để nhanh chóng áp đảo hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel và gây thiệt hại cho các thành phố lớn tại nước này, nếu được khai hỏa với số lượng lớn cùng lúc. Ví dụ điển hình là trong cuộc tập kích vào lãnh thổ Israel đầu tháng 10/2023, Hamas đã phóng hơn 5.000 quả tên lửa chỉ trong vòng 20 phút, nhiều quả đã vượt qua hệ thống Vòm Sắt và lao vào các mục tiêu ở loạt đô thị, trong đó có thành phố Tel Aviv, gây thương vong cho dân thường và hư hại cơ sở hạ tầng của Israel.
"Hezbollah là mối đe dọa chiến lược với Israel", cựu Đại sứ Israel tại Mỹ Michael Oren nhận định. Ông Oren nói thêm, "thiệt hại mà Hezbollah có thể gây ra trong vòng ba ngày thực sự khủng khiếp, họ có thể phá hủy tất cả cơ sở hạ tầng thiết yếu của chúng tôi, trong đó có nhà máy lọc dầu, căn cứ không quân và cơ sở nghiên cứu hạt nhân ở Dimona". Bên cạnh đó, ngoại giao có thể sẽ là một thách thức khác mà Israel dự kiến phải đối mặt nếu phát động "cuộc chiến tổng lực" với Hezbollah. Lực lượng này được cho là hoạt động ở cả các khu vực đông dân cư, giống như Hamas tại Gaza, khiến việc tập kích nhóm vũ trang rất dễ gây ra thương vong lớn cho dân thường. Trong bối cảnh đang hứng chịu nhiều chỉ trích do gây ra thương vong lớn tại Gaza, nếu Israel tiếp tục gây thiệt hại lớn cho dân thường và cơ sở hạ tầng tại Lebanon, nước này sẽ đối mặt áp lực gấp nhiều lần từ cộng đồng quốc tế.
Theo số liệu của cơ quan y tế Gaza, chiến dịch của Israel đã khiến hơn 37.372 người thiệt mạng và 85.452 người bị thương, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Ngay cả Mỹ, đồng minh số một của Israel, cũng đã chỉ trích nước này vì thiệt hại quá lớn với dân thường tại Gaza, trong đó có vụ không kích trại tị nạn ở Rafah đêm 26/5 khiến 45 người chết và 249 người bị thương. Mỹ cũng đang tìm kiếm một giải pháp ngoại giao để tránh một cuộc chiến tranh rộng hơn có thể lan ra khu vực. Washington đã cử đặc phái viên Amos Hochstein đến Israel và Lebanon trong tuần này để cố gắng xoa dịu căng thẳng giữa hai bên.