Các quan chức an ninh cấp cao của Israel và Palestine đồng thuận giảm leo thang căng thẳng trên thực địa ở khu vực Bờ Tây, song việc thực thi các thỏa thuận gặp nhiều thách thức do bất đồng giữa các phe phái.
- Chiếc thìa giúp phạm nhân thoát khỏi nhà tù Israel thành biểu tượng ở Palestine
- Dùng công nghệ vũ khí tiên tiến để tấn công Palestine, Israel tham vọng điều gì?
Các quan chức an ninh cấp cao của Israel và Palestine đã nhóm họp lần đầu tiên sau nhiều năm tại thành phố Aqaba bên bờ biển Đỏ của Jordan hôm 26/2 nhằm tìm cách nối lại hoạt động hợp tác an ninh và kiềm chế căng thẳng ở khu vực Bờ Tây trước thềm tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, Reuters ngày 27/2 đưa tin. Cuộc đàm phán hiếm hoi được mô tả là “thẳng thắn và kỹ lưỡng” trên có sự hiện diện của quan chức Mỹ và Ai Cập.
Kết thúc hội nghị, các bên ra tuyên bố chung, trong đó, Palestine và Israel cam kết hợp tác chặt chẽ để ngăn nguy cơ “bạo lực leo thang” và “tái khẳng định sự cần thiết của việc giảm căng thẳng trên thực địa”. Văn kiện cũng có nội dung Tel Aviv sẽ dừng “thảo luận về việc thành lập các khu định cư mới (ở Bờ Tây) trong vòng 4 tháng và dừng phê duyệt các khu định cư mới trong 6 tháng”.
Wall Street Journal dẫn lời quan chức Israel cho biết thêm, các bên còn đồng ý lập ra một ủy ban dân sự chung để nghiên cứu các biện pháp kinh tế mà phía Israel có thể thực hiện để cải thiện tình hình cho người Palestine sinh sống ở Bờ Tây. Bên cạnh đó, Israel-Palestine nhất trí giữ nguyên hiện trạng các đền thờ tôn giáo trên khắp Jerusalem và cùng nhau thúc đẩy “các biện pháp xây dựng lòng tin”.
Bờ Tây, dải đất nằm ở phía Tây sông Jordan, bao gồm cả Đông Jerusalem, là nơi sinh sống của khoảng 2,9 triệu người Palestine và là phần đất mà Palestine muốn đặt các cơ quan nhà nước tương lai. Sau cuộc xung đột năm 1967, Israel tiến vào Bờ Tây, kiểm soát phần lớn khu vực và đưa người Do Thái đến định cư. Hiện có khoảng 475.000 người Israel sống trong các khu nhà ở kiên cố mà Tel Aviv xây dựng, dù động thái này bị cộng đồng quốc tế phản đối. Tại Bờ Tây, người Palestine chịu sự quản lý của luật quân sự Israel trong khi người Israel định cư lại không. Việc này kéo theo sự phản kháng của người Palestine và những cuộc xung đột đẫm máu giữa hai bên suốt nhiều thập kỉ, làm giảm triển vọng sớm đạt được hòa bình lâu dài.
Theo Reuters, cuộc gặp mới nhất ở Jordan được tổ chức trong bối cảnh cộng đồng quốc tế lo ngại bất ổn có thể gia tăng giữa Palestine và Israel ở Bờ Tây khi tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo bắt đầu ngày 22/3 tới. Căng thẳng đã bùng lên từ tuần trước, khi lực lượng Israel tiến hành một chiến dịch bố ráp tại thành phố Nablus, phía Bắc của khu Bờ Tây, nhằm bắt giữ các đối tượng mà lực lượng này đang truy tìm. Thông tin từ Cơ quan Y tế Palestine khẳng định, các vụ đụng độ liên quan đến chiến dịch khiến ít nhất 11 người Palestine thiệt mạng và gần 100 người bị thương. Palestine đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) họp khẩn về sự việc trên. Liên minh châu Âu (EU) sau đó ra tuyên bố chỉ trích chiến dịch của Israel.
Dù các quan chức nước chủ nhà và đại diện của Ai Cập, Mỹ tham gia cuộc gặp hôm 26/2 đã hoan nghênh kết quả đạt được là “tiến bộ lớn hướng tới tái thiết lập và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa các bên”. Tuy nhiên, việc thực thi các đồng thuận đã đạt được không dễ dàng. Ở thời điểm các bên đang đàm phán, một vụ nổ súng đã xảy ra ở Bờ Tây làm 2 người Israel thiệt mạng. Israel cáo buộc một tay súng người Palestine là thủ phạm của vụ việc và đang truy lùng diện rộng. Cùng ngày, nhóm vũ trang Hamas của người Palestine, hiện kiểm soát dải Gaza nhưng có ảnh hưởng nhất định ở Bờ Tây, đã chỉ trích các nhà lãnh đạo Palestine vì tham gia đàm phán với Israel. Phía Hamas cũng tuyên bố kết quả cuộc gặp là “vô giá trị” với nhóm.
Từ Tel Aviv, Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich, quan chức phụ trách việc xây dựng các khu định cư của Israel, khẳng định, ông sẽ không tuân theo bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến việc dừng hoạt động xây dựng ở Bờ Tây. “Tôi không rõ họ đã nói những gì ở Jordan”, ông Smotrich viết trên Twitter. “Nhưng tôi biết một điều sẽ không có chuyện đóng băng hoạt động xây dựng và phát triển ở các khu định cư, dù chỉ một ngày (bởi nó thuộc thẩm quyền của tôi)”.
Dự kiến, các bên sẽ nhóm họp thêm một lần nữa vào tháng 3/2023 ở Ai Cập để thảo luận về việc thực thi các đồng thuận vừa đạt được. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 27/2 phát thông điệp cảm ơn Jordan vì đã tham gia nỗ lực hòa giải Israel-Palestine, nhưng tin rằng đây mới chỉ là “điểm khởi đầu”. “Còn nhiều việc phải làm để xây dựng một tương lai ổn định và thịnh vượng cho người Israel cũng như người Palestine”, ông Sullivan phát biểu.
Mỹ gần đây gia tăng sức ép lên Israel xung quanh vấn đề Palestine, khi nước này tuần trước lần đầu tiên trong 6 năm không phủ quyết một tuyên bố chính thức của Hội đồng Bảo an LHQ lên án kế hoạch mở rộng các khu định cư của Israel ở Bờ Tây, vấn đề được xem là một trong những rào cản lớn nhất với tiến trình hòa bình Palestine-Israel.