Israel đã chấp nhận lệnh ngừng bắn nhân đạo 4 giờ/ngày để tạo điều kiện cho các hoạt động viện trợ tại Dải Gaza. Đây được coi là bước đầu tiên nhằm giảm bớt khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra.
- Israel nhất trí ngừng bắn nhân đạo tại Dải Gaza
- Số người chết tại Gaza tăng lên 10.000, Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn khẩn cấp
- Thủ tướng Israel nói không có lệnh ngừng bắn ở Gaza cho đến khi con tin được thả
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tác động thực sự của việc làm này khi hệ thống y tế Gaza đang bên “bờ vực sụp đổ” và cứ 10 phút lại có một trẻ em thiệt mạng, như cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra ngày 10-11.
Dưới sức ép của Mỹ và cộng đồng quốc tế, ngày 9-11, Israel đã đồng ý tạm dừng giao tranh trong 4 giờ/ngày ở phía Bắc Gaza để người dân tiếp nhận viện trợ nhân đạo. Nhưng chỉ vài giờ sau khi thông báo được đưa ra, quân đội Israel đã bắn phá Bệnh viện Al-Shifa, cơ sở y tế lớn nhất Dải Gaza và điều xe tăng, thiết giáp phong tỏa 4 bệnh viện với cáo buộc Hamas biến những nơi này thành chỗ ẩn náu.
Dải Gaza đang đối mặt với tình trạng thiếu nước, hệ thống y tế đứng trên bờ vực sụp đổ vì thiếu nhiên liệu. Nhiều chuyên gia cho biết, mặc dù việc tạm dừng giao tranh 4 tiếng/ngày mang lại hy vọng rằng các bệnh viện và cơ sở thiết yếu khác có thể được bổ sung vật tư nhưng những cuộc tấn công trong 2 ngày cuối tuần qua đã đặt ra câu hỏi về khoảng thời gian ngừng bắn cục bộ này. Thực tế cho thấy, việc tạm ngừng bắn như vậy cũng không thỏa đáng.
Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đạo đức, Luật pháp và Xung đột vũ trang thuộc Đại học Oxford, kiêm thành viên tổ chức Chatham House tại Anh Emanuela-Chiara Gillard cho rằng, thông báo trên tồn tại nhiều lỗ hổng. Đây chỉ là quyết định tạm ngừng bắn đơn phương của Israel và do Mỹ thông báo, chứ không phải thỏa thuận được nhất trí giữa Tel Aviv, Hamas và các bên khác.
Theo các nhà phân tích, việc tạm dừng giao tranh trong 4 giờ/ngày chưa đáp ứng được những gì cần thiết và Israel phải chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch. Giáo sư khoa học chính trị và nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Rutgers, bang New Jersey (Mỹ) Abdel Hamid Siyam cho rằng “tạm dừng không phải là giải pháp”. Điều cần thiết là “ngừng bắn để viện trợ nhân đạo không bị gián đoạn".
Cái giá phải trả cho việc phá hủy toàn bộ khu vực Gaza mà Israel cho rằng đó là cơ sở hạ tầng quân sự của Hamas là quá đắt. Ngày 9-11, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố một báo cáo cho thấy cuộc xung đột giữa Israel và Hamas có thể khiến nền kinh tế của người Palestine ở Gaza và Bờ Tây thụt lùi hàng thập kỷ. Cuộc xung đột tới nay đã xóa sổ 61% việc làm ở Gaza và 24% việc làm ở Bờ Tây. Dự báo sau một tháng xung đột, GDP của Palestine sẽ giảm 4,2% so với ước tính trước đó. Con số thiệt hại khoảng 857 triệu USD. Nếu xung đột kéo dài đến tháng thứ 2, con số này sẽ tăng lên 1,7 tỷ USD, khiến GDP thiệt hại khoảng 8,4%.
Theo Văn phòng Điều phối Vấn đề Nhân đạo của Liên hợp quốc, thiệt hại về công trình ở Gaza là vô cùng nghiêm trọng. Gần một nửa số nhà ở đã bị phá hủy do các đợt bắn phá. 40% cơ sở giáo dục bị hư hỏng. UNDP dự báo rằng, Gaza và Bờ Tây sẽ thụt lùi từ 11 đến 16 năm về mặt phát triển con người do cuộc xung đột hiện nay. Tổng giám đốc UNDP Achim Steiner nêu rõ: “Ngoài thảm họa nhân đạo đang diễn ra, còn có một cuộc khủng hoảng phát triển. Chiến tranh đang đẩy nhanh tình trạng nghèo đói ở một nhóm dân cư vốn dễ bị tổn thương”.
Những mất mát và thiệt hại chưa từng có ở Gaza đã thúc đẩy ngày càng nhiều lời kêu gọi ngừng giao tranh để bảo vệ mạng sống dân thường và cho phép viện trợ nhân đạo vào lãnh thổ này. Quyết định tạm ngừng bắn nhân đạo 4 giờ/ngày tại Dải Gaza được đánh giá là còn nhiều hạn chế và tiềm ẩn biến động cả về thời gian. Thế nên, Thư ký Điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực Tây Á (ESCWA) Rola Dashti cho rằng, một lệnh ngừng bắn và dòng hỗ trợ nhân đạo được duy trì sẽ giảm bớt đau khổ cũng như giảm mức độ thiếu thốn cho hàng trăm nghìn gia đình ở Palestine. Đây là việc làm cần thiết để chấm dứt thảm họa và nỗi đau mà người dân Palestine đang phải gánh chịu.
Ngày 12-11 theo giờ Việt Nam, các cuộc tuần hành với quy mô lớn diễn ra tại nhiều nước châu Âu nhằm phản đối xung đột Hamas - Israel nhân Ngày đình chiến, tức ngày đánh dấu chấm dứt Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (11-11-1918).
Tại thủ đô Brussels (Bỉ), hơn 20.000 người đã tham gia các cuộc tuần hành hòa bình, thể hiện sự ủng hộ với người dân Palestine, kêu gọi các nước Liên minh châu Âu cần có quan điểm cân bằng trong giải quyết vấn đề giữa Israel và Palestine.
Tại thủ đô London (Anh), có khoảng 300.000 người tham gia các cuộc tuần hành nhằm ủng hộ người dân Palestine, kêu gọi lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza và yêu cầu Israel ngừng ném bom vùng đất này. Tại Thủ đô Paris (Pháp) hàng nghìn người cũng tham gia các cuộc tuần hành nhằm phản đối xung đột Hamas - Israel. Những người tuần hành đã nêu cao các biểu ngữ yêu cầu một lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza và ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của người dân Palestine.