Các thành viên của Ủy ban Vệ tinh Quan sát Trái Đất trong phiên họp toàn thể 2019 đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam ứng dụng ảnh vệ tinh. 

Phiên họp toàn thể Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái Đất - CEOS Plenary 2019 diễn ra sáng 15/10 tại Hà Nội với sự tham gia của 30 tổ chức thành viên đến từ Mỹ, Nhật, Australia, Italy, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Canada, Anh, Pháp. Với vai trò chủ tịch CEOS nhiệm kỳ 2018 - 2019, Việt Nam là nước chủ trì tổ chức phiên họp.

Khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch CEOS, Việt Nam đã đưa ra hai sáng kiến chính là quan sát carbon (các khu vực rừng, phối hợp với việc quan sát Trái Đất) để hỗ trợ giám sát và quản lý rừng trong khu vực một cách hiệu quả và quan sát phục vụ nông nghiệp (giám sát lúa). Các ứng dụng này hỗ trợ đánh giá phát triển nông nghiệp của Việt Nam và sẽ được mở rộng tại các quốc gia thuộc khu vực sông Mekong.

PGS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban Vệ tinh Quan sát Trái Đất nhiệm kỳ 2018 - 2019 phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Huy Hùng

Tại phiên họp, các thành viên thảo luận và đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam. Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) khẳng định tiếp tục ký hợp tác và cung cấp ảnh Vệ tinh ALOS-2 cho Trung tâm vũ trụ Việt Nam để đưa vào Vietnam Data Cube. Cơ quan Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) hỗ trợ ảnh vệ tinh của Ấn Độ và đào tạo nhân lực cho ứng dụng quan sát lúa và ngập lụt.

PGS Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Vệ tinh Quan sát Trái Đất nhiệm kỳ 2018-2019 cho biết, trở thành thành viên CEOS Việt Nam tham gia nhiều phiên họp của các nhóm kỹ thuật như nhóm phát triển năng lực, nhóm thiên tai, nhóm khí hậu... mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. 

CEOS là cơ quan đầu mối phối hợp các hoạt động quốc tế liên quan đến không gian và quan trắc Trái Đất. CEOS khuyến khích tương tác, hỗ trợ và bổ sung giữa các hệ thống vệ tinh quan sát Trái Đất thông qua việc phối hợp lập kế hoạch, thúc đẩy truy cập dữ liệu không phân biệt đối xử, thiết lập tiêu chuẩn và phát triển dữ liệu tương thích với các sản phẩm, dịch vụ, và ứng dụng.

Kể từ khi thành lập, đến nay CEOS đã đóng góp đáng kể vào sự tiến bộ của các nỗ lực cộng đồng quan sát Trái Đất. Việt Nam tham gia tổ chức này từ năm 2013 và Trung tâm vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. 

Tại phiên họp này, Ấn Độ là quốc gia tiếp theo đảm nhiệm vị trí Chủ tịch CEOS 2020.

Nhật Bản lại đương đầu với mưa bão và nguy cơ ngập lụt
TP.Cần Thơ: “Bó tay” với bài toán ngập lụt đô thị
Dân ngập lụt ở Quảng Bình được di dời... lên vùng sạt lở
Vỡ bờ bao gây ngập ở TP.HCM: Công trình thi công bờ kè cũng "có tội"
Người dân TP.HCM lội trong làn nước đen bẩn sau sự cố vỡ bờ bao

/ vnexpress.net