Trung Quốc và Mỹ đang trong cuộc đua gay cấn nhằm thiết lập các căn cứ và bắt đầu khai thác tài nguyên từ mặt trăng, các tiểu hành tinh và hơn thế nữa.

Ngày 25/6 đánh dấu "lần đầu tiên" mới trong lịch sử du hành vũ trụ. Tàu vũ trụ robot Hằng Nga 6 (Chang'e 6) của Trung Quốc đã chuyển các mẫu đá từ nơi gọi là “lưu vực Nam Cực–Aitken” trên mặt trăng về trái đất.

Cụ thể, theo Cục Quản lý Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA), sau khi hạ cánh xuống mặt tối của mặt trăng, ở rìa phía nam của hố mặt trăng Apollo, Hằng Nga 6 mang về khoảng 1,9 kg đất đá.

Cực nam của Mặt trăng cũng là nơi dự định đặt Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế (ILRS) do Trung Quốc đứng đầu trong tương lai. Dự án này có sự tham gia của các đối tác bao gồm Nga, Venezuela, Nam Phi và Ai Cập, và một cơ quan quốc tế đang điều phối dự án.

Trung Quốc có kế hoạch chiến lược để xây dựng nền kinh tế vũ trụ và đang trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này. Trong đó, họ có ý định khám phá, khai thác khoáng sản từ các tiểu hành tinh và các thiên thể như Mặt trăng, cũng như sử dụng nước đá và bất kỳ nguồn tài nguyên vũ trụ hữu ích nào khác có sẵn trong hệ Mặt trời của chúng ta.

Trung Quốc đặt mục tiêu khám phá Mặt trăng trước, sau đó là các tiểu hành tinh được gọi là “vật thể gần Trái đất” (NEO). Tiếp theo, họ muốn di chuyển đến sao Hỏa, các tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc (được gọi là các tiểu hành tinh vành đai chính) và các vệ tinh của Sao Mộc, sử dụng các điểm có lực hấp dẫn ổn định trong không gian, được gọi là điểm Lagrange, cho các trạm vũ trụ.

Hằng Nga và Artemis cạnh tranh?

Một trong những bước tiếp theo của Trung Quốc trong chiến lược này, sứ mệnh robot Hằng Nga 7, dự kiến ​​sẽ phóng lên vũ trụ vào năm 2026. Thiết bị dự kiến sẽ hạ cánh trên vành được chiếu sáng của hố mặt trăng Shackleton, rất gần cực nam Mặt trăng.

Hình ảnh mô phỏng hố mặt trăng Shackleton ở cực Nam của Mặt trăng. (Ảnh: NASA Scientific Visualization Studio)

Hình ảnh mô phỏng hố mặt trăng Shackleton ở cực Nam của Mặt trăng. (Ảnh: NASA Scientific Visualization Studio)

Địa điểm hạ cánh này đặc biệt hấp dẫn, vì độ sáng và vì khi hạ cánh ở đây, các thiết bị thăm dò có thể dễ dàng tiếp cận bên trong miệng hố. Những miệng hố tối tăm này chứa trữ lượng lớn nước đá, có thể được sử dụng để làm nước uống, oxy và nhiên liệu tên lửa- vì vậy hông thể thiếu trong khi xây dựng và vận hành ILRS.

Động thái của Trung Quốc được đánh giá là táo bạo, nhất là trong khi Mỹ cũng có tham vọng thiết lập các căn cứ ở cực nam Mặt trăng – trong đó miệng hố Shackleton cũng là địa điểm chính. Theo kế hoạch, một sứ mệnh sau này của Trung Quốc, Hằng Nga 8 (sớm nhất sẽ triển khai vào năm 2028), cũng nhằm mục đích khai thác băng và các tài nguyên khác, cũng như tìm cách chứng minh có thể sử dụng các tài nguyên này hỗ trợ cho các căn cứ của con người.

Cả Hằng Nga 7 và 8 đều được coi là một phần của ILRS và nếu thành công, các chương trình sẽ tạo bối cảnh cho kế hoạch thám hiểm ấn tượng của Trung Quốc.

Trong khi đó, NASA hiện tìm kiếm thêm các đối tác cho một thỏa thuận quốc tế được gọi là Hiệp định Artemis, đưa ra vào năm 2020. Các thỏa thuận trong hiệp định nêu rõ cách sử dụng tài nguyên trên mặt trăng và cho đến nay, đã có 43 quốc gia ký kết thỏa thuận.

Tuy nhiên, chương trình Artemis của Mỹ, với mục tiêu đưa con người trở lại mặt trăng trong thập kỷ này, đã chậm trễ do các vấn đề kỹ thuật.

Việc chậm trễ trong bất kỳ chương trình không gian mới phức tạp nào là điều bình thường. Tuy nhiên dự án tiếp theo, Artemis II, dự kiến đưa các phi hành gia bay quanh mặt trăng mà không hạ cánh, cũng bị trì hoãn cho đến tháng 9/2025. Artemis III, dự kiến ​​đưa những con người đầu tiên lên bề mặt mặt trăng kể từ kỷ nguyên Apollo, được lên kế hoạch diễn ra sớm nhất là vào tháng 9/2026. Chưa rõ mốc thời gian này có bị thay đổi nữa không.

Còn đối với Trung Quốc, họ có thể thực hiện kế hoạch đưa con người lên Mặt trăng vào năm 2030. Thật vậy, một số nhà bình luận đã đặt ra câu hỏi về việc siêu cường châu Á có thể đánh bại Mỹ trong đường đua trở lại Mặt trăng.

Địa chính trị trong không gian

Chương trình không gian Trung Quốc đang phát triển hệ thống theo cách nhất quán và tích hợp. Các sứ mệnh của nước này dường như không gặp phải sự cố nghiêm trọng nào.

Trạm vũ trụ hiện tại của Trung Quốc, Thiên Cung, đang hoạt động ở độ cao trung bình 400 km.

Trung Quốc có kế hoạch đưa ít nhất 3 phi hành gia trong nước lên “thường trú” ở đây từ giờ đến cuối thập kỷ này. Cùng thời điểm, Trạm vũ trụ quốc tế, đang ở cùng độ cao, sẽ ngừng hoạt động và được hạ cánh xuống Thái Bình Dương.

Địa chính trị đang trở lại như một yếu tố trong hoạt động thám hiểm không gian. Rất có thể chương trình Artemis III của Mỹ và các chương trình Hằng Nga 7 – 8 của Trung Quốc sẽ phải trao đổi kế hoạch và thông tin khi họ đều muốn hạ cánh tại cùng một địa điểm gần hố mặt trăng Shackleton, mở ra một kỷ nguyên mới trong ngoại giao.

Đó là, trong khi vẫn duy trì các ưu tiên quốc gia, hai siêu cường, cùng với các đối tác của họ, có thể phải thống nhất về các nguyên tắc chung khi nói đến việc khám phá mặt trăng.

Nhìn lại, Trung Quốc đã đi một chặng đường dài kể từ khi vệ tinh đầu tiên của họ, Đông Phương Hồng 1, được phóng vào ngày 24/4/1970. Trung Quốc không phải là một bên tham gia cuộc đua không gian ban đầu lên mặt trăng vào những năm 1960 và 1970. Nhưng hiện tại thì có.

https://vtcnews.vn/ke-hoach-kinh-te-vu-tru-cua-trung-quoc-gay-chu-y-ar882298.html

Phương Anh / VTC News