Tôi tham dự hội nghị CEO Summit, APEC tại Đà Nẵng vào tuần trước với nhiều cảm xúc lẫn lộn. 

Hàng loạt tuyến đường bị cấm lưu thông trong nhiều giờ khi các nguyên thủ quốc gia di chuyển. Nhưng người dân Đà Nẵng vẫn nhẫn nại chờ đợi. Họ hào hứng chứng kiến một sự kiện lớn của thế giới được tổ chức tại quê hương mình.

Sự kiện APEC 2017 tại Đà Nẵng và việc đồng ý về nguyên tắc để hướng tới Hiệp định thương mại CPTPP được kỳ vọng sẽ tạo một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam.

Nhưng có một câu hỏi đặt ra: Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này như thế nào?

Tại CEO Summit Đà Nẵng, tôi ấn tượng với sự xuất hiện của một nhân vật: Dai Wei, người sáng lập OFO. Ông chia sẻ việc sử dụng xe đạp trên nền tảng kỹ thuật số - thay vì mỗi người phải tự sở hữu xe đạp của mình. Ý tưởng này đã góp phần giảm kẹt xe 7% tại Bắc Kinh và Thẩm Quyến, giúp tạo ra một thành phố ít ô nhiễm hơn. Mọi người sống khỏe mạnh và vui vẻ hơn.

Hơn 60 triệu người sử dụng OFO hàng tháng, nghĩa là hơn 60 triệu người có thói quen sử dụng xe đạp thay cho các phương tiện phát thải khác. Lợi ích kinh tế và sức khỏe mà sự “kết nối và chia sẻ” này mang lại khó lòng định lượng.

Hàng loạt các chủ đề đã được thảo luận tại CEO Summit. Bao gồm tạo việc làm, kết nối để tăng trưởng, thương mại, tăng trưởng bền vững, công nghệ số… Có vẻ cả chính phủ và doanh nghiệp đều chưa tìm ra được câu trả lời hoàn hảo cho các vấn đề lớn hiện nay.

Trong bối cảnh rất nhiều thách thức đó, có một thông điệp hết sức nhân văn được nhắc đến nhiều trong CEO Summit. Chính là “sự kết nối và chia sẻ”. Các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân cần kết nối, hợp tác và chia sẻ chặt chẽ để tìm ra giải pháp cho các bài toán đang đối mặt và cùng phát triển.

Có một điều chắc chắn là thay đổi đang đến rất nhanh. Và nhanh hơn dự đoán của nhiều người. Ví dụ, Uber, Grab thay đổi ngành kinh doanh dịch vụ vận chuyển và tác động lên người lao động trong lĩnh vực này; Airbnb thay đổi ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú.

Chính phủ, doanh nghiệp và từng người dân sẽ cần phải đương đầu với những biến chuyển liên tục này với một tâm thế sẵn sàng và cần có sự chuẩn bị kỹ càng để tận dụng được mọi con sóng đó.

Hàng loạt lao động trong tất cả các lĩnh vực (ví dụ sản xuất, ngân hàng, bác sĩ, luật sư, thậm chí cả nhà báo) cũng có thể được san sẻ với máy móc và công nghệ. Vì vậy, mỗi cá nhân cần chuẩn bị các kỹ năng cần thiết, đặc biệt kỹ năng về công nghệ, để tạo được giá trị riêng biệt của mình.

Việc chuẩn bị và các kỹ năng này sẽ đến từ việc mỗi cá nhân cần liên tục đọc sách - nghe có vẻ bình thường nhưng đây là cách học đã tạo ra những người thay đổi thế giới. Internet mang đến cho chúng ta những cơ hội rộng lớn để học các xu hướng, kỹ năng, ngôn ngữ mới thay vì đơn thuần giải trí và tán chuyện; cập nhật kiến thức và xu hướng của lĩnh vực mình đang quan tâm từ kho tàng tri thức miễn phí trên mạng, tham gia các khóa học online, các bài giảng miễn phí…

Đó vốn là biểu hiện sơ khởi nhất của sự “kết nối” (vào mạng) và “chia sẻ” (những bài học miễn phí).

Mỗi doanh nghiệp cũng có vai trò trong việc tạo cơ hội để nhân viên liên tục nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, tập trung vào những kỹ năng có hàm lượng chất xám cao.

Chính phủ cũng cần cải tổ hệ thống giáo dục quyết liệt để chuyển từ việc học sinh chỉ tiếp nhận kiến thức một chiều từ giáo viên sang việc dạy cho học sinh cách học và suy nghĩ.

Trong bối cảnh thách thức hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có một cơ hội rất lớn khi có thể tận dụng công nghệ số, thương mại điện tử để kết nối và giao thương với các đối tác toàn cầu. Việc quảng bá hình ảnh, tham gia các hội chợ thương mại lớn ở nước ngoài và bán hàng ra toàn cầu trước đây thường chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn với nguồn lực lớn về con người và chi phí tiếp thị. Nhưng nay đã khác, doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể tự tin sử dụng công nghệ số để làm được điều này. Với hơn 97% doanh nghiệp tại Việt Nam đang là các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, đây chính là cơ hội lớn của Việt Nam.

Công nghệ số, nếu biết tận dụng, sẽ củng cố cho giá trị cá nhân của chính mỗi chúng ta. Công nghệ số, nếu dùng đúng cách, sẽ kết nối và chia sẻ nhiều hơn giữa con người thay vì làm họ xa nhau.

Nếu bạn đang đọc bài viết này, nghĩa là bạn đã "kết nối". Vậy hãy tự hỏi, ngày hôm nay, ta đã "chia sẻ" được giá trị tích cực gì cùng cộng đồng trong quá trình "kết nối" ấy?

Bộ trưởng TT&TT: Đã có 27 cuộc tấn công mạng tại hội nghị APEC

Tại hội nghị APEC, chúng ta phát hiện 27 cuộc tấn công có chủ đích vào hệ thống hội nghị cấp cao và ở trung ...

Đại biểu Quốc hội đau lòng vì ‘con em mê phim ngoại, quên lịch sử Việt’

Cho rằng luật Cạnh tranh chưa làm tròn vai trò tăng nội lực đất nước, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cũng chia sẻ ...

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/ket-noi-va-chia-se-3674332.html

/ Phạm Hồng Hải/vnexpress.net