Được tổ chức trong thời điểm thế giới đang chia rẽ nghiêm trọng bởi những căng thẳng địa chính trị, suy thoái kinh tế, khủng hoảng giá lương thực và năng lượng cũng như những tác động tiêu cực kéo dài của đại dịch Covid-19, song Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại New Delhi (Ấn Độ) đã đạt được thành công với những kết quả vượt trên mong đợi.
- Thượng đỉnh G20 giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu
- Ông Biden thất vọng vì ông Tập không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20
Một trong những kết quả được đánh giá mang tính đột phá tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 là việc các nhà lãnh đạo đạt được sự đồng thuận và thông qua Tuyên bố New Delhi với nội dung bao trùm nhiều vấn đề then chốt như tăng trưởng bền vững, chống biến đổi khí hậu, phục hồi chủ nghĩa đa phương, chuyển đổi số…
Việc các nhà lãnh đạo đạt được sự đồng thuận 100% đối với toàn bộ 83 điều trong Tuyên bố New Delhi không chỉ cho thấy vai trò của nước chủ nhà Ấn Độ mà còn khẳng định nỗ lực của các quốc gia nhằm hướng tới một thế giới hòa bình, phát triển bền vững và thịnh vượng. Đúng như nội dung đầu tiên được khẳng định trong tuyên bố là: “Chúng ta là một Trái đất, một gia đình và chúng ta chia sẻ một tương lai”. Chia sẻ về vấn đề này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh, vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang phải chịu những cú sốc chồng chéo do khủng hoảng khí hậu, sự mong manh và xung đột, Hội nghị Thượng đỉnh năm nay đã chứng minh rằng, G20 vẫn có thể đưa ra giải pháp cho những vấn đề cấp bách nhất.
Theo các nhà lãnh đạo G20, những hành động được đưa ra vào thời điểm hiện tại sẽ quyết định tương lai của thế giới và con người. Bởi vậy, hội nghị đã đưa ra những cam kết cụ thể để giải quyết các thách thức toàn cầu, trong đó khẳng định, hợp tác G20 là cần thiết để xác định hướng đi của thế giới khi những trở ngại đối với sự tăng trưởng và ổn định kinh tế vẫn tồn tại. Khó khăn và khủng hoảng chồng chất kéo dài nhiều năm đã đảo ngược những thành tựu đạt được trong Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Những thách thức toàn cầu như nghèo đói và bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, đại dịch và xung đột ảnh hưởng nặng nề đến phụ nữ và trẻ em cũng như những người dễ bị tổn thương nhất...
Với phương châm “Cùng nhau, các quốc gia mới có cơ hội để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”, các nhà lãnh đạo G20 cam kết theo đuổi mô hình phát triển theo hướng chuyển đổi bền vững, toàn diện và công bằng trên toàn cầu, đồng thời không để ai bị bỏ lại phía sau.
Một dấu mốc khác được ghi nhận tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 lần này là sự kiện Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên thường trực. Đây là một sự thừa nhận mạnh mẽ đối với Lục địa Đen khi hơn 50 quốc gia tại khu vực này đang tìm kiếm một vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế. Với tư cách thành viên thường trực của G20 đã báo hiệu sự trỗi dậy của một lục địa có dân số trẻ 1,3 tỷ người, dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2050 và chiếm 1/4 dân số hành tinh. Bên cạnh đó, châu Phi cũng sở hữu 60% tài sản năng lượng tái tạo toàn cầu và hơn 30% khoáng sản quan trọng đối với công nghệ tái tạo và ít các bon. Đây là những tài nguyên mà thế giới cần để chống lại biến đổi khí hậu. Trở thành thành viên của G20, AU có thể đại diện cho một châu lục có khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới và nâng cao vị thế của mình trên các diễn đàn toàn cầu.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Mỹ và một số quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ về việc xây dựng Hành lang kinh tế Ấn Độ - Trung Đông - châu Âu (IMEC). Nếu đưa vào vận hành, IMEC sẽ bao gồm 2 hành lang vận tải riêng biệt trên bộ và trên biển. Hành lang phía Đông kết nối Ấn Độ với Vịnh Ba Tư và hành lang phía Bắc kết nối Vịnh Ba Tư với châu Âu. Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, đây là thỏa thuận lớn nhằm mở ra những cơ hội không giới hạn trong phát triển nguồn điện, năng lượng sạch và đặt các tuyến cáp dữ liệu để kết nối cộng đồng, đồng thời góp phần xây dựng khu vực Trung Đông ổn định, thịnh vượng và hội nhập hơn.
Đảm nhận vai trò Chủ tịch G20 trong bối cảnh đầy thách thức, song những gì Ấn Độ đã làm trong suốt 1 năm qua đã được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận. Thành công của Hội nghị Thượng đỉnh lần này đưa New Delhi trở thành cầu nối lý tưởng giữa Bắc bán cầu và Nam bán cầu, đồng thời biến quốc gia Nam Á thành lực lượng vì hòa bình, góp phần hàn gắn thế giới đang bị chia rẽ.
https://hanoimoi.vn/ket-thuc-hoi-nghi-thuong-dinh-g20-nhung-ket-qua-dot-pha-640538.html