Ông Lê Như Tiến và Nguyễn Túc nhận định rằng, tới đây, “lò” chống tham nhũng còn rực lửa để quét tận gốc “giặc nội xâm” tham nhũng.

Trả lời VTC News, ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khoá XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), nhấn mạnh, việc khai trừ Đảng đối với hai Ủy viên Trung ương là ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch UBND TP Hà Nội), Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Bộ Y tế), một lần nữa rung tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những ai có ý định "nhúng chàm" tham nhũng.

Chống tham nhũng không có vùng cấm và ngoại lệ

Khai trừ Đảng 2 UVTƯ: Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt - 1

Ngày 6/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành khai trừ Đảng ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.

“Tôi rất ủng hộ quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII và càng khẳng định một lần nữa tuyên bố của Trung ương về việc chống tham nhũng, không có vùng cấm, không ngoại lệ, dù bất kỳ người đó là ai”, ông Lê Như Tiến nói. 

Ngay sau khi có thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của hai người này cùng Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 4/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật.

"Quyết định khai trừ Đảng ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long càng khẳng định một lần nữa tuyên bố của Trung ương về việc chống tham nhũng, không có vùng cấm, không ngoại lệ, dù bất kỳ người đó là ai."

Ông Lê Như Tiến

Các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc (Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Những người này đã làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch COVID-19, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.

“Chúng ta thấy như thế đã rất đầy đủ và nghiêm trọng. Bộ Chính trị cũng đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long”, ông Tiến nói.

Ngày 6/6, Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị Trung ương bất thường. Chiều cùng ngày, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp để xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long.

“Đây là việc làm rất khẩn trương, cấp thiết, lấy lại lòng tin của nhân dân. Những diễn biến trong thời gian vừa qua, chúng ta đã thấy rõ. Nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật, từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng và cả các vị tướng, tá trong công an, quân đội. Kết luận cuối cùng của Ban chấp hành Trung ương Đảng hôm nay cũng tạo lòng tin và làm cho người dân, cử tri, dư luận xã hội đánh giá rất cao”, ông Lê Như Tiến chia sẻ.

“Muốn cứu cánh rừng, phải giết sâu mọt”

Trong khi đó, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với cá nhân đã bị kỷ luật đảng, đồng nghĩa với việc hai ông này sẽ bị cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Nghiêm trọng hơn có thể sẽ là khởi tố do những sai phạm đã gây ra.

“Việc thi hành kỷ luật phải thực hiện một cách nhanh chóng cũng là lời khẳng định rằng những Nghị quyết của Trung ương về công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng được chấp hành nghiêm túc và kịp thời.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, tôi nghĩ việc tổ chức hội nghị bất thường để kỷ luật hai Ủy viên Trung ương là để cảnh cáo và nhắc nhở các ban chỉ đạo địa phương phải nghiêm túc, quyết liệt, nhanh chóng và kịp thời trong công tác làm trong sạch hàng ngũ Đảng”, ông Túc phân tích.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng, hội nghị lần này thể hiện rõ điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và những người đứng đầu lại càng phải có trách nhiệm nhiều hơn.

“Nó đồng thời chứng tỏ cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực hay nói rộng hơn là chống thoái hoá, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa không có điểm dừng và hứa hẹn sẽ ngày càng quyết liệt. Điều này tạo thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, rằng Đảng ta đã thấy rõ nguy hiểm của thoái hóa, biến chất, nó ảnh hưởng thế nào đến sự tồn vong của Đảng và chế độ”, ông Túc nhấn mạnh.

Ông Túc cũng nhận định, đây là quyết định đau lòng nhưng không thể không làm vì như lời Bác Hồ từng nói: “Muốn cứu cây và rộng hơn là cả cánh rừng thì phải giết sâu mọt”. Đảng ta muốn trong sạch, vững mạnh và tăng cường niềm tin đối với nhân dân thì phải khai trừ những cá nhân thoái hóa, biến chất.

“Trong thời gian tới, khi Đảng và Chính phủ tăng cường kiểm tra những sự vụ liên quan đất đai, ngân hàng, đầu tư…, chắc chắn còn nhiều điều đau lòng hơn nữa, nhưng bắt buộc chúng ta phải chấp nhận và thực hiện”, ông Túc nêu quan điểm.

"Tham nhũng, tiêu cực là giặc nội xâm, phải dùng biện pháp toàn dân như các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trước đây mới nhanh chóng giành được chiến thắng."

Ông Nguyễn Túc

“Lò” vẫn rực lửa, mong toàn dân vào cuộc

Nói về việc “lò” đang cháy rực nhưng vẫn có những người tự biến mình thành “củi”, theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Lê Như Tiến, họ bị đồng tiền làm lóa mắt, lợi ích che nhân phẩm và lương tâm.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cả nước trên dưới đồng lòng gồng mình chống dịch, người dân khốn khó, lao đao nhưng một số người có chức quyền lại vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà bán rẻ lương tâm, tiếp tay, chống lưng cho Công ty Việt Á, để đơn vị này lũng đoạn nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

“Chúng ta phải nói đó là tội ác chứ không còn là  khuyết điểm. Lẽ ra, họ phải góp phần vào để chống dịch nhưng lại tiếp tay cho cái ác, trục lợi. Hành vi của những người này rất đáng lên án và họ sẽ phải trả giá rất đắt”, ông Lê Như Tiến nêu quan điểm.

Còn ông Nguyễn Túc nhận định nhiều cán bộ, đảng viên không có bản lĩnh chính trị vững vàng, không cưỡng lại cám dỗ của cơ chế thị trường và đồng tiền là nguyên nhân chính khiến họ “nhúng chàm”.

Việc kiên quyết loại trừ khỏi Đảng những cán bộ suy thoái cho thấy quyết tâm rất lớn của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, quét tận gốc vấn nạn này. Thời gian tới, chúng ta cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa những nghị quyết mà Trung ương đề ra.

“Tham nhũng, tiêu cực là giặc nội xâm, phải dùng biện pháp toàn dân như các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trước đây mới nhanh chóng giành được chiến thắng”, ông Túc nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Thanh Long, sinh năm 1966, quê ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, là Ủy viên Trung ương khóa XIII và đại biểu Quốc hội khóa XV. Trở thành Thứ trưởng Bộ Y tế năm 2011, ông Long có 7 năm giữ cương vị này, trước khi được điều động giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương vào tháng 10/2018.

Đầu năm 2020, giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long quay trở lại giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế. Sau đó, đến tháng 11/2020, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Y tế.

Ông Chu Ngọc Anh, sinh năm 1965, quê ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, là Ủy viên Trung ương 3 khóa (dự khuyết khóa XI và chính thức khóa XII, XIII).

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ.

Tháng 9/2020, Bộ Chính trị điều động ông Chu Ngọc Anh làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, sau đó ông được bầu giữ chức Chủ tịch UBND thành phố và giữ cương vị này cho đến nay.

https://vtc.vn/khai-tru-dang-2-uvtu-cuoc-chien-chong-tham-nhung-tieu-cuc-ngay-cang-quyet-liet-ar680953.html

ANH VĂN - NGUYỄN HUỆ / Theo VTC News