Nhiều ý kiến của cư dân mạng tranh cãi về việc chương trình Táo Quân dùng giới tính của Bắc Đẩu để tạo tiếng cười.
Mới đây, cộng đồng LGBT và những ai quan tâm tới chương trình Táo Quân đã đồng loạt lên tiếng về việc hình tượng nhân vật Bắc Đẩu đang "miệt thị" cộng đồng LGBT tại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng ở thời đại này, càng ngày càng nhiều người ủng hộ người đồng tính, không còn coi đó là một bệnh lý nữa mà coi đó là một giới tính khác với nam, nữ mà thôi.
Bắc Đẩu là nhân vật được yêu thích trong chương trình Táo Quân nhiều năm nay.
"Mình hoàn toàn đồng ý! Không còn sớm nhưng cũng cần phải cho nhiều khán giả trong cơn cười theo thói quen hiểu rằng mình đang cười vào cái gì!"- Facebooker Đỗ Bạch Dương ủng hộ quan điểm của cộng đồng LGBT gửi thư ngỏ phản đối chương trình Táo Quân.
Facebooker Huỳnh Quang Nhật chia sẻ dưới góc độ một người làm sự kiện, anh thông cảm với ê-kíp Táo Quân trong sai sót này: "Là một người làm các chương trình về văn hoá và sự kiện, mình nghĩ đây là sai sót của các biên tập vì có lẽ họ chưa ý thức rõ được sự tác động của chương trình đến cảm nhận của cộng đồng LGBT, và một phần do thời gian dựng các chương trình cho ngày Tết rất gấp rút. Mong là những người làm chương trình sẽ sớm có động thái tích cực trước phản hồi này".
"Công nhận! Văn minh và phục thiện thì người chịu trách nhiệm cao nhất của Táo Quân phải ra thư ngỏ xin lỗi cộng đồng LBGT nói riêng và công chúng nói chung. Tuy nhiên nếu họ văn minh thì một cái chương trình quá nhiều sạn, với sỏi, với đá thế này đã không lên sóng ngay từ đầu."- Bạn Lê Phương Chi có một cái nhìn rộng hơn với nội dung của Táo Quân.
"Cô Đẩu" là nhân vật quen thuộc với khán giả xem Táo Quân.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng cộng đồng LGBT không cần thiết phải làm quá lên như vậy, chương trình Táo Quân nói cho cùng chỉ là chương trình nghệ thuật hài, việc lên tiếng chỉ trích, phản đối càng làm cho nhiều người cho rằng cộng đồng LGBT quá "nhạy cảm" mà thôi.
"Có gì phải giãy nảy lên, các bạn tự cho mình là bình thường thì tiếp nhận điều đó một cách bình thường đi. Nếu đã là muốn là một phần của cả một cái tổng thể thì bản thân mình cũng phải bỏ cái ranh giới nhạy cảm động đến là giãy nảy lên đi đã. Tôi chả kỳ thị giới tính nào cả, nhưng làm như các bạn thế này khác gì bảo là chúng tôi không bình thường và chúng tôi cần được bảo vệ."- facebooker Nguyễn Hữu Thành nhận định.
"Tôi không xem táo quân nhưng tôi cũng biết vụ anh Đẩu "bóng" gây cười cả chục năm nay.
Tôi ủng hộ tự do, bình đẳng về giới và tôi cho rằng cách tốt nhất để tôn trọng sự khác biệt giới tính chính là không quá xửng cồ với nhân vật có giới tính nào đó bị coi là đối tượng gây cười. Cần hiểu rộng, sự phân biệt thiểu số là không thể tránh, ở bất kỳ xã hội nào, cho dù xã hội đó có văn minh đến mấy, người ta có rao giảng bình đẳng, bác ái đến mấy.
Ngay chính trong chương trình, cũng có rất nhiều nhân tố thiểu số bị lấy ra làm trò cười chả dụ như hoa hậu, như giáo sư đề xuất cải cách chữ, thậm chí cả các đồng chí quan lại cũng là thiểu số. Càng nhạy cảm với cái gọi là khác biệt thiểu số, càng đào sâu hố ngăn cách giữa đại chúng và dị biệt."- Bạn Bien Bom có cái nhìn đơn giản về sự việc.
Trước đó, cộng đồng LGBT tại Việt Nam đã chính thức lên tiếng chỉ trích về việc lấy giới tính của Bắc Đẩu ra để tạo tiếng cười trên sân khấu Táo Quân. Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (ICS) đã có thư ngỏ gửi đến Đài truyền hình Việt Nam và Ban biên tập chương trình Gặp nhau cuối năm để phản đối chương trình này.
Chương trình Táo quân bị phản ứng vì xúc phạm người đồng giới Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT ... |
Hài tết ngày càng nhạt vì bị hài thực tế “cạnh tranh”? Sau Táo quân giao thừa Tết Mậu Tuất, có nhiều ý kiến nhận xét chương trình “nhạt”, nhàm chán, thiếu sức hấp dẫn. Không chỉ ... |