“Chúng tôi rất may mắn được Quốc hội chọn để chất vấn nhưng thực ra cũng là một cơ hội lớn để ngành giao thông vận tải giải trình những vấn đề lớn mà xã hội quan tâm đến ngành giao thông vận tải”. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã chia sẻ cảm xúc của mình trước khi ông ngồi vào ghế “nóng” trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba vừa diễn ra.
- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và 3 Bộ trưởng trả lời chất vấn
- 8 phát ngôn ấn tượng tại phiên chất vấn của Quốc hội
- Đại biểu Quốc hội: Xử lý ông Chu Ngọc Anh, ông Nguyễn Thanh Long đau xót nhưng phải làm
Chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã nhận được sự đồng tình của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - người điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn khi cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể “rất may mắn”. Bởi theo Chủ tịch Quốc hội, nhiều bộ trưởng, trưởng ngành đều nói là "được" chất vấn chứ không phải là "bị" chất vấn. “Chúng tôi cũng đã trải nghiệm qua những cảm giác như thế, cảm thấy là được chất vấn” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Tâm thế cảm thấy “được” chất vấn không còn là chia sẻ của riêng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã “xung phong” để được trả lời chất vấn trước Quốc hội. Và khi được đăng đàn trả lời chất vấn, khi ấy Bộ trưởng Nguyễn Quân đã “bày tỏ sự biết ơn đối với Quốc hội vì đã cho phép được trả lời chất vấn”. Bởi theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, việc được trả lời chất vấn trực tiếp là sự kiện rất đặc biệt; là một cơ hội rất lớn đối với cộng đồng khoa học Việt Nam. Thông qua hoạt động này, Bộ Khoa học và Công nghệ được báo cáo với Quốc hội, cử tri cả nước những công việc mà ngành đang làm, những khó khăn thách thức phải vượt qua. “Đặc biệt qua ý kiến chất vấn của các đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ thấy rõ những mặt yếu kém. Qua đó, chúng tôi sẽ phải có những giải pháp để khắc phục, sửa chữa làm cho khoa học, công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, có đóng góp xứng đáng vào quá trình phát triển của đất nước” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh.
Chất vấn là hình thức giám sát mang lại hiệu quả cao. Bởi chất vấn thường được gắn với trách nhiệm của mỗi cá nhân bộ trưởng, trưởng ngành khi chất vấn. Để tạo cơ hội cho cử tri, nhân dân theo dõi hoạt động của Quốc hội, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong nhiều nhiệm kỳ gần đây được phát thanh và truyền hình trực tiếp. Điều này đôi khi cũng tạo nên áp lực tâm lý khi trả lời chất vấn đối với một số bộ trưởng, trưởng ngành nếu như chưa thực sự nắm vững lĩnh vực mà mình phụ trách hoặc chưa thực sự có kinh nghiệm, kỹ năng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Từ những kiến nghị của cử tri, những điều qua “mắt thấy, tai nghe” từ thực tiễn cuộc sống, đại biểu chắt lọc mang đến nghị trường thông qua mỗi chất vấn đối với bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan. Ngồi "ghế nóng” trên nghị trường Quốc hội là cơ hội để "tư lệnh ngành" được lắng nghe, được đánh giá một cách khách quan nhất từ các đại biểu, cử tri về hoạt động của ngành mình. Đồng thời, đây cũng là dịp để bộ trưởng, trưởng ngành được nói lên tiếng nói, được chia sẻ những thuận lợi và cả những khó khăn của ngành mình trong công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ được giao. Qua đó, nhận được chia sẻ từ cử tri, nhân dân, đặc biệt là từ chính người chất vấn.
Tuy vậy, giải trình những vấn đề chưa làm được, chia sẻ những điều đã làm được trước cử tri, trước Quốc hội của bộ trưởng, trưởng ngành không phải lúc nào cũng dễ dàng. Là đại diện cho tiếng nói của cử tri, đại biểu có thể “truy” đến cùng trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành. Do đó, nếu vai trò quản lý, trách nhiệm của "tư lệnh ngành" chưa được thể hiện “tròn vai" thì bộ trưởng, trưởng ngành có thể bị lúng túng, thậm chí bị “mất điểm” khi trả lời chất vấn.
Thực tế cho thấy, không ít các bộ trưởng, trưởng ngành thực sự xây dựng được hình ảnh đẹp thông qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn, bởi đã thể hiện được bản lĩnh, năng lực quản lý của mình trước cử tri, trước Quốc hội. Việc “ghi điểm” ấy xuất phát từ sự tự tin khi nắm chắc lĩnh vực mình quản lý, chia sẻ cởi mở, thẳng thắn về những điều làm được, cũng như sự cầu thị, chân thành với những vấn đề tồn tại, vướng mắc, chưa đạt được như kỳ vọng của nhân dân; xuất phát từ những chuyển biến tích cực sau chất vấn, những tồn tại, điểm nghẽn được tháo gỡ, những rào cản được cởi bỏ, những lời hứa được hiện thực hóa trọn vẹn...
"Tư lệnh ngành" sẽ để lại ấn tượng đẹp trong lòng cử tri, Nhân dân, và thực sự “ghi điểm” nếu như luôn trong tâm thế cảm thấy may mắn “được” chất vấn, chứ không phải “bị” chất vấn.