Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 9/2 nói khí cầu Trung Quốc được phát hiện vài ngày trước có gắn thiết bị thu thập tín hiệu liên lạc, không phù hợp với nghiên cứu khí tượng.
- Mỹ chuẩn bị đáp trả Trung Quốc vụ khinh khí cầu do thám
- Mỹ nói 'hạm đội' khinh khí cầu của Trung Quốc bao phủ toàn cầu
Theo New York Times và Wall Street Journal, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói khinh khí cầu Trung Quốc mà quân đội nước này nghi là khí cầu do thám và bắn hạ trên Đại Tây Dương vài ngày trước có khả năng thu thập tín hiệu liên lạc, là một phần của đội khinh khí cầu giám sát do quân đội Trung Quốc chỉ đạo đã bay qua hơn 40 quốc gia trên khắp năm châu lục.
Theo đó, Mỹ đã sử dụng hình ảnh có độ phân giải cao để xác định khả năng của khinh khí cầu, cho rằng các thiết bị gắn trên khinh khí cầu “rõ ràng là để giám sát tình báo và không phù hợp với đặc điểm thiết bị trên khinh khí cầu thời tiết”.
Hình ảnh khí cầu bị bắn hạ.
Cơ quan này nói khinh khí cầu Trung Quốc họ phát hiện có gắn nhiều ăng-ten được sắp xếp “có khả năng thu thập và định vị địa lý thông tin liên lạc”. Bộ cho biết các tấm pin mặt trời trên khí cầu đủ lớn để tạo ra năng lượng vận hành cho “nhiều cảm biến thu thập thông tin tình báo hoạt động”.
Cơ quan này cũng cho biết Mỹ “tự tin” rằng công ty sản xuất khinh khí cầu có quan hệ thương mại trực tiếp với quân đội Trung Quốc, dù không nêu tên công ty.
Mỹ cũng sẽ tìm hiểu về các hành động có thể thực hiện để đáp trả "các thực thể được liên kết với quân đội Trung Quốc hỗ trợ cho việc khinh khí cầu xâm nhập vào không phận Mỹ”, Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm, đồng thời xem xét "nỗ lực lớn hơn để vạch trần và giải quyết các hoạt động giám sát quy mô lớn" mà nước này cho rằng do Trung Quốc thực hiện.
Dù vậy, các quan chức Mỹ cho biết họ không rõ chính xác khí cầu Trung Quốc đang cố thu thập loại thông tin liên lạc nào và chưa xác định được địa điểm mà khinh khí cầu nhắm tới.
Từ đầu "lùm xùm" khí cầu, Trung Quốc đã khẳng định đây là thiết bị dân sự nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, và chỉ vô tình trôi vào không phận Mỹ.
Sự hiện diện của khinh khí cầu này đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao và khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken phải hủy chuyến đi vào cuối tuần tới Bắc Kinh, nơi ông dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Blinken cho rằng khinh khí cầu đã vi phạm chủ quyền của Mỹ và là "hành động vô trách nhiệm" của Trung Quốc.
Sau khi một máy bay chiến đấu Mỹ bắn hạ khinh khí cầu, chính phủ Trung Quốc cho rằng Mỹ đã phản ứng thái quá và vi phạm công ước quốc tế, vì vậy Trung Quốc có “quyền đáp trả thêm”.
Các thợ lặn của hải quân Mỹ sau đó đã thu hồi các mảnh vỡ từ khinh khí cầu ở bờ biển Nam Carolina. Mỹ cho biết họ đang kiểm tra các bộ phận để xem liệu quân đội Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp có quan hệ với họ có đang sử dụng công nghệ của Mỹ hoặc các công ty phương Tây khác trong các thiết bị hay không.
Hải quân Mỹ trục vớt các bộ phận của chiếc khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ ở ngoài khơi Nam Carolina - Ảnh: AFP
Việc phát hiện ra bất kỳ công nghệ nào như vậy có thể thúc đẩy chính quyền ông Biden thực hiện các hành động khắc nghiệt hơn để đảm bảo rằng các công ty không xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, cho các cơ quan an ninh và quân sự của nước này có thể sử dụng. Chính quyền Mỹ trước đó đã áp đặt hàng loạt giới hạn với việc bán những “công nghệ nền tảng” cho Trung Quốc, trong đó đáng chú ý nhất là công nghệ chip.
Các cơ quan tình báo Mỹ trong khi đó đưa ra đánh giá rằng chương trình khinh khí cầu do thám của Trung Quốc là một phần trong nỗ lực giám sát toàn cầu nhằm thu thập thông tin về khả năng quân sự của các quốc gia trên thế giới.
Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc có một nhóm các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu những tiến bộ của khinh khí cầu. Và từ năm 2020, báo quân đội Trung Quốc đã đăng bài báo nói về việc vùng không gian gần “đã trở thành một chiến trường mới trong chiến tranh hiện đại như thế nào”.
Các khinh khí cầu có một số lợi thế khi so với các vệ tinh thu thập thông tin tình báo quay quanh trái đất theo mô hình thông thường, các quan chức Mỹ cho biết.
Chúng bay gần trái đất hơn và trôi theo gió, vì vậy có đường đi khó dự đoán, không như quỹ đạo cố định của các vệ tinh, và chúng có thể tránh được radar. Chúng cũng có thể loanh quanh trong một khu vực, trong khi các vệ tinh thường chuyển động liên tục. Máy ảnh đơn giản trên khinh khí cầu có thể tạo ra hình ảnh rõ ràng hơn so với máy ảnh trên vệ tinh quỹ đạo và các thiết bị giám sát khác có thể thu được những tín hiệu không đạt đến độ cao của vệ tinh.
https://vtc.vn/khi-cau-trung-quoc-co-gan-thiet-bi-thu-thap-tin-hieu-lien-lac-ar740962.html