Hà Nội, những ngày nghỉ lễ dài là những ngày thưa vắng phố phường. Những con đường vốn chật chội bỗng thênh thang hơn khi ít người lại qua.
Các cư dân đô thị đi đâu hết rồi? Họ, một bộ phận lớn là những người di cư từ các địa phương khác trong cuộc mưu sinh chật vật mà đến với Hà Nội. Nhân những ngày nghỉ lễ, họ về lại với nơi mình đã ra đi. Quê giờ hiếm lắm bến nước gốc đa, quê giờ cũng đường nhựa, nhà máy và lác đác biệt thự… nhưng quê vẫn là quê. Nơi đó có bố mẹ già, có đám bạn trẻ, có những bữa ăn dân dã nhưng đượm không khí gia đình.
Một bộ phận khác, những người tự cho mình là “dân Hà Nội xịn”, hoặc là dân phố cũng bỏ phố để đến những địa điểm du lịch ken đặc người. Có người về với biển, bổ sung lượng người đông đúc cho những Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò… Có người lại rong ruổi lên với rừng xanh núi đỏ, câu cá, tắm suối, ở rừng.
Dù là người phố “xịn” hay không “xịn” thì những cuộc “di cư” ấy cũng là lúc trả lại cho Hà Nội một không gian yên bình đến lạ. Và như thường lệ, sẽ có những tiếng reo hẹp hòi vang lên: “Mong sao những người đã rời Hà Nội đừng trở lại nữa, hãy để cho Hà Nội mãi như thế này thôi!”.
Đường phố Hà Nội những ngày vắng vẻ |
Họ, có người sẽ bĩu môi nhai lại những lời đã cũ, rằng chính dân quê, chính lượng người di cư từ quê ra phố đã làm nhếch nhác Thủ đô, chật chội Hà Nội. Quan điểm ấy đến giờ vẫn chực chờ được tranh luận. Nhưng Hà Nội đâu phải của riêng ai, không phải của người phố “xịn”, càng không phải của người quê di cư ra. Chỉ có một điều chắc chắn, chính đội quê di cư hùng hậu ấy góp phần không nhỏ dựng nên những công trình đồ sộ ở Hà Nội - mà người Hà Nội gọi là những niềm tự hào.
Người ta có thể hoan hỉ vì phố xá bình yên và rộng rãi hơn, nhưng người ta cũng sẽ thấy thiếu hụt đi những yêu cầu thuê mướn, mua sắm từ đội quân di cư ấy. Người phố, không thể tự tay mình giải quyết hết những việc tay chân mà đội quân nông thôn đang đảm nhận.
Đó là đối với người phố, còn người quê những ngày nghỉ là những cuộc trở về vật vã. Xe khách chất đầy những người là người. Họ chấp nhận nhốt mình trong những chiếc xe đông nghịt như thế, nói như chú lơ xe ít khi cười vì: “Các bác thông cảm, mỗi người nhường nhau một tí, ai cũng muốn về sớm”.
Quê tôi là một vùng quê yên bình ven biển. Tôi cũng như người Hà Nội đã từng sống với vùng biển quê tôi những ngày biển rất đỗi bình yên, ít người qua lại. Nơi đó có nhịp sống chậm rãi của ngư dân đánh bắt gần bờ, nơi đó có những thúng cá buổi sáng được bày bừa lên ngay trên mé biển để người địa phương chọn mua. Nhưng tôi không thể và cũng không có quyền giữ biển quê tôi trong sự hẹp hòi của chính mình.
Biển quê tôi giờ cũng trở thành vùng biển dịch vụ, sống bằng việc phục vụ nhu cầu của người dân ở khắp nơi đổ về, trong đó cả người phố. Tôi cũng từng ước, mình lại được thênh thang bước đi trên những bãi cát vắng người, ăn những bữa hải sản không bị ồn ào nấu vội… Tôi cũng như người dân quê tôi đang phải chia sẻ không gian của mình cho người phố, trong một nỗ lực làm giàu cho không ít hộ gia đình.
Những cuộc trở về giờ trở nên náo nhiệt. Tôi rời phố, rời nơi ồn ào rồi phải trở về nơi ồn ào. Liệu tôi có được quyền nói như người phố “xịn” nào đó: Hỡi người phố, hãy về với phố của các bạn đi, trả lại biển quê tôi bình yên như trước? Dĩ nhiên là không rồi. Phố với quê đã gần hơn ở điều đó. Không gian bị chia sẻ cho các nhu cầu khác nhau.
Cuộc sống ngày càng phát triển, những cuộc trở về hay trở ra giữa phố và quê giờ thuận tiện. Cứ trên 100km di chuyển thì đều có xe giường nằm máy lạnh phủ sóng wifi đến tận điện thoại mỗi người. Nhưng để đưa ra một sự lựa chọn cho ngày trở về cũng không hề đơn giản.
Tôi biết bạn tôi, có nhiều người đã từng gia nhập đội quân quay lưng lại với quê hương để tiến về Hà Nội. Quê ngày đó chỉ rặt là người già, đàn bà và trẻ con. Có dạo, trường mầm non còn không hoạt động được vì không có người học. Bố mẹ đi kéo theo con cái đến vùng đất mới.
Họ chấp nhận cuộc sống chật vật ở phố như một sự trải nghiệm, có người như để lấp thêm vào kiến thức của mình sự trưởng thành ở phố. Nhưng đến một lúc nào đó, họ tự tin bỏ phố để về quê. Quê bây giờ cũng hiện đại, nhu cầu giao thương buôn bán cũng nhiều, nó tạo thời cơ làm ăn cho không ít người trở về.
Chuyến nghỉ lễ vừa rồi, tôi thấy vui hơn khi có những thằng bạn tự tin tuyên bố: “Hà Nội với tao không phải để trở về nữa. Hà Nội với tao giờ chỉ là nơi ghé thăm, gặp gỡ”. Nó, khi ở Hà Nội chỉ là công nhân xách vữa ở một công trình, giờ nó là chủ của một cửa hàng vật liệu xây dựng.
http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/khi-ha-noi-khong-con-la-noi-de-tro-ve/740508.antd