Việc chưa giành ưu thế tuyệt đối trên không trong hai năm đầu chiến sự khiến Không quân Nga có vai trò hạn chế trong nỗ lực đạt mục tiêu ở Ukraine, nhưng khi cuộc xung đột bước sang năm thứ ba, những phi đội tiêm kích uy lực của Moscow trở lại quần thảo tiền tuyến, trở thành "cơn ác mộng" của đối phương.

Phòng tuyến Ukraine bị bào mòn

Hai năm qua, cuộc chiến trên thực địa ở Ukraine ghi nhận màn "so găng" chủ yếu của lục quân Nga-Ukraine với sự hỗ trợ của pháo binh và máy bay không người lái (UAV). Không quân hai bên đóng vai trò thứ yếu, không quân Ukraine gần như biến mất, còn không quân Nga hạn chế xuất hiện gần tiền tuyến để ngăn thiệt hại từ phòng không đối phương. Máy bay Nga chủ yếu được sử dụng để khai hỏa tên lửa tầm xa vào các mục tiêu trọng yếu nằm sâu trong lãnh thổ Ukraine với tần suất vừa phải.

Tuy nhiên, sang năm chiến sự thứ ba, tình thế đang thay đổi. New York Times dẫn lời các chuyên gia quân sự tin rằng, Nga đã cải tiến chiến thuật, tăng cường sử dụng máy bay chiến đấu gần tiền tuyến để thả bom dẫn đường vào các vị trí của Ukraine dọn đường cho bộ binh. Thành phố Avdiivka chiến lược ở tỉnh Donetsk, nơi Nga vừa giành kiểm soát, là minh chứng rõ nhất của chiến thuật đó. "Những quả bom Nga phá hủy hoàn toàn mọi công trình. Các tòa nhà và công trình sẽ biến thành cái hố khi bom rơi", Egor Sugar, một người lính Ukraine từng chiến đấu ở Avdiivka, kể.

Khi không quân Nga trở lại tiền tuyến -0
Tiêm kích bom Su-34 và bom FAB-500 được lắp bộ UMPK của Nga. Ảnh: RT.

Tiếng vang của bom lượn dẫn đường Nga nổi lên từ giữa năm 2023, khi truyền thông Nga xác nhận Moscow lắp hệ thống điều hướng gắn ngoài mang tên Modul Dẫn đường và Cánh nâng Hợp nhất (UMPK) cho những quả bom trọng lực FAB-500 và FAB-1500 trọng lượng 500kg và 1.500kg, biến chúng thành vũ khí tấn công chính xác ở Ukraine. Mỗi hệ thống UMPK có giá 24.000 USD, giúp những quả bom đánh trúng mục tiêu cách xa 50-70km nhờ hệ thống điều hướng gắn thiết bị định vị GLONASS. Sai số vài mét với một quả bom như FAB-1500, vốn có vùng sát thương bán kính 500m, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả tác chiến. Khi đánh trúng mục tiêu, FAB-1500 sẽ khoét một miệng hố rộng 15m, thổi bay mọi hầm hào công sự.

Dù có tầm hoạt động hạn chế, nhưng bom lượn có những đặc điểm vượt trội so với tên lửa là thời gian bay ngắn, tiết diện phản xạ radar nhỏ, di chuyển linh hoạt và không phát nguồn nhiệt do không có động cơ nên Ukraine gần như không có cách nào đánh chặn. Giữa năm ngoái, Nga chỉ sử dụng khoảng 30 quả bom lượn/tuần. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, chỉ trong vòng 6 ngày (18- 24/3), Nga đã thả tổng cộng 700 quả bom lượn xuống Ukraine. Ông thừa nhận bom lượn cho phép Nga "tiêu diệt mục tiêu và tiến công qua các đống đổ nát". "Thật kinh khủng, chúng tôi không thể giữ được phòng tuyến, chứ đừng nói đến việc tiến lên vì bom Nga. Chúng tôi đã mất rất nhiều người", Lemur, một binh sĩ Ukraine chiến đấu ở Kupiansk, nơi Nga đang tìm cách tấn công, nói.

Tuy vậy, chiến thuật dùng bom lượn của Nga không phải là không có điểm yếu. Việc đưa máy bay ném bom đến gần tiền tuyến để thả bom tiềm ẩn nguy hiểm với những chiếc máy bay trị giá hàng chục triệu USD. Ukraine gần đây triển khai hệ thống phòng không hiện đại mà phương Tây viện trợ như Patriot và NASAMS có tầm bắn lên đến 160km, gần tiền tuyến. Tháng 3/2024, Ukraine tuyên bố bắn rơi 7 tiêm kích bom Su-34 và một máy bay trinh sát tầm xa A-50 gần chiến tuyến miền Đông. Theo chuyên trang phân tích dữ liệu nguồn mở Oryx, Nga đã mất 2 chiếc Su-34; cơ quan tình báo quân sự Anh xác nhận Nga mất một chiếc A-50. Dù thấp hơn tuyên bố của Ukraine, nhưng đó vẫn là thiệt hại lớn với không quân Nga.

Nga nỗ lực hoàn thiện chiến thuật

Việc đưa không quân trở lại tiền tuyến ném bom có vai trò rất quan trọng với Nga hiện nay và những thiệt hại trong tầm kiểm soát là điều họ chấp nhận, bởi nguồn dự trữ tên lửa cạn dần sau các đợt không kích mạnh mẽ vào Ukraine. Bên cạnh đó, ưu thế trên biển của Nga đang suy giảm khi họ hứng chịu nhiều thiệt hại từ các đợt tấn công bằng xuồng mang bom hoặc tên lửa tầm xa Storm Shadow/SCALP do Ukraine thực hiện, khiến việc tập kích Ukraine từ ngả Biển Đen trở nên khó khăn hơn. Ngược lại, Nga có nguồn dự trữ bom khổng lồ từ thời Liên Xô, nhất là với hai mẫu bom FAB-500 và FAB-1500. Theo RiaNovosti, Moscow gần đây khởi động dây chuyền sản xuất hàng loạt FAB-3000, loại bom nặng 3 tấn có thể thổi bay các công trình kiên cố.

Về mặt công nghệ, để hạn chế nhược điểm tầm triển khai tương đối thấp của bom lượn, vốn buộc máy bay Nga phải di chuyển vào vùng phòng không của Ukraine, Moscow đang thử nghiệm thêm một bộ mô-đun mới có thiết kế giống UMPK, nhưng được trang bị động cơ. Tháng trước, các chuyên gia Ukraine ghi nhận Nga sử dụng vũ khí được định danh UMPB D-30, chế tạo trên cơ sở bom thông thường FAB-250 có trọng lượng 250 kg, gắn thêm động cơ, mô-đun điều chỉnh đường bay như UMPK. UMPB D-30 có chi phí dưới 50.000 USD. Để so sánh, một tên lửa hành trình Kalibr mang đầu đạn 450kg giá 1 triệu USD (bản xuất khẩu giá 6,5 triệu USD, theo Forbes). Tất nhiên, Kalibr có thể phóng từ tàu chiến cách mục tiêu 1.500km, còn bom dẫn đường chỉ có tầm hoạt động tối đa dưới 150km.

Về mặt chiến lược, để vô hiệu hóa năng lực phòng không đối phương, Nga cũng cho thấy họ đã cải thiện "chuỗi tìm diệt" vũ khí Ukraine gần tiền tuyến. "Chuỗi tìm diệt" là khái niệm do Mỹ đưa ra về một quá trình tổng thể mà trong đó, các đơn vị sẽ hiệp đồng tìm kiếm, định vị mục tiêu, lựa chọn vũ khí rồi tập kích. Chỉ trong tháng gần nhất, Nga công bố hàng loạt video ghi lại các vụ tập kích chớp nhoáng vào khí tài đối phương. Hôm 2/4, Nga đăng video tập kích hệ thống S-300 của Ukraine ở Kharkov khi chúng vừa được triển khai.

Trong vụ việc ngày 22/3, UAV Nga phát hiện tổ hợp phòng không NASAMS Ukraine ở tỉnh Zaporizhzhia, cách tiền tuyến 50 km. Chỉ vài phút sau, tên lửa diệt hạm Kh-35U lao xuống, phá hủy hoàn toàn bệ phóng và đài chỉ huy NASAMS. Hôm 9/3, Nga đăng video sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander tấn công chính xác tổ hợp phòng không Patriot ở Donetsk khi nó đang trên đường triển khai trận địa mới.

Khi không quân Nga trở lại tiền tuyến -0
Avdiivka chỉ còn là đống đổ nát sau nhiều tháng giao tranh. Ảnh: BQP Ukraine.

Theo giới quan sát, Nga cải thiện được "chuỗi tìm diệt" nhờ họ có thể triển khai ngày càng nhiều UAV trinh sát với tính năng tiên tiến, cho phép thu thập và chuyển dữ liệu chi tiết với tốc độ cao đến các khẩu đội pháo binh, pháo phản lực, UAV tấn công và tên lửa tầm xa. Giới lãnh đạo quân sự cấp cao dường như cũng cho phép chỉ huy tiền tuyến có nhiều quyền hạn hơn, giúp họ ra lệnh tấn công ngay khi có thông tin về mục tiêu. Quá trình đó một mặt khiến Nga ngăn ngừa nguy cơ bị tấn công, mặt khác khiến Ukraine mất đi khả năng di chuyển tự do gần tiền tuyến. 

Nga cũng đang cho thấy họ tấn công tên lửa ngày một hiệu quả hơn. Hôm 26/3, tiếng cảnh báo không kích ở Kiev đã vang gần như cùng thời điểm tên lửa Nga đánh trúng tòa nhà của cơ quan tình báo SBU, khiến nó đổ sập. Ukraine sau đó nói Nga sử dụng tên lửa siêu vượt âm Zircon. Các kênh theo dõi chiến sự trên Telegram tiết lộ, quả đạn Zircon hoàn thành quãng đường 580 km từ Crimea tới Kiev trong 3 phút, tương đương vận tốc siêu vượt âm Mach 9 (11.600 km/h).

Trong các cuộc không kích tên lửa thông thường, Nga sẽ cho xuất kích UAV và máy bay từ các căn cứ nội địa đến gần biên giới khai hỏa tên lửa. Khi phương Tây thu thập được thông tin trinh sát radar hoặc vệ tinh, họ báo trước cho Ukraine lập bản đồ đường bay để đánh chặn. Những chiếc UAV di chuyển ở vận tốc dưới 200km/h, trong khi tên lửa Kh-101 phóng từ Tu-95MS bay hành trình 900km/h và cần thời gian để di chuyển đến mục tiêu ở Ukraine. Tên lửa siêu vượt âm Kinzhal cũng có thể bị phát hiện khi tiêm kích MiG-31K mang chúng cất cánh.

Trong khi đó, Zircon rất khó bị theo dõi khi triển khai, vì nó phóng từ bệ phóng trên tàu hoặc mặt đất. Có thể thấy, những vũ khí như Zircon sẽ thay đổi cục diện chiến trường. Nó đủ sức đánh trúng mục tiêu trước khi hệ thống phòng không đối phương kịp trở tay, đe dọa các vị trí được bảo vệ kiên cố và nằm sâu trong vùng đối phương kiểm soát. Sau cú mở màn hôm 26/3, quân đội Ukraine thừa nhận, Nga đã 4 lần nữa tấn công Kiev bằng Zircon.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước tuyên bố sẽ lập "vùng đệm an ninh" ở Ukraine, trong đó có tỉnh Kharkov, để ngăn cản những vụ tấn công qua biên giới. Từ Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lo ngại Nga sẽ mở đợt tiến công vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2024. Trong bối cảnh Ukraine thiếu hụt vũ khí do hạ tầng công nghiệp quốc phòng trong nước tê liệt, còn dòng viện trợ từ phương Tây sụt giảm, viễn cảnh đó sẽ là một thách thức lớn.

https://antgct.cand.com.vn/Chuyen-de/khi-khong-quan-nga-tro-lai-tien-tuyen-i727992/

Phùng Nguyễn / antg.cand.com.vn