Mới đây, sau phát ngôn gây ồn ào của một nữ ca sĩ nổi tiếng về vấn đề xây nhà hát nghìn tỷ đang được dư luận đặc biệt quan tâm, đã xuất hiện làn sóng mạnh mẽ trên mạng xã hội đòi tẩy chay sản phẩm do ca sĩ này làm đại diện thương hiệu.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là phản ứng bộc phát dễ hiểu của cộng đồng mạng, song cách hành xử kiểu "giận cá chém thớt" có phần cực đoan này rất có thể sẽ gây ảnh hưởng lớn tới một doanh nghiệp uy tín mang thương hiệu Việt. Và đây là minh chứng sống động nhất cho thấy cái bắt tay giữa doanh nghiệp và nghệ sĩ trong câu chuyện lựa chọn đại sứ thương hiệu luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.
Hình ảnh ca sĩ Mỹ Linh khi làm đại diện thương hiệu cho sản phẩm nồi sứ dưỡng sinh Minh Long
Trong cơ chế thị trường với sự cạnh tranh khốc liệt, lòng tin đối với thương hiệu là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại của một nhãn hàng. Trong khi đó, hình ảnh, tiếng nói của người nổi tiếng luôn có trọng lượng, tầm ảnh hưởng, sự chi phối tới số lượng lớn người hâm mộ, cũng là cộng đồng tiêu dùng sản phẩm. Vì vậy, việc lựa chọn những gương mặt ngôi sao để quảng bá thương hiệu, tiếp cận khách hàng luôn được chú trọng trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp. Ðây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, bởi thông qua tính hấp dẫn, độ lan tỏa và khả năng tương tác cao với công chúng, nghệ sĩ có thể giúp hình ảnh doanh nghiệp trở nên khác biệt, nâng cao uy tín thương hiệu, doanh thu; và việc trở thành đại sứ thương hiệu cũng giúp nghệ sĩ có thêm nguồn thu ổn định để đầu tư cho những sản phẩm nghệ thuật, tiếp tục khẳng định vị thế trong lòng người hâm mộ. Tuy nhiên, sự hợp tác này cũng như "con dao hai lưỡi" mà chỉ cần một bên mắc lỗi thì bên còn lại cũng gánh thiệt thòi. Khi là đại sứ thương hiệu, nghệ sĩ được coi là bộ mặt của sản phẩm, dịch vụ đó. Bất cứ phát ngôn hay hành động nào của nghệ sĩ cũng ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới nhãn hàng. Do đó, bên cạnh lợi ích doanh thu có thể tăng lên đáng kể thì doanh nghiệp cũng phải đối mặt với việc uy tín, lợi nhuận có thể sụt giảm thê thảm nếu nghệ sĩ đó bị "mất điểm" trong mắt người tiêu dùng.
Ðiều này lý giải tại sao trước sức ép từ một bộ phận công chúng đòi tẩy chay sản phẩm có cô ca sĩ nổi tiếng nêu trên làm đại sứ thương hiệu, doanh nghiệp này mới đây đã phải tiến hành gỡ bỏ những hình ảnh quảng cáo có cô tham gia. Hay cách đây chưa lâu, một tổ chức của Liên hợp quốc cũng gỡ bỏ toàn bộ hình ảnh truyền thông có liên quan một nam ca sĩ ở vai trò đại sứ hình ảnh về phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái khi anh dính phải xì-căng-đan về quấy rối tình dục… Ðây là bài học kinh nghiệm để các doanh nghiệp Việt cẩn trọng hơn, cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi quyết định bắt tay nghệ sĩ để "chọn mặt gửi vàng". Bên cạnh những quy định chặt chẽ về quyền lợi các bên, doanh nghiệp cũng cần có những ràng buộc pháp lý về trách nhiệm của đại sứ thương hiệu, đồng thời chủ động tính đến những giải pháp phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra khi bất ngờ bị người tiêu dùng quay lưng vì hình ảnh phản cảm hay phát ngôn gây sốc của đại sứ thương hiệu. Từ đây cũng đặt ra vấn đề về ý thức của nghệ sĩ khi trở thành gương mặt cho một nhãn hàng. Trong bối cảnh thông tin mở, người nghệ sĩ, nhất là những người nổi tiếng càng cần thận trọng giữ gìn hình ảnh, đặc biệt trên môi trường mạng, bởi chỉ cần một cái nhấp chuột thì một lời nói, hành động thiếu tỉnh táo cũng đủ trở thành mồi lửa gây ảnh hưởng lớn tới thương hiệu doanh nghiệp mà đằng sau đó là bao nỗ lực, xương máu của cả một tập thể…
Ở chiều ngược lại, nghệ sĩ cũng dễ bị "vạ lây" nếu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp do mình làm đại diện hình ảnh bị phát hiện có vấn đề. Khi đã ký hợp đồng trở thành đại sứ thương hiệu cho một nhãn hàng nghĩa là người nghệ sĩ bằng lòng lấy uy tín, địa vị của mình bảo đảm cho chất lượng sản phẩm. Thế nên, nếu chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo thì uy tín, niềm tin của công chúng dành cho nghệ sĩ sẽ sứt mẻ. Còn nhớ, cuối năm 2017, hàng loạt gương mặt ngôi sao của làng giải trí Việt đã bị dư luận chỉ trích khi sản phẩm họ tham gia quảng bá bị tố là hàng giả. Không ít người sau đó đã đăng đàn xin lỗi công chúng nhưng uy tín của họ chắc hẳn ít nhiều bị ảnh hưởng… Xét đến cùng, thước đo cho tên tuổi của người nghệ sĩ là tình cảm trong lòng công chúng. Vì thế, người nghệ sĩ càng cần cẩn trọng; không thể vì cái lợi trước mắt mà dễ dãi nhận lời quảng bá cho những sản phẩm mà bản thân chưa có tìm hiểu hay kiểm định chắc chắn về chất lượng, gây hoang mang và mất niềm tin cho công chúng. Và sự cẩn trọng này càng cần phải nhân lên gấp nhiều lần trong bối cảnh hiện nay, khi mà còn thiếu những chế tài quản lý, giám sát loại hình kinh doanh online đang bùng phát mạnh mẽ, khi mà hiểm họa hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vẫn chưa bị đẩy lùi…
Nghệ sĩ Việt ngày 20.10: Kẻ tủi thân, người hơi nam tính ít được tặng quà NSƯT Thu Hà, NSƯT Mỹ Uyên, diễn viên Thanh Hương và Thu Quỳnh có khá nhiều kỷ niệm gắn với ngày Phụ nữ Việt Nam. ... |
BTS và nghệ sĩ Kpop thúc đẩy quan hệ quốc tế của Hàn Quốc như thế nào? Những năm gần đây, du lịch, thực phẩm, thời trang Hàn Quốc... đã trở nên phổ biến thông qua sức ảnh hưởng của âm nhạc, ... |
Vũ Hà thanh minh vụ nghệ sĩ bị chỉ trích khi ký tên lên tranh Vũ Hà - một trong những ca sĩ có mặt và ký tên trên bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình khẳng định: "Chúng ... |
Lâm Khánh Chi khóc vì 650 khách đi 350 phong bì, sao Việt khác thì sao? Có người mừng cưới 10 triệu, có người lại chỉ mừng tình cũ 200 ngàn đồng. |