127 vòm cầu cạn đường sắt chạy dọc từ phố Phùng Hưng tới ga Long Biên (Hà Nội) sẽ được đục thông để sử dụng cho mục đích giao thông và văn hóa đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân Thủ đô. Biến một nơi nhếch nhác thành nơi sinh hoạt văn hóa với những sản phẩm du lịch độc đáo mà lại không dùng tới tiền ngân sách đó là ý tưởng hay. Nhưng ai sẽ trúng thầu vụ này? Và rồi người đó sẽ ứng xử ra sao với những vòm cầu sau khi đục thông?

khi vom cau duc thong Người Hà Nội thích thú ngắm kiến trúc trong Đại sứ quán Pháp
khi vom cau duc thong Du lịch Hà Nội "quyến rũ" du khách
khi vom cau duc thong
(Nguồn: Kinh tế đô thị).

Những vòm cầu này tạo thành từ các trụ móng cầu cạn đường sắt do người Pháp xây dựng bằng đá hộc hơn 100 năm trước. Các vòm cầu này vốn thông nhau, nhưng những năm 70 của thế kỷ trước, Hà Nội đón nhận trận lụt lớn, người dân ngoài bờ đê sông Hồng đã biến nơi đây thành nơi trú ngụ. Hết lụt người dân từ vùng kinh tế mới trở về. Nhiều người vô gia cư che bạt, chiếm từng gầm cầu làm nơi sinh hoạt. Hút chích, mại dâm, ăn xin… đủ mọi tệ nạn tồn tại ở gần cầu đến gần 20 năm. Chính vì vậy, đầu năm 90 của thế kỷ XIX, thành phố Hà Nội đã quyết định bịt các gầm cầu.

Có chiều cao dao động từ 2 - 6m, những vòm cầu này được thiết kế với độ rộng tương đương nhau (khoảng 16m2 sàn cho mỗi vòm cầu). Theo thời gian, các lớp đá hộc tại vòm cầu đã bạc màu và mang lại cho kiến trúc này một vẻ xưa cũ. Vòm cầu với 100 tuổi, chứng kiến những giai đoạn lịch sử thăng trầm của Thủ đô, là nhân chứng lịch sử của Hà Nội với bao câu chuyện về sinh hoạt thời Pháp thuộc, về những người vô gia cư thời chống Mỹ, về những gia đình chạy lụt từ bãi Phúc Xá ghé vào đây... tự bản thân nó đã mang cho mình những giá trị độc đáo. Hơn nữa, các vòm cầu này đứng chân ở vị trí đắc địa, ở khu đất vàng, hẳn rất nhiều người rất muốn sở hữu nó. Không thể để lãng phí nguồn lực. Ý tưởng đập thông vòm cầu biến nơi đây thành nơi sinh hoạt văn hóa, đi kèm là những lợi ích kinh doanh mà nó đem lại hẳn không phải là ý tưởng tồi.

Tất nhiên, không phải bây giờ nhà đầu tư mới để mắt tới những vòm cầu này. Thực tế, trong những năm qua, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng về việc “trả lại” hình dáng cũ cho các vòm cầu cổ. Điển hình, năm 2003, trong một cuộc thi do mạng kiến trúc Ashui.com tổ chức, nhóm tác giả Trần Ngọc Hiếu, Lê Hồng Minh đã đoạt giải C với ý tưởng mang tên “Phố gầm cầu thức dậy”. Hoặc, năm 2011, trong đề án tổ chức bảo tàng cầu Long Biên, KTS Việt kiều Pháp Nguyễn Nga cũng đề xuất kết hợp biến không gian tại các vòm cầu làm nơi trưng bày hàng lưu niệm truyền thống. Tuy nhiên, những ý tưởng này vẫn dừng ở ý tưởng khiến một nơi đầy tiềm năng vẫn chưa được khai thác một cách hợp lý. Khu vực này trở thành nơi trông giữ xe nhếch nhác, số tiền thu được chắc gì đã vào ngân sách nhà nước mà chui vào túi của một nhóm người.

Hà Nội sẽ cải tạo, đập thông các vòm cầu này với số tiền gần 100 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa mà không dùng tiền ngân sách. Theo đó, sẽ biến nơi đây thành “địa chỉ đỏ”, cực hút khách thăm quan đến với chứng tích lịch sử này. Bình luận về con số gần 100 tỷ để sửa chữa các vòm cầu, TS Lưu Bích Hồ- nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, “đây là khoản kinh phí không nhỏ. Dù chính quyền thành phố đã khẳng định không dùng tiền ngân sách mà do đơn vị đầu tư quản lý và thu hồi vốn dẫu vậy cũng cần công khai minh bạch. Đây là khu đất vàng, chắc chắn nhiều nhà đầu tư quan tâm, sẵn sàng đầu tư. Do đó, cần tổ chức đấu thầu công khai để chọn nhà đầu tư sao cho kinh phí cải tạo, đập thông là thấp nhất mà hiệu quả nhất, thời gian thu hồi vốn ngắn nhất”.

Với một vị trí đắc địa cùng với giá trị đặc biệt riêng có, việc cải tạo, đập thông 127 vòm cầu này sẽ là thỏi nam châm cực mạnh hút các nhà đầu tư. 100 tỷ đồng chứ với số tiền lớn hơn nữa vẫn không thiếu nhà đầu tư muốn trúng thầu vụ này. Nhưng tại sao lại là con số 100 tỷ? Nhà đầu tư bỏ vốn họ sẽ được hưởng lợi gì với 127 vòm cầu này? Họ sẽ sử dụng các vòm cầu này ra sao? Ai sẽ là người giám sát quá trình quản lý, khai thác sau khi các vòm cầu này đổi chủ? Nhà đầu tư sẽ quản lý, khai thác các vòm cầu này bao năm? Sau khi thu hồi được vốn đơn vị nào sẽ tiếp quản. Ai sẽ giám sát việc tiếp quản tài sản này?....Đấy là những câu hỏi được đặt ra cần có câu trả lời thỏa đáng. Chuyện đục thông và kinh doanh vòm cầu cũng không khác nhiều so với câu chuyện dự án BOT giao thông đang rất nóng, tuy rằng mức độ không thể so sánh. Vì rằng, khi nhà đầu tư bỏ vốn họ sẽ tìm cách khai thác triệt để. Và, nếu lỏng lẻo trong đấu thầu (hay là chỉ định thầu), không giám sát, không giao kèo chặt chẽ thì hậu quả cũng có thể nói là đã được báo trước.

Điều cần làm lúc này là UBND TP Hà Nội, quận Hoàn Kiếm phải công khai các tiêu chí một cách minh bạch để nhiều nhà đầu tư tham gia bỏ thầu. Phần thắng sẽ thuộc về đơn vị xứng đáng nhất và quản lý hiệu quả nhất quỹ đất công này. Tránh trường hợp tù mù, ù xọe biến đất công, đất vàng vào tay nhóm lợi ích nào đó.

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/khi-vom-cau-duc-thong-379755

/ Nguyên Khánh/daidoanket.vn