Giải thưởng Nobel vì hoà bình năm nay được trao cho Phong trào quốc tế vì huỷ bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN). Như mọi năm trước đó, quyết định của Uỷ ban của Na Uy về trao Giải thưởng Nobel vì hoà bình vừa được tán đồng và vừa không tránh khỏi bị phê trách.

khich le va thuc tinh
Bà Beatrice Fihn - Giám đốc điều hành ICAN (trái) - chủ trì họp báo sau khi ICAN đoạt Giải Nobel vì hoà bình 2017. Ảnh: Reuters

Giải thưởng Nobel vì hoà bình năm nay được trao cho Phong trào quốc tế vì huỷ bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN). Như mọi năm trước đó, quyết định của Uỷ ban của Na Uy về trao Giải thưởng Nobel vì hoà bình vừa được tán đồng và vừa không tránh khỏi bị phê trách.

Động cơ chính trị

Phải công nhận rằng, việc ICAN được trao giải thưởng danh giá lớn năm nay được công nhận rộng rãi là quyết định đúng đắn của Uỷ ban của Na Uy kia. Lý do nằm ở thời cuộc và ở mục đích chính của Uỷ ban là dùng việc khen ngợi ICAN để thức tỉnh cả thế giới và khích lệ những nỗ lực của cá nhân và tổ chức như ICAN. Động cơ chính trị ở đây bộc lộ rất rõ chứ không ẩn hiện. Thật ra thì xưa nay bao giờ chả như thế với giải thưởng này.

Trong số những loại giải thưởng Nobel, giải thưởng vì hoà bình và cho văn học bị tai tiếng nhiều nhất và kém sức thuyết phục nhất. Trong suốt hơn 100 năm qua kể từ lần trao giải đầu tiên, nhiều lần quyết định trao giải rất khó hiểu, có khi hơi lố và thậm chí còn cả sai lầm, nhân tố chính trị đóng vai trò từ quan trọng đến quyết định trong không ít lần. Năm nay, quyết định trao Giải thưởng Nobel vì hoà bình không bị đến nỗi như thế.

Đây là lần thứ 2 vấn đề vũ khí hạt nhân, mà cụ thể là làm cho thế giới không còn vũ khí hạt nhân, là chủ đề nội dung của tiêu chí lựa chọn. Năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama được trao giải nhờ tung ra ý tưởng về thế giới không còn vũ khí hạt nhân. Khi đó, ông Obama mới trị vì nước Mỹ được có chưa đầy năm, và thật ra trên thực tế chưa hề làm được việc gì cụ thể ngoài một bài phát biểu để giúp thế giới bớt đi được vũ khí hạt nhân. Trong thời gian hơn 7 năm cầm quyền còn lại từ đó ở nước Mỹ, ông Obama cũng không làm được gì thêm và không đi xa được hơn ngoài thể hiện trong bài phát biểu ấy. Uỷ ban của Na Uy về trao Giải thưởng Nobel vì hoà bình đã đầu tư niềm tin vào ông Obama nhưng rồi không thu về được kết quả gì.

Vì sao ICAN?

ICAN mới được thành lập cách đây 2 năm. Vào thời điểm ấy, vấn đề hạt nhân vẫn rất nổi cộm trên thế giới khiến cả thế giới không thể không quan tâm sâu sắc và quan ngại nhiều vì an toàn hạt nhân ở các nhà máy điện hạt nhân, vì nguy cơ vũ khí hạt nhân và chất liệu phóng xạ lọt vào tay những tổ chức, lực lượng và phần tử khủng bố quốc tế, vì chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga giậm chân tại chỗ, và cả hai nước này tính chuyện phát triển vũ khí hạt nhân thế hệ mới, vì vẫn còn có chuyện chạy đua vũ trang hạt nhân giữa một số đối tác, vì sôi động vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên.

ICAN bắt trúng nhịp đập và hơi thở của thời cuộc. ICAN có được cách tiếp cận đúng đắn và thích hợp là khuấy động nên một phong trào, một cuộc vận động, một làn sóng mạnh mẽ và rộng rãi trên khắp thế giới vì mục tiêu xoá bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên thế giới. Nhận thức gốc rễ ở đây là muốn làm cho thế giới không còn vũ khí hạt nhân thì không thể trông chờ vào Mỹ và Nga, không thể kỳ vọng vào Liên Hợp Quốc khi 5 cường quốc hạt nhân vẫn còn có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, lại càng không thể chỉ dựa vào những bài phát biểu như của ông Obama năm 2009 hay những lời kêu gọi suông, mà phải tạo ra được áp lực chính trị và truyền thông của đông đảo mọi người trên thế giới buộc chính giới ở tất cả các quốc gia và Liên Hợp Quốc phải hành động nhanh chóng, cụ thể và thiết thực.

Kết quả quan trọng nhất mà ICAN đã đạt được cho tới nay và đấy cũng là một trong những tiêu chí quyết định để ICAN được trao giải thưởng lớn năm nay là việc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong khoá họp năm ngoái đã thông qua hiệp ước về cấm sản xuất, lưu giữ, phổ biến, buôn bán và sử dụng vũ khí hạt nhân. 122 trong tổng số 193 thành viên của Liên Hợp Quốc đã tham gia. Mới rồi, 51 thành viên Liên Hợp Quốc đã chính thức ký kết hiệp ước này. Nhìn nhận như thế sẽ thấy ICAN rất xứng đáng với giải thưởng.

Tuy nhiên, cũng lại phải thấy Uỷ ban của Na Uy khích lệ nỗ lực và thức tỉnh nhận thức, trách nhiệm của cả nhân loại về việc làm cho thế giới được an toàn trước vũ khí hạt nhân, chứ việc làm cho thế giới không còn vũ khí hạt nhân chưa biết liệu có thành công hay không, và nếu có thì khi nào mới có thể thành công.

Thế giới phải thực tế chứ không nên ảo tưởng, đặc biệt khi vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên hiện vẫn rất sôi động và nổi cộm, trong khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump ở Mỹ không những chỉ doạ sử dụng cả vũ khí hạt nhân để đối phó Triều Tiên, mà còn rất có thể lật ngược thoả thuận đã có được về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran - thoả thuận vốn được cả thế giới hoan nghênh và coi là đóng góp quan trọng vào mục tiêu làm cho thế giới không còn vũ khí hạt nhân. Vì thế, ICAN vẫn còn phải tiếp tục sứ mệnh của nó và loài người cần thêm nhiều hình thức vận động, phong trào nữa như ICAN.

https://laodong.vn/the-gioi/khich-le-va-thuc-tinh-568956.ldo

/ Lao động