Sau hơn 3 năm xây dựng, Kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải đã hoàn thiện thi công, chuyển đến giai đoạn tiếp theo chuẩn bị cho chạy thử khởi động kho. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng, then chốt cuối cùng quyết định sự thành công của công trình. Trong đó, sự kiện tiếp nhận chuyến tàu LNG lịch sử đầu tiên về Việt Nam là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ và khó quên nhất đối với những cán bộ công nhân viên (CBCNV) của Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS).

Chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam đã làm dậy sóng thị trường năng lượng thế giới, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong lĩnh vực LNG. Chuyến tàu mang niềm tin, sự hy vọng, và cả sự tự hào của biết bao thế hệ người PV GAS cập bến cũng là lúc thời khắc lịch sử được đánh dấu, Việt Nam chính thức có tên trên bản đồ LNG thế giới. 

Để đưa được chuyến tàu lịch sử này cập cảng Thị Vải là biết bao sự nỗ lực, cố gắng, là mồ hôi, là những đêm trằn trọc, trăn trở… của Ban lãnh đạo, của tập thể CBCNV PV GAS. Những nỗ lực đó chẳng thể miêu tả hết bằng lời, nhưng qua những lời chia sẻ, sự hồi tưởng của những CBCNV đến từ Chi nhánh Kinh doanh LNG (PV GAS LNG) và Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (KVT) trong Phần 2 chuỗi bài “Dự án Kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải: Không gì là không thể”, có lẽ phần nào sẽ giúp độc giả hiểu hơn về quá trình đặc biệt này.  

Chị Nguyễn Thị Thảo - Phó phòng Thương mại PV GAS LNG: “Chúng tôi hướng đến tương lai với sự chuyên nghiệp” 

Trước khi chuyến hàng LNG đầu tiên được xếp lên tàu và khởi hành từ cảng Botang, Indonesia, chị Nguyễn Thị Thảo - Phó phòng Thương mại PV GAS LNG, một trong những người gắn bó trường kỳ với dự án đặc biệt này, đã không thể không suy tư về cuộc hành trình kéo dài chục năm về trước. 

Hồi tưởng lại quá khứ, chị Thảo cho biết, để đưa được chuyến LNG đầu tiên về Việt Nam và dỡ hàng an toàn, đội ngũ PV GAS đã thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ. 

LNG là một mặt hàng mới với chi phí đầu tư lớn, tính cam kết lâu dài, nhiều yếu tố kỹ thuật mới mẻ, đòi hỏi sự an toàn tuyệt đối nên cần sự nghiên cứu, tính toán và cân nhắc thận trọng. 

Kể từ khi Kho LNG Thị Vải đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, đại diện Ban Tổng Giám đốc PV GAS đã thường xuyên tổ chức họp chuỗi dự án với tất cả các đơn vị có liên quan để giao việc với thời hạn cụ thể, cũng như rà soát các hạng mục, công việc, giấy phép cần hoàn thiện, và yêu cầu các bộ phận thường xuyên báo cáo các vướng mắc để kịp thời tháo gỡ.

Riêng PV GAS LNG, với tính chất công việc cần thường xuyên kết nối với các nhà cung cấp lớn như Shell, QatarEnergy, Cheniere…để được góp ý, trao đổi các tài liệu thiết kế kho, cảng, từ đó kịp thời sửa chữa các điểm chưa hoàn thiện. Khi việc xây dựng gần hoàn tất, PV GAS LNG đã phối hợp với Công ty Quản lý dự án Khí (DAK)/KVT tổ chức đánh giá thẩm định toàn diện kho cảng.

Đối với thương mại, đây là giai đoạn đặc biệt khó khăn khi thị trường LNG đang khan hiếm về nguồn cung nên giá LNG lúc đó rất cao. PV GAS LNG đã tổ chức rất nhiều cuộc gặp gỡ với các nhà cung cấp, các chuyên gia tư vấn để nghiên cứu và trao đổi về các chiến lược mua hàng, tận dụng tối đa những thời điểm có giá cạnh tranh. Sự hỗ trợ của các nhà cung cấp LNG, đặc biệt là Tập đoàn năng lượng đa quốc gia Shell không chỉ giúp PV GAS chọn thời điểm mua tốt mà còn truyền động lực cũng như kiến thức quý báu.  

Chị Nguyễn Thị Thảo (ngoài cùng bên phải) cùng với Quản lý dự án của Samsung và Đại phó của thuyền Maran Gas Achilles.  

Chuyến tàu về cảng Thị Vải thành công đã khẳng định được vị thế, tầm nhìn của PV GAS, là trái ngọt của hành trình dài không ngừng nghỉ của biết bao thế hệ lãnh đạo, CBCNV PV GAS trên con đường năng lượng xanh. Đây sẽ là tiền đề, là động lực để PV GAS tự tin hơn, nỗ lực hơn với sứ mệnh của mình trong lĩnh vực công nghiệp khí ở Việt Nam.  

Anh Phạm Thái Sơn (KVT) – Trưởng ca vận hành LNG: “Tôi đã có một tập thể nhiệt huyết”

Anh Phạm Thái Sơn – Trưởng ca vận hành LNG, một trong những cán bộ lão làng đã tham gia dự án từ những ngày khởi công cho tới khi hoàn thành các công tác chạy thử. Trong dự án này, anh đảm nhận vai trò quản lý ca vận hành LNG, trực tiếp làm việc, phối hợp hỗ trợ cùng tất cả các đơn vị, các bên liên quan trong quá trình xây dựng triển khai dự án. 

Anh Sơn tham gia góp ý cho các tài liệu thiết kế, vận hành và chủ trì biên soạn các quy trình vận hành của Kho LNG Thị Vải 1 MMTPA. Anh cũng là một trong những thành viên được tham gia đào tạo On-Job-Training tại kho LNG Boreyong tại Hàn Quốc từ tháng 1/2022 đến tháng 4/2022. Sau khi trở về, anh Sơn đã đào tạo lại các kiến thức đã được học hỏi và tiếp nhận cho các vận hành viên LNG khác.

“LNG là một sản phẩm hoàn toàn mới đối với Việt Nam nói chung và PV GAS nói riêng, với chu trình công nghệ tồn chứa, vận hành phức tạp và nhiều rủi ro. Nhóm vận hành chúng tôi cũng chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó toàn bộ tài liệu của dự án hoàn toàn bằng tiếng Anh, chúng tôi cũng đã phải dành rất nhiều công sức để tìm hiểu kĩ và truyền đạt được kiến thức cho các vận hành viên và đồng nghiệp tham gia dự án”, anh Sơn cho biết.

Trong thời gian chạy thử khởi động kho LNG, anh Sơn và các vận hành viên trong ca đã làm việc cùng với quản lý dự án và các kỹ sư chạy thử của Tổng thầu SCT. Với sự nỗ lực, tận tâm, ca vận hành của anh đã được tin tưởng phân công tiếp nhận chuyến tàu LNG đầu tiên Maran Gas Achilles vào tháng 7/2023 vừa qua. 

Anh Sơn chia sẻ: “Tôi đã rất trăn trở lo lắng về quá trình tiếp nhận tàu LNG cập và rời cảng, vì đây là quá trình phức tạp và chứa nhiều rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn hàng hải cũng như cần sự phối hợp nhịp nhàng nhuần nhuyễn của các bên liên quan. Thế nhưng, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo PV GAS/ KVT và sự nỗ lực của tất cả mọi người, chúng tôi đã thực hiện tiếp nhận tàu và Gas-in thành công”. 

Với anh Sơn, quá trình làm việc trong dự án LNG 1 MMTPA đã giúp anh trưởng thành hơn, chuyên nghiệp hơn. Không chỉ học tập và tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm quý về LNG mà anh còn có cơ hội kết bạn với những người bạn trong và ngoài nước có liên quan tới lĩnh vực này. Đặc biệt, anh còn ghi dấu ấn khi xây dựng được một tập thể ca vận hành trẻ, nhiệt huyết và giàu năng lượng, luôn hoàn thành tốt công tác đảm bảo kho LNG vận hành an toàn, hiệu quả. 

Anh Phạm Khắc Toàn (KVT): “Tự tin với những chuyến tàu tiếp theo” 

Anh Phạm Khắc Toàn là một thành viên trong Marine Team với nhiệm vụ tham gia góp ý cho công tác xây dựng hạ tầng cầu cảng chuẩn bị tiếp nhận tàu LNG, phục vụ các đoàn Due – diligence của các nhà cung cấp LNG về lĩnh vực hàng hải và làm Loading Master (người đấu nối giữa tàu và cảng, kiểm soát quá trình tàu làm hàng, đảm bảo quá trình làm hàng an toàn) khi tàu LNG cập cảng.

Trước khi tiếp nhận tàu LNG, anh Toàn đã có kinh nghiệm làm Loading Master cho tàu LPG lạnh từ năm 2013. Tuy nhiên, LNG lại là một lĩnh vực hoàn toàn mới, bên cạnh việc tham gia các khóa đào tạo về LNG, Loading Master for LNG, công ty cũng đã mua các tài liệu của nước ngoài để anh Toàn tìm hiểu, học hỏi và tham khảo thêm.   

Anh Phạm Khắc Toàn (bên trái) chụp hình cùng Thuyền trưởng thuyền Maran Gas Achilles. 

Ngày 18.07.2023, sau khi sợi dây buộc tàu cuối cùng được cởi cũng là lúc quá trình làm hàng của chuyến tàu LNG đầu tiên được hoàn thành. Với anh Toàn, đây chính là thành quả của cả một tập thể, là dấu mốc quan trọng đối với PV GAS/KVT cũng như mỗi cá nhân tham gia. 

Qua dự án này, bản thân anh Toàn cũng nhận biết được những gì mình còn thiếu, cần bổ sung để sẵn sàng cho những chuyến tàu tiếp theo. 

 Kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải: Không gì là không thể (phần 2) (pvgas.com.vn)

PV / Cổng thông tin điện tử PV GAS