Giáo sư Huang Jing từ Đại học Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh cho rằng, tân Tổng thống Joe Biden phải thoát khỏi thế 'tiến thoái lưỡng nan' để tìm lại vị thế nước Mỹ.
Hôm 20/1, ông Joe Biden chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ trong buổi lễ nhậm chức được tổ chức rất đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành tại nước này. Trong khi đó, nước Mỹ rơi vào cảnh chia rẽ sâu sắc chưa từng thấy, ông Trump và những người ủng hộ ông liên tục tố gian lận bầu cử, không thừa nhận chiến thắng của ông Biden.
Theo giáo sư Huang Jing, đến từ Viện nghiên cứu khu vực và quốc tế, Đại học Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh, ông Joe Biden sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để vực dậy nước Mỹ, củng cố đoàn kết nội bộ, đồng thời đề ra chiến lược đối ngoại khôn ngoan nhằm duy trì trật tự quốc tế mà ở đó, ảnh hưởng và vai trò của Mỹ là rất lớn.
Tân Tổng thống Joe Biden sẽ còn rất nhiều việc phải làm để khôi phục vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. (Ảnh: AP) |
Ưu tiên giải quyết vấn đề trong nước
Nước Mỹ đang phải hứng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sự suy thoái của nền kinh tế và sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ, nhất là cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Danh tiếng của nền dân chủ Mỹ cũng như vai trò lãnh đạo của nước này trên trường quốc tế cũng bị giảm sút trong nhiệm kỳ ông Trump.
Theo giáo sư Huang Jing, tân Tổng thống Joe Biden nhìn ra được các vấn đề nước Mỹ đang phải đối mặt. Trong bài phát biểu nhậm chức, ông tập trung chủ yếu kêu gọi “sự đoàn kết” quốc gia. Theo ông, chỉ có đoàn kết thì người Mỹ mới có thể vượt qua những thách thức ghê gớm mà Mỹ đang phải đương đầu. Để thống nhất nước Mỹ, “hàn gắn” là chính sách ưu tiên hàng đầu của Biden.
“Chính quyền Biden phải tìm cách đẩy lùi đại dịch COVID-19, bằng cách kiểm soát tốt sự lây lan và hậu quả của nó càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, ông Biden phải giảm bớt thiệt hại về kinh tế, cải thiện tình trạng mất việc làm của người dân.
Quan trọng hơn, chính quyền Biden cần phải hàn gắn một quốc gia đang bị chia rẽ sâu sắc. Điều đó có nghĩa, vị tân Tổng thống Mỹ phải nỗ lực tối đa để hòa giải những chia rẽ trong chính trị và xã hội”, chuyên gia Huang Jing cho hay.
Vị chuyên gia đến từ Đại học Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh cho rằng, mọi quyết sách của chính quyền Biden trong nội bộ nước Mỹ đều có tác động, ảnh hưởng đối với thế giới. Bởi vì, các vấn đề Washington đang phải đối mặt đều mang tính toàn cầu, nước Mỹ có mối quan hệ sâu sắc với thế giới trên nhiều khía cạnh.
Ảnh hưởng của Mỹ đối với thế giới là điều không phải bàn cãi. Vị thế và vai trò lãnh đạo của Mỹ được xem là nền tảng để duy trì trật tự quốc tế do Mỹ và các đồng minh thiết lập sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump liều lĩnh khi thiết lập chính sách dựa trên “chủ nghĩa đơn phương” với chủ trương “nước Mỹ trên hết”, đi ngược lại với phần còn lại của thế giới, kể cả các đồng minh của Mỹ. Điều này đã gây thiệt hại, tổn thất lớn cho chính vị thế, uy tín của Washington trên trường quốc tế.
Khôi phục vị thế Mỹ trên trường quốc tế
Tân Tổng thống Joe Biden tuyên bố với cả thế giới rằng, trong nhiệm kỳ của ông, Mỹ “sẽ cải thiện các liên minh và gắn kết trở lại với thế giới để chứng minh vai trò lãnh đạo của mình, không chỉ dựa vào sức mạnh quân sự và kinh tế mà bằng uy tín, trách nhiệm đối với thế giới”.
Quan hệ giữa Mỹ và đồng minh đã xấu đi dưới thời Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Getty) |
Quan điểm của người đứng đầu Nhà Trắng cho thấy, chính quyền Mỹ sẽ quay trở lại chủ nghĩa đa phương để liên kết lại thế giới. Theo đó, Washington sẽ thực thi các cam kết, thể hiện trách nhiệm nhiều hơn đối với thế giới trong các vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, năng lượng…
Tuy nhiên, giáo sư Huang Jing cho rằng, chính điều này lại đưa Biden vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Đối với những người ủng hộ “chủ nghĩa Trump”, cách tiếp cận đa phương khi đề cập đến các vấn đề toàn cầu không chỉ làm tổn hại đến lợi ích của Mỹ, mà còn gia tăng gánh nặng cho nước này.
“Trong nỗ lực tối đa để hàn gắn, đoàn kết nước Mỹ vốn đang bị chia rẽ, ông Biden đang đối mặt với phản ứng, sự chống đối từ những người ủng hộ Trump. Họ cho rằng, cách tiếp cận theo hướng chống ‘chủ nghĩa Trump’, thực thi chủ nghĩa đa phương trong đối ngoại của ông Biden sẽ khiến nước Mỹ gánh chịu tổn thất”, ông Huang Jing nói.
Về cơ bản, việc đảng Cộng hòa và Dân chủ không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề được cho là yếu tố khiến hành động của ông Trump vượt ngoài tầm kiểm soát, khiến cho nước Mỹ bị chia rẽ, trong khi hành xử không chuẩn mực trong quan hệ quốc tế. Đỉnh điểm là cuộc bạo loạn hôm 6/1 khi những người ủng hộ ông Trump xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ, chặn nghị sĩ kiểm phiếu xác nhận kết quả bầu cử. Sự kiện nay gây chấn động nước Mỹ, khiến cộng đồng quốc tế bị sốc.
Nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ 4 năm của ông Trump và câu chuyện hậu bầu cử với việc ông không chấp nhận kết quả cho thấy kẽ hở trong bộ máy dân chủ Mỹ. Giờ đây, chính quyền Biden và đảng Dân chủ phải nỗ lực để loại bỏ những "lỗi" này trong hệ thống. Nếu không, việc hàn gắn một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc không thể hy vọng thành công.
Chính quyền Biden chỉ có 4 năm để “sửa sai”. Tuy nhiên, trên thực tế, khoảng thời gian đó ngắn hơn rất nhiều. Bài kiểm tra đầu tiên sẽ đến sớm nhất là vào cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022. Nếu đảng Dân chủ dưới sự lãnh đạo của ông không giữ được quyền kiểm soát Quốc hội, ông Biden sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn để tái đắc cử vào năm 2024.
Tuy nhiên, giáo sư Huang Jing cho rằng, người Mỹ và thế giới không muốn ông Biden thất bại trong nhiệm kỳ của mình. Theo ông Huang Jing, bất kỳ hình thức khôi phục nào của “chủ nghĩa Trump” đều đem đến những hoài nghi, đe dọa với đối với trật tự quốc tế.
KÔNG ANH (Nguồn: Nikkei Asian Review)
Biden nói nước Mỹ cần "cảnh giác" sau khi Trump được tha bổng |
Cuộc gọi đầu tiên giữa ông Biden và ông Tập có gì đặc biệt? |
Tổng thống Biden chỉ trích dữ dội ông Trump |