Du khách quốc tế đến Việt Nam tăng từng năm, nhưng thường lưu lại ngắn ngày, chi tiêu không nhiều và “một đi không trở lại” đang là “nút thắt” kìm hãm sức hút đầu tư cũng như khả năng sinh lợi của du lịch Việt Nam.

Làn gió mới thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển
Việt Nam tăng trưởng du lịch mạnh nhất châu Á đầu năm 2017
Hình ảnh khách du lịch nước ngoài bị đeo bám khi tham quan Hồ Gươm (Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn

Vì thế, chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo điểm đến nổi trội, khác biệt và xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn là hai trong số những bài toán mà ngành du lịch cùng các doanh nghiệp, các nhà đầu tư du lịch phải cùng giải quyết để thu hút du khách, tạo thương hiệu và sức cạnh tranh cho du lịch Việt.

Mạnh tiềm năng, yếu quảng bá

Theo đánh giá về năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới, tài nguyên tự nhiên của VN xếp hạng 34, đứng thứ 4 ASEAN sau Thái Lan (hạng 7), Indonesia (hạng 14) và Malaysia (hạng 28). Tận dụng thế mạnh về cảnh quan tự nhiên và văn hóa, ngành du lịch đã thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là của các nhà đầu tư chiến lược, vào các khu vực du lịch trọng điểm như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Bình… với các dự án với quy mô lớn, tạo đòn bẩy cho sự phát triển du lịch của cả vùng.

Đầu tư của các tập đoàn Vin Group, Sun Group, Mường Thanh, Tuần Châu... đã góp phần hình thành hệ thống cơ sở vật chất du lịch hiện đại tại nhiều địa phương. Trong đó, chuỗi khách sạn Vinpearl Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long, hệ thống cáp treo tại Đà Nẵng, Sa Pa, hệ thống khách sạn Mường Thanh trên 30 tỉnh/thành phố là điểm nhấn tăng cường sức cạnh tranh, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch VN theo hướng chất lượng cao và hiện đại, thu hút du khách.

Theo thống kê, số lượng khách và tổng thu từ khách du lịch năm sau đều cao hơn năm trước. Giai đoạn 2011-2016, khách du lịch quốc tế tăng 1,7 lần, tăng trung bình 11%/năm; khách du lịch nội địa tăng 2,1 lần, tăng trung bình 16%/năm, tổng thu từ khách du lịch tăng 3,2 lần, tăng trung bình 26%/năm. Tuy nhiên, sự phát triển này chưa tương xứng với tiềm năng và thua kém các nước trong khu vực. Về số lượng khách du lịch quốc tế, VN đứng thứ 5 trong các nước ASEAN với hơn 10 triệu lượt năm 2016, bằng 31% so với Thái Lan (33 triệu lượt), bằng 37% so với Malaysia (27 triệu lượt), 61% so với Singapore (16 triệu lượt), 83% so với Indonesia (12 triệu lượt).

Một đánh giá của Tổng cục Du lịch VN cho rằng, việc xúc tiến quảng bá điểm đến của chúng ta còn ở mức “tráng men”. Nếu xét dưới góc độ “tiếp thị” sản phẩm du lịch ra nước ngoài, khách du lịch quốc tế đang thiếu thông tin để tìm hiểu, tiếp cận các điểm đến của VN, đa phần đều phải tự mày mò tìm hiểu trên mạng dẫn đến sức cạnh tranh của thương hiệu du lịch VN chưa cao.

So với các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực đầu tư xúc tiến quảng bá điểm đến khoảng 80-100 triệu USD/năm, thì mức mà VN chi khoảng 2 triệu USD/năm là quá thấp. Chị Anna Khemelinia - một du khách Nga - cho biết: “Cách quảng bá điểm đến của các bạn chưa hiệu quả, thông tin dành cho du khách nước ngoài tuy dày đặc nhưng không tập trung vào trọng tâm cụ thể là điều gây khó cho du khách muốn nghiên cứu và lựa chọn cách đi lại, ăn ở và khám phá…”.

Tạo dựng văn hóa, văn minh du lịch

Cũng theo báo cáo năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, VN hiện đang đứng thấp nhất ASEAN về mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (hạng 101 trong số 136 nền kinh tế được đánh giá), hạ tầng dịch vụ du lịch (hạng 113) và mức độ mở cửa quốc tế (hạng 73).

Ngoài việc đầu tư thiếu tập trung nên không tạo được điểm du lịch nổi trội, khác biệt để cạnh tranh với các nước trong khu vực, thì môi trường du lịch còn nhiều bất cập, kinh doanh lữ hành bất hợp pháp, tình trạng đeo bám, ép khách, không đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm, ứng xử của người dân với du khách ở một số nơi chưa văn minh… cũng là những nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của du lịch VN bị đánh giá thấp.

Ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc Cty lữ hành Neworld Travel - cho biết, một điều nhỏ nhưng ảnh hưởng lớn đến việc du khách quốc tế “một đi không trở lại” nằm ở sự văn minh, hoà nhã của người dân, mức độ an ninh, an toàn. “Nếu giao thông lộn xộn, phục vụ kém chuyên nghiệp, bán hàng lừa gạt, đối xử với khách hàng không tôn trọng… sẽ chỉ mang đến cho khách nước ngoài một tâm lý bất ổn, phòng thủ trong mọi trường hợp mà thôi” - ông Tùng cho hay.

Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư các tổ hợp du lịch - dịch vụ và nghỉ dưỡng để tạo ra những sản phẩm tốt, kích thích du khách tới trải nghiệm và chi tiêu nhiều hơn, thì việc tạo dựng văn hóa, văn minh cho những điểm đến du lịch cũng là yếu tố quan trọng.

Điều này đã được các tập đoàn du lịch lớn rất chú trọng, tạo sự chuyên nghiệp và đẳng cấp chất lượng từ những việc nhỏ nhất, như Sun World Ba Na Hills có quy trình riêng đón khách khuyết tật, tổ chức các hoạt động môi trường như Ngày xanh ở Fansipan Sapa, mọi khu du lịch đều có tủ đồ thất lạc, trả lại hàng tỉ đồng cho du khách bỏ quên…

Nhưng như thế là chưa đủ, mà cần có sự đồng hành của các cấp ngành, địa phương, của từng doanh nghiệp lữ hành, khách sạn… ngay từ ý thức làm du lịch, ý thức, thái độ phục vụ đến từng người dân, từ việc đơn giản nhất là nở nụ cười, thân thiện với du khách, để góp phần tạo dựng một hình ảnh VN thân thiện, ấn tượng, từng bước khẳng định sự chuyên nghiệp và chất lượng của thương hiệu du lịch VN.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng

Phát triển du lịch không chỉ đem tới lợi ích kinh tế, góp phần nâng cao mức sống cho người dân, mà còn góp phần quảng bá, nâng cao hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Do đó, huy động sự chung tay góp sức của cộng đồng tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện chính là việc làm rất thiết thực; là chìa khóa bảo đảm cho ngành du lịch phát triển nhanh và bền vững. Trong thời gian qua Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình thành phố “5 không”: Không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không có giết người cướp của và “3 có”: Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Đà Nẵng cũng ban hành đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” trên địa bàn thành phố đến năm 2020: An ninh trật tự, An toàn giao thông, An toàn thực phẩm và An sinh xã hội và triển khai Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố.

Đại diện Tập đoàn SunGroup

Đẳng cấp, chất lượng của du lịch Việt Nam sẽ được dễ dàng tạo dựng nếu chúng ta quyết tâm làm, và làm du lịch bằng cái tâm của chính các nhà đầu tư và của mỗi người Việt Nam. Và bản thân những nhà đầu tư như Sun Group cũng đã và đang xây dựng sự chuyên nghiệp, đẳng cấp chất lượng từ chính những điều đơn giản như thế. Chúng tôi cũng hy vọng rằng những kinh nghiệm trong việc tạo dựng những sản phẩm, dịch vụ du lịch đẳng cấp và khác biệt của Sun Group sẽ góp phần nhỏ tạo dựng một hình ảnh Việt Nam thân thiện, ấn tượng trong mắt du khách và đem đến một chút kinh nghiệm nào đó trong việc cải thiện, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng cho du lịch Việt Nam.

Ông Trần Chí Dũng - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang

Du lịch được định hướng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần tăng nguồn thu, giải quyết công ăn, việc làm, là động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế đầu tư, thương mại, văn hóa, xã hội. Tại Kiện Giang, hệ thống cơ sở lưu trú không ngừng tăng lên, đặc biệt là số lượng những cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên, phần lớn tập trung ở Phú Quốc. Để thu hút được du khách, điểm đến du lịch Phú Quốc phải có sức hấp dẫn vì khách hàng luôn có một ấn tượng nào đó về sản phẩm mà họ muốn đến. Xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch đồng nghĩa với việc tiếp thị, quảng bá cho đảo Phú Quốc. Để thành công, Phú Quốc phải làm cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cùng cộng đồng có trách nhiệm, chia sẻ lợi ích một cách hài hoà, cũng như đáp ứng sự hài lòng của du khách.

https://laodong.vn/du-lich/khong-chuyen-nghiep-kho-khang-dinh-thuong-hieu-du-lich-viet-551559.ldo

Theo Lao động