Các nhà thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã cấp tập huy động máy móc, nhân lực vào công địa được bàn giao mặt bằng.

Ngay sau lễ khởi công quy mô vào ngày đầu tiên của năm 2023, các nhà thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã cấp tập huy động máy móc, nhân lực vào công địa được bàn giao mặt bằng.

Sáng khởi công, chiều triển khai đào, đắp

Không để công trường cao tốc Bắc - Nam ngơi nghỉ 1

Nhà thầu đưa máy vào mũi Km603 dự án thành phần Vũng Áng - Bùng để triển khai thi công vào sáng 2/1/2023.

Sáng 1/1/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bấm nút phát động lễ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 – 2025.

Ngay đầu giờ chiều cùng , ông Phạm Văn Minh, Phó giám đốc Ban QLDA 6 cùng tư vấn giám sát và nhà thầu đã ra công địa gói thầu XL01 dự án đoạn Vũng Áng - Bùng để trao đổi ngay về kế hoạch thi công trong những ngày kế tiếp.

Từ thực tế hiện trường, rốt ráo huy động nguồn lực thi công ngay những đoạn mặt bằng sạch đủ điều kiện, Ban QLDA 6 đã yêu cầu Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành triển khai đào, đắp ngay 1,5km đoạn tuyến chính.

Sau đó chỉ một ngày (2/1), lãnh đạo Ban QLDA 6 tiếp tục làm việc với các liên danh nhà thầu thi công dự án Bùng - Vạn Ninh để kiểm tra công tác chuẩn bị, tinh thần bắt nhịp công việc của đơn vị thi công.

Đảm nhận phạm vi thi công từ Km636 - Km652 tại gói thầu XL01 dự án đoạn - Bùng - Vạn Ninh, ông Nguyễn Tài Mạnh, cán bộ ban điều hành thuộc Tập đoàn Cienco4 cho biết, ngay từ ngày 29/12, gần 20 đầu máy, thiết bị đã được Cienco4 huy động vào gói thầu. Tổng số lượng thiết bị liên danh nhà thầu đã huy động khoảng gần 30 đầu máy với khoảng 50 công nhân.

“Trên cơ sở đoạn tuyến được bàn giao mặt bằng dài nhất là 4,5km, nhà thầu đã thi công nền đường nút giao Việt Trung tại Km 643+300 và cọc khoan nhồi cầu Bản 2 tại Km 642+500”, ông Mạnh thông tin.

Phụ trách thi công hơn 5km đường tại dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh, ông Nguyễn Đăng Thuận, Phó TGĐ Tổng công ty 36 cho biết, bên cạnh triển khai lập bản vẽ thiết kế thi công, trình các nguồn vật liệu, làm lán trại…

Tổng công ty 36 đã cho phát quang, bóc phủ trên đoạn tuyến khoảng 1,2km và một số đoạn có chiều dài mặt bằng được bàn giao khoảng 300m, có đường tiếp cận thuận lợi.

Trong khi đó, tại hai dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng, ông Hoàng Chiến Thắng, Giám đốc Ban điều hành dự án (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, trên cơ sở diện tích mặt bằng đã được địa phương bàn giao khoảng 81% (chiều dài tuyến bàn giao khoảng 76%), ngay sau lễ khởi công, 40 đầu máy, thiết bị ở mỗi dự án đã bắt đầu thi công các hạng mục đầu tiên.

Không lo nguồn vốn

Theo ông Hoàng Chiến Thắng, ngay sau khi ký xong hợp đồng, các nhà thầu đã được làm thủ tục tạm ứng 10% giá trị hợp đồng xây lắp để có nguồn lực huy động vật tư, thiết bị, xây dựng lán trại.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, khối lượng giải ngân đăng ký của dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng khoảng gần 1.000 tỷ đồng/dự án.

“Quá trình thi công, nhà thầu hoàn thành thủ tục nghiệm thu, thanh toán theo quy định đến đâu sẽ được giải ngân ngay đến đó. Nguồn vốn dự án giai đoạn này gần như không phải lo lắng”, vị cán bộ ban điều hành chia sẻ.

Tại dự án đoạn Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh, lãnh đạo Ban QLDA 6 cho biết, sau khi ký hợp đồng xây lắp, các nhà thầu cũng đã được chủ đầu tư làm thủ tục tạm ứng để tiếp nguồn lực tổ chức thi công. Ngay trong năm 2023, nhiệm vụ đặt ra đối với hai dự án phải giải ngân khoảng 28% giá trị hợp đồng xây lắp.

Trao đổi với Báo Giao thông trước đó, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, năm 2023, dự kiến nguồn vốn bố trí cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 44.000 tỷ đồng, tiến độ giải ngân sẽ được đảm bảo kịp thời cho nhà thầu khi thủ tục nghiệm thu được hoàn thiện.

Vẫn lo mỏ vật liệu, mặt bằng

Chia sẻ thêm với Báo Giao thông, Giám đốc Ban điều hành Hoàng Chiến Thắng cho biết, Ban QLDA Thăng Long đã có văn bản đề nghị địa phương hướng dẫn ngay thủ tục cấp phép mỏ vật liệu cho nhà thầu.

Song song đó, nhà thầu phải làm việc với địa phương xin cấp phép mỏ vật liệu, thậm chí mua mỏ vật liệu để làm đường gom, đường công vụ.

“Trước mắt, các nhà thầu đang làm thủ tục xin cấp phép khoảng 4 mỏ đất/dự án trong bán kính 20km đổ lại xung quanh khu vực dự án. Mỏ đá, mỏ cát trên địa bàn đã có sẵn và được cấp phép khai thác thương mại. Nhà thầu chỉ cần chuẩn bị nguồn lực tài chính để tập kết”, ông Thắng thông tin.

Vấn đề khiến lãnh đạo ban điều hành dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng lo lắng là hiện nay, các mỏ vật liệu dù đã được địa phương giới thiệu, Ban QLDA và tư vấn đã khảo sát đủ trữ lượng đáp ứng cho dự án. Tuy nhiên, công tác GPMB, đền bù tài sản trên đất của mỏ dự kiến cấp cho nhà thầu vẫn còn nút thắt.

Theo quy định hiện hành, công tác đền bù này được thực hiện trên sự thỏa thuận của nhà thầu với người dân. Việc thỏa thuận này tiềm ẩn nguy cơ kéo dài thời gian khai thác mỏ vật liệu trong trường hợp hộ dân/tổ chức không đồng ý giá thỏa thuận.

“Để giải quyết vướng mắc trên, Ban QLDA mong muốn các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành nghị quyết đưa phần GPMB này vào tiểu dự án GPMB của địa phương hoặc ban hành cơ chế xem các mỏ vật liệu phục vụ dự án phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng để thuận lợi trong công tác thu hồi, đền bù. Có cơ chế này, nếu người dân không đồng thuận, chính quyền có thể xử lý, cưỡng chế. Đơn giá đền bù cũng sẽ rõ ràng với từng loại mặt bằng theo quy định”, ông Thắng nêu ý kiến.

Trong khi đó, ở khu vực ĐBSCL, các nhà thầu cũng đang rốt ráo làm việc với địa phương để giải quyết nhu cầu vật liệu cho dự án đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Theo ông Nguyễn Đăng Thuận, Phó TGĐ Tổng công ty 36, dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang do đơn vị tham gia thi công đang trong tình trạng khan hiếm cát và đá.

Theo tính toán, dự án Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 22 triệu m3 cát. Song, hiện nay, công suất khai thác của các mỏ của An Giang được cấp chưa được 2 triệu m3, đạt 10% so với công suất khai thác được cấp giấy phép.

Ngay sau lễ khởi công, các nhà thầu đang làm thủ tục với các mỏ để cấp phép tăng công suất khai thác nguồn cát để lấy cho dự án”, ông Thuận nói.

Ông Phạm Văn Minh, Phó giám đốc Ban QLDA 6 còn một nỗi lo khác, đó là mặt bằng.

“Ban QLDA 6 đang tiếp tục yêu cầu nhà thầu huy động máy móc vào tiếp cận ngay các đoạn mặt bằng đã được địa phương bàn giao để kiểm tra nơi nào còn vướng, nơi nào đã “sạch” thực sự. Làm như vậy mới sớm phát hiện được bất cập để xử lý điểm nghẽn ngay từ đầu”, ông Minh nói.

Tại dự án thành phần đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng (thuộc tỉnh Hà Tĩnh), ngay sau lễ khởi công, liên danh nhà thầu Doanh nghiệp TN xây dựng Xuân Trường – Công ty CP 471 – Công TNHH xây dựng Tự Lập đã bắt tay vào chuẩn bị lán trại để triển khai thi công.

Ông Đỗ Thành Chung – Phó giám đốc DNTN xây dựng Xuân Trường cho biết: Ngay sau lễ khởi công, doanh nghiệp sẽ tiến hành ngay công tác lán trại và các bước chuẩn bị khác. Sau đó căn cứ trên mặt bằng được bàn giao, để bố trí triển khai các mũi thi công phù hợp, khoa học.

“Toàn bộ dự án này sẽ được hoàn thành trong 34 tháng, chúng tôi quyết tâm vượt tiến độ ít nhất 6 tháng để tránh tình trạng khan hiếm vật tư, vật liệu giai đoạn cuối”, ông Chung cho biết.

Theo ông Chung, về mặt bằng, đến nay toàn dự án thành phần đã giải phóng được trên 80% nên không vướng. Nhưng điều doanh nghiệp băn khoăn nhất hiện nay là mỏ vật liệu. Trong dự án, mỏ được giao trực tiếp cho nhà thầu khai thác. Nhưng theo chủ trương, nhà thầu phải thoả thuận với người dân để GPMB mỏ. Đây là điều rất khó, nếu vướng sẽ không có mỏ, toàn bộ dự án sẽ bị ách tắc. Nếu để tỉnh giải phóng thì sẽ dễ hơn nhà thầu.

“Dự án thành phần này cần 3 triệu khối đất, sau lễ khởi công, chúng tôi mới làm việc để tỉnh bàn giao vị trí, sau đó doanh nghiệp mới đi thoả thuận với người dân để GPMB. Tỉnh đã bố trí cho doanh nghiệp 4 mỏ, trên khảo sát là đủ trữ lượng và gần tuyến. Tuy nhiên, quan trọng là có GPMB được hay không, và ngoài ra chất lượng đất có đồng đều được như các mẫu khảo sát để đắp nền đường.

Nếu tiến độ GPMB mỏ được đảm bảo, tiến độ dự án theo hợp đồng là 34 tháng thì chúng tôi cam kết triển khai trong 24 tháng, vượt tiến độ 10 tháng”, ông Chung khẳng định.

Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Loan - Phó Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết: Ngay sau lễ khởi công, Ban sẽ chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh triển khai, tăng tốc ngay từ những ngày đầu. Song song với đó là công tác giám sát chất lượng, đảm bảo công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cao nhất. Ngoài ra, Ban cũng sẽ phối hợp với các địa phương để giải phóng xong 20% mặt bằng còn lại để sớm bàn giao cho các nhà thầu.

Về phía địa phương, ông Phạm Hoàng Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: Dự án Hàm Nghi – Vũng Áng đi qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên 27,03km. Về công tác GPMB, đợt 1 địa phương đã bàn giao được 79,1%, còn đợt 2 cũng đã giải phóng thêm một phần khối lượng nhưng chưa bàn giao. Hiện nay chỉ còn lại đất ở và đất tái định cư.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để giải phóng phần còn lại.

Sỹ Hoà -Văn Thanh

Sẵn sàng thi công xuyên Tết

Đại diện Ban điều hành dự án đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng cho biết, để tạo thuận lợi cho việc thi công đồng loạt tới đây, các nhà thầu đang được yêu cầu tập trung vào các hạng mục: Đường gom, đường công vụ, bãi đúc dầm, thí nghiệm vật liệu…

Trên cơ sở kế hoạch tổng thể được lập, kế hoạch chi tiết từng ngày, từng tuần cũng đang được nhà thầu xây dựng, báo cáo. Việc thi công được xác định là liên tục, công trường sẽ được duy trì xuyên Tết.

Tập đoàn Cienco4 cũng khẳng định, trên cơ sở mặt bằng bàn giao, đơn vị sẽ duy trì 50% nhân lực 15 kỹ sư, 30 công nhân để triển khai kế hoạch thi công trong dịp Tết.

Hàng loạt nhà thầu lớn như: Phương Thành, Đèo Cả, Tổng công ty 36… cũng đã lên kế hoạch thi công xuyên Tết theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong lễ khởi công dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Ưu tiên giải ngân để nhà thầu bình ổn giá vật tư

Nhận diện rủi ro trong quá trình triển khai dự án, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, giá các loại vật tư, vật liệu, nhiên liệu luôn biến động theo chiều hướng tăng trong khi các địa phương công bố giá vật tư, vật liệu, chỉ số giá không kịp thời, chưa phù hợp với thực tế gây khó khăn cho công tác điều chỉnh giá cũng như công tác thanh quyết toán.

Đồng thời, các dự án đồng loạt triển khai dễ dẫn đến tình trạng các chủ mỏ đầu cơ tăng giá cao hơn so với công bố giá của địa phương.

Trong thời gian thực hiện gấp rút, công trình đi qua nhiều khu vực có địa hình phức tạp, quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm tra, thẩm định, xác định giá dự toán và lập hồ sơ yêu cầu cũng khó tránh khỏi sai sót. Việc giảm giá 5% khi chỉ định thầu sẽ là thách thức rất lớn đối với các bên tham gia thực hiện dự án trong bối cảnh hiện nay.

Đại diện Tập đoàn Đèo Cả đề xuất thông qua việc quản lý dòng tiền tạm ứng từ tài khoản chuyên dụng để kiểm soát chi tiêu của các nhà thầu trong liên danh sử dụng đúng mục đích. Cần ưu tiên giải ngân trước cho các nhà cung ứng nhằm bình ổn giá vật tư, vật liệu.

Báo cáo kế hoạch thi công trước ngày 15/1

Nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, ngày 30/12/2022, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các Ban QLDA khẩn trương chỉ đạo nhà thầu lập kế hoạch thi công tổng thể, kế hoạch thi công chi tiết từng hạng mục, kèm theo kế hoạch huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm… trình tư vấn giám sát, chủ đầu tư chấp thuận, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15/1/2023.

Các Ban QLDA cũng được giao nhiệm vụ chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các bộ, ngành có liên quan trong công tác GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.

Đồng thời, phối hợp với các nhà thầu thi công khẩn trương làm việc với các cấp chính quyền của địa phương để hoàn tất các thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường, bãi đổ thải đảm bảo đủ trữ lượng, chất lượng.

Bộ GTVT cũng yêu cầu các nhà thầu xây dựng hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu tại hiện trường ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án, thành lập phòng thí nghiệm hiện trường để kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình theo quy định.

https://www.baogiaothong.vn/khong-de-cong-truong-cao-toc-bac-nam-ngoi-nghi-d578036.html

Nam Khánh / Giao thông