Nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước thường tăng vào những tháng cuối năm. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, ngành Công thương và doanh nghiệp cả nước dự trữ lượng hàng hóa dồi dào, giá cả bình ổn, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 15/12, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đến thời điểm này hàng hoá trên thị trường không có bất thường. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm có nguồn cung dồi dào, giá cả tương đối ổn định. Một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng, giá biến động theo giá thế giới như xăng dầu, LPG. 

Theo bà Hiền, mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng không cao nhưng công tác chuẩn bị Tết vẫn được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh triển khai tích cực từ rất sớm, trong đó tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, nông sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... “Nguồn cung các mặt hàng khá dồi dào, giá không có biến động lớn. Đến nay, theo báo cáo của các địa phương, giá trị tổng lượng hàng dự trữ dự kiến cung ứng của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-12% so với các tháng thường trong năm”, bà Hiền cho hay. 

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trong dịp Tết Ất Tỵ -0
Dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, ngành Công thương Hà Nội và các doanh nghiệp dự trữ lượng hàng hóa gồm 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn và 1.575 tấn bánh mứt kẹo…

Cùng với đó, Sở Công Thương triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố. Để tạo thuận tiện cho người dân Thủ đô tiếp cận, mua sắm, hàng hóa Tết sẽ được phục vụ tại 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn… Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ tổ chức các điểm, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu vực nông thôn, triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Trên thực tế, hằng tuần tại các quận của TP Hà Nội liên tiếp diễn ra các sự kiện, hội chợ kích cầu mua sắm, ở đó hàng hoá đa dạng, các sản phẩm OCOP từ các vùng miền được giới thiệu, bán cho người tiêu dùng Thủ đô. Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, bên cạnh hệ thống phân phối, siêu thị lớn tại các thành phố lớn đã góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu cho người tiêu dùng đối với các mặt hàng thực phẩm, hàng hoá thiết yếu đã được chứng nhận an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. “Các hoạt động bán hàng qua mạng Internet ngày càng phát triển, là một kênh cung ứng hàng hóa đa dạng, tiện lợi đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng bận rộn. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, Sở Công Thương các địa phương, hình thức này hiện cần tăng cường kiểm soát về chất lượng hàng hóa”, bà Hiền cho biết. 

Giám đốc siêu thị Co.op Mart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, siêu thị đã làm việc với các nhà cung ứng và đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Doanh số hàng online của Co.op Mart Hà Đông tăng 50%, cho thấy khách hàng dịch chuyển sang mua bán trực tuyến rất nhiều.

“Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp và phần lớn ủng hộ việc duy trì giá bán bình ổn, riêng mặt hàng rau, đơn vị đã ký hợp đồng, hỗ trợ vốn cho 7 nhà cung cấp lớn, nên những mặt hàng chủ lực như cà rốt, cà chua, bắp cải, khổ qua, dưa leo... dự kiến có giá tốt hơn so với thị trường”, bà Dung khẳng định và cho biết thêm, hàng năm, Co.op Mart Hà Đông thực hiện khoảng 2.000 chuyến hàng Tết để tặng các giỏ quà thiết yếu cho bà con vùng sâu, vùng xa, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Thông tin về việc cung ứng rau cho thị trường dịp Tết, bà Đặng Thị Cuối, Chủ nhiệm HTX rau Cuối Quý (Đan Phượng-Hà Nội) cho biết, hiện HTX đã trồng các loại rau cung ứng cho vụ Tết, một số loại rau ngắn ngày thì gần hết tháng 12/2024 mới trồng tiếp. “Tết này rau xanh phong phú, rét đậm, rét hại cũng không ảnh hưởng tới nguồn cung. Dự kiến, HTX sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn rau dịp Tết. Về giá bán, HTX luôn duy trì mức giá bán ổn định với nhà cung ứng”, bà Cuối cho hay. 

Về cung ứng bánh kẹo thị trường Tết, bà Phan Thị Châm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc tế Bảo Hưng (Thái Bình) cho biết, năm nay, giá cả sản phẩm có xu hướng tăng nhẹ do giá nguyên liệu sản xuất, điện, nước, chi phí nhân công đều tăng. Song để kích cầu tiêu dùng, nhà sản xuất và nhà bán lẻ đã giữ giá ổn định, cùng với đó tăng các chương trình khuyến mại. Để chuẩn bị cho thị trường Tết, công ty đã chuẩn bị các loại bánh kẹo Tết tăng gần 20% so với năm ngoái với mẫu mã bắt mắt, chất lượng, đáp ứng xu thế tiêu dùng của người dân.

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, đặc biệt tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.

 https://cand.com.vn/Thi-truong/khong-de-xay-ra-tinh-trang-thieu-hang-sot-gia-trong-dip-tet-at-ty-i753438/

PV / CAND