Hệ thống quan trắc của thành phố Hà Nội cũng như trên các ứng dụng PamAir, Airvisual đều cho thấy chất lượng không khí "rất xấu" vào sáng 14/12.
Lúc 8h, hệ thống quan trắc của Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội ghi nhận 8 trên 11 trạm có chỉ số quan trắc không khí màu tím, tương đương với mức rất xấu - chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên 200. Kết quả đo này tương đương với cảnh báo ảnh hưởng sức khỏe đến cộng đồng nghiêm trọng hơn mức "xấu".
Hồ Gươm lúc 7h ngày 14/12. Ảnh: Gia Chính |
Trạm đo tại Hàng Đậu (Hoàn Kiếm) có chỉ số AQI là 230, Thành Công (Ba Đình) là 221, Phạm Văn Đồng (Bắc Từ Liêm) là 225, Đại sứ quán Pháp là 262. Điểm đo ở 556 Nguyễn Văn Cừ cho chỉ số AQI là 226.
Diễn biến chỉ số AQI tại các điểm đo trên cho thấy không khí Hà Nội ô nhiễm từ 22h đêm hôm trước với chỉ số trong khoảng 150 và lên tới hơn 200 vào giờ cao điểm buổi sáng (8h). Theo quan sát, bầu trời Hà Nội sáng nay cũng đặc quánh sương mù, tầm nhìn xa bị hạn chế.
Cùng giờ, ứng dụng Airvisua xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới với chỉ số AQI là 359; đứng thứ hai là Ulaanbaata (Mông Cổ) với chỉ số là 264.
Trang này đưa ra chỉ số AQI tại Hồ Tây lên tới 412, Sài Đồng (Long Biên) là 357, Tô Ngọc Vân là 359 - đây là mức cao nhất trong thang đo của Airvisual.
Trong khi đó, tất cả các điểm đo trên trang PamAir đều cho thấy chỉ số AQI từ 170 đến trên 200.
Đợt ô nhiễm không khí trong tháng cuối năm 2019 bắt đầu từ ngày 8/12, với chỉ số AQI trong khoảng 90 đến 100. Từ ngày 10/12, chỉ số AQI liên tục tăng cao trên mức 200. Trong đó, điểm đo tại Đại sứ quán Pháp lúc 4h ngày 10/12 lên tới 356.
Một số chuyên gia nhận định, mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội diễn biến ngày càng phức tạp; thành phố cần đưa ra nhiều biện pháp khẩn cấp để cải thiện tình trạng này.
Chất lượng không khí ở miền Bắc vẫn rất xấu |
Không khí Hà Nội lại ở mức báo động |
Trường học ở Iran đóng cửa vì ô nhiễm không khí |
Không khí Hà Nội tiếp tục ô nhiễm |