“Tôi thấy không nên hạn chế quyền lực của trưởng đặc khu kinh tế mà chỉ kiểm soát quyền lực để không nảy sinh những vấn đề tự mãn, tự kiêu dẫn đến tiêu cực” - ĐBQH Phạm Văn Hòa nói.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ủy viên UB Pháp luật của Quốc hội (ảnh) đã chia sẻ những vấn đề có liên quan đến việc thành lập ba đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Chọn trưởng đặc khu có đủ đức - tài
Trong kỳ họp này, Quốc hội lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, xem xét các đề án xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Một trong những vấn đề được nhiều cử tri băn khoăn là mô hình tổ chức bộ máy hành chính của đặc khu. Là một thành viên của UB Pháp luật - cơ quan thẩm tra dự án luật, quan điểm của ông về vấn đề này?
- Việc xây dựng ba đặc khu kinh tế gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là hết sức cần thiết trong điều kiện kinh tế đất nước đang trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là tổ chức bộ máy hành chính của đặc khu ra sao.
Về vấn để tổ chức bộ máy hành chính ở đặc khu kinh tế, dự thảo đưa ra hai phương án có thể có HĐND, UBND hoặc không có. Cá nhân tôi ủng hộ phương án không có HĐND và UBND, như vậy mới gọi là đơn vị kinh tế đặc biệt. Trong Hiến pháp cũng đề cập đến việc thành lập đơn vị kinh tế đặc biệt, như vậy nếu không có HĐND, UBND thì cũng không trái luật.
Như vậy, dự thảo luật sẽ quy định trưởng đặc khu kinh tế do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp bổ nhiệm từ đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh và thẩm định của Bộ Nội vụ. Trưởng đặc khu kinh tế có quyền bổ nhiệm cấp phó và lãnh đạo các cơ quan chuyên môn tại đặc khu. Vì vậy, trưởng đặc khu có quyền hạn rất lớn. Điều đặc biệt nữa là trưởng đặc khu được ủy nhiệm nhiều nhiệm vụ, nhiều quyền hạn.
Trưởng đặc khu kinh tế được giao nhiệm vụ rất lớn từ Trung ương, trong khi cá nhân ông ủng hộ phương án không tổ chức HĐND và UBND. Vậy cơ quan nào sẽ kiểm soát quyền lực của trưởng đặc khu kinh tế trong trường hợp này?
- Do trực tiếp thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao nên trưởng đặc khu có quyền hạn rất rộng. Việc kiểm soát quyền lực của vị trí này có ý nghĩa rất quan trọng, cần nghiên cứu kỹ. Nếu không có HĐND kiểm soát quyền lực thì Quốc hội cũng phải đưa ra được cơ chế giám sát phù hợp.
Quan điểm của tôi là không nên hạn chế quyền lực của trưởng đặc khu mà phải kiểm soát quyền lực để không nảy sinh tâm lý tự mãn, tự kiêu dẫn đến những hành vi tiêu cực.
Khi ủng hộ phương án không tổ chức HĐND và UBND ở các đặc khu kinh tế, ông đã nghĩ đến cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trưởng đặc khu hay chưa?
Trong dự thảo đề ra việc thành lập một hội đồng để tư vấn, giám sát anh trưởng đặc khu. Tuy nhiên, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng này còn rất chung chung. Cá nhân tôi nhận thấy vấn đề quan trọng nhất vẫn phải chọn được trưởng đặc khu là người có đức, có tài, có phẩm chất đạo đức, có trình độ năng lực được tập thể tín nhiệm.
Tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp
Cả ba đặc khu kinh tế dự kiến được xây dựng là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đều nằm ở những khu vực trọng yếu liên quan đến an ninh quốc phòng. Nhiều ý kiến lo ngại là ở những vị trí chiến lược vậy mà cơ chế ưu đãi về tiếp cận đất đai đề ra ở mức vượt khung quy định của luật Đất đai hiện nay với thời hạn giao, cho thuê đất lên tới 99 năm. Vậy ông có cảnh báo gì để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc sau này?
Thực tế cả ba đặc khu kinh tế cho phép thành lập tới đây đều nằm trên các đảo/bán đảo. Những khu vực này tới đây ngoài nhiệm vụ hành chính - kinh tế đặc biệt, cũng là những điểm rất nhạy cảm với vấn đề an ninh quốc phòng. Do vậy, cần phải có giải pháp đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.
Theo tôi, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các đơn vị chức năng phải có giải pháp bảo vệ tuyệt đối an toàn với những khu đất nhạy cảm. Còn những khu đất thuận lợi cho phát triển kinh tế thì chúng ta nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất lâu dài để mang tới cơ hội phát triển chung.
Xin cảm ơn ông!
Tháo gỡ nút thắt và mối lo cho các khu kinh tế Dù đã và đang áp dụng các chính sách ưu đãi đa dạng khác nhau, nhưng các KKT và KCN ở nước ta vẫn chưa ... |
Đặc khu kinh tế để làm gì? Khi đề cập đến sự phát triển thần kì của Trung Quốc, người ta hay nhắc đến Thâm Quyến. Trong năm 1978, khi quốc gia ... |
Bãi bồi muốn thành \'Manhattan TQ\': Đặc khu 3.0 bằng đột phá chính sách Tiền Hải, vùng bãi bồi ven biển chỉ vỏn vẹn 15 km2, được chính phủ Trung Quốc quy hoạch thành đặc khu nằm trong đặc ... |
(https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/khong-nen-dong-khung-quyen-luc-cua-truong-dac-khu-kinh-te-576645.ldo)