Nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; mất cân bằng trong thị trường lao động truyền thống, mất an toàn, an ninh thông tin, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao…

khong nhap cuoc cmcn 40 viet nam se doi mat voi nhieu tac dong tieu cuc
Theo tính toán của nhà máy Điện tử Amberg Simens (Đức), máy móc và máy tính xử lý tới 75% của chuỗi giá trị sản phẩm, con người chỉ chịu trách nhiệm khâu phát triển sản phẩm và khởi động quá trình. Ảnh minh hoạ: Internet

Nhận định trên được Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương Nguyễn Phú Cường đưa ra tại hội thảo: "Doanh nghiệp số - đường tới cách mạng công nghiệp 4.0" do Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Công ty Siemens và Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam đồng tổ chức. Hội thảo là chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác về thúc đẩy phát triển công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Theo đó, ông Cường cho biết, cuộc CMCN 4.0 đang tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam. Dù mới chỉ trong giai đoạn đầu nhưng với nền tảng là sự phát triển mạnh mẽ và tích hợp ở trình độ cao các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được dự báo sẽ làm thay đổi mạnh mẽ nền sản xuất của thế giới và của Việt Nam trong một tương lai không xa.

Hiện, Việt Nam có 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức vốn khoảng từ 4-7 tỷ đồng. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp không có nhiều điều kiện để phát triển các máy móc công nghệ mới vào sản xuất. Hiện, có tới 76% máy móc và công nghệ nhập khẩu từ thập niên 1980-1990, 75% đã hết khấu hao. Bên cạnh đó, có 55,63% số chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin trong tự động hóa và quản lý sản xuất còn thấp, tập trung chủ yếu ở khu vực văn phòng.

Trong khi đó, tại các nước tiên tiến, nhất là ở Đức, CMCN 4.0 đã tạo ra những thay đổi căn bản trong tổ chức chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm và dịch vụ toàn cầu. Điển hình là nhà máy Điện tử Amberg Simens (Đức) - mẫu hình "Nhà máy số" đầu tiên trên thế giới, - máy móc và máy tính đã xử lý tới 75% của chuỗi giá trị sản phẩm, con người chỉ chịu trách nhiệm khâu phát triển sản phẩm và khởi động quá trình.

Nắm bắt được tầm quan trọng của CMCN 4.0, Chính phủ đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc CMCN 4.0 và có những chính sách định hướng và bước đi phù hợp, kịp thời, thể hiện rõ trong nội dung Chỉ thị 16 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0.

Tham luận tại Hội thảo, Tham tán Kinh tế và phát triển Đức tại Việt Nam, Ông Martin Hoppe cho biết: “Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại tiềm năng vô cùng to lớn. Tuy nhiên, sự hợp tác và đối thoại chặt chẽ phải mang tính quốc gia và quốc tế để đảm bảo rằng chúng ta đạt được lợi ích nhưng tránh được các rủi ro từ nền sản xuất số hóa và tự động hóa. Điều cốt yếu là trong mọi suy nghĩ và hành động, chúng ta luôn nhớ rằng con người mới chính là nhân tố chính, là nguồn lực chính và là mục tiêu then chốt của bất kỳ sự phát triển nào”.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Siemens Việt Nam - Tiến sĩ Phạm Thái Lai nhấn mạnh: “Siemens quan niệm con đường tới Công nghiệp 4.0 chính là phát triển “Doanh nghiệp số”. Con đường trở thành doanh nghiệp số bao gồm bốn thành tố cốt lõi được phát triển dựa vào nhau một cách rất logic. Mỗi một thành tố chủ chốt này được tạo nên bởi một danh mục giải pháp độc đáo mà Siemens đã thiết kế cho khách hàng trên chặng đường tiến tới Cách mạng công nghiệp 4.0".

Ngoài ra, đại diện Công ty Siemenes cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học thành công của Simenes, nhất là các bài học về kinh nghiệm của Simenes khi áp dụng CMCN 4.0 tại Đức cũng như các doanh nghiệp Đức trong quá trình thực hiện cuộc CMCN 4.0 nói chung và trong lĩnh vực nhà máy số nói riêng.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tham dự đã tham gia tọa đàm và đối thoại cởi mở với các đại diện đến từ Bộ Công Thương, Công ty Siemens, Tập đoàn FPT Group, tập đoàn Polyco. Thông điệp mạnh mẽ đã được truyền tải trong Hội thảo là sự hợp tác, đồng hành của các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp, hiệp hội và toàn xã hội trong việc kết nối, trao đổi và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. “Đây sẽ là một trong những giải pháp tối ưu để doanh nghiệp Việt Nam hướng đến công nghiệp 4.0” ông Marko Walde, trưởng đại diện Phòng Thương Mại và Công nghiệp Đức kiêm Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam khẳng định.

Kết thúc Hội thảo, Bộ Công Thương cùng các bên liên quan đã có những đề xuất bước đầu về hướng tiếp tục hợp tác nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong việc tiếp cận và chuyển đổi thành công sang mô hình doanh nghiệp số, từng bước tiến vào Cuộc CMCN 4.0. Đây cũng là một trong những nội dung triển khai cụ thể Chỉ thị 16 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 04 tháng 5 năm 2017 của Bộ Công Thương trong thời gian tới.

/ Ánh Dương/baodatviet.vn