Đó là ý kiến một số chuyên gia kinh tế, khi trong xu thế hội nhập, nhiều ngành đang chuyển mình để hòa nhập, thì ngành mía đường thay cho việc mở cửa bước ra thế giới, lại đang “co rúm” và xin được bảo hộ. Nhiều ý kiến cho rằng, ngành mía đường đang bên bờ vực sâu, bởi nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất và cả Hiệp hội Mía đường Việt Nam đang rất ít đổi mới hay tìm ra các giải pháp ứng phó để thoát khỏi tình trạng “chết lâm sàng” hiện nay.
Theo các chuyên gia kinh tế, để giảm giá thành sản phẩm đường, cần nâng cao năng suất và tăng trữ đường trong cây mía. Ảnh: PV |
Vì 1 triệu người trồng mía, hay vì 93 triệu người tiêu dùng?
Theo Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) - ông Phạm Quốc Doanh - hiện nay cả nước có 41 nhà máy chế biến mía đường, quy mô sản xuất của các nhà máy vẫn phổ biến mức nhỏ và vừa. Hiện chỉ có 8/38 nhà máy có công suất ép lớn hơn 6.000 tấn mía/ngày. Trong khi đó, thông thường một nhà máy phải có công suất từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên mới đạt được lợi thế về quy mô. Thế nhưng, do nguồn nguyên liệu hạn chế cũng như nhu cầu thực tế của thị trường tạo áp lực “cung-cầu”, nên các nhà máy không dám chạy tối đa công suất thiết kế.
Do giá nguyên liệu mía chiếm tới 70-80% giá thành đường, trong khi đó trên 90% diện tích trồng mía hiện nay do nông dân trực tiếp canh tác, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật dẫn đến giá thành mía còn cao, khiến giá đường sản xuất trong nước cao hơn giá đường các nước trong khu vực và khó có thể cạnh tranh khi mở cửa.
Nhiều lần trao đổi với báo giới, ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch VSAA - bày tỏ lo ngại, nếu không có các giải pháp cứu ngành mía đường trong nước, thì các DN sản xuất mía đường sẽ dần chuyển thành các đơn vị gia công đường cho Thái Lan - điều này đồng nghĩa với việc ngành mía đường sẽ “chết”.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) - cho rằng: Nếu để bảo hộ ngành mía đường trong nước mà không thực hiện Hiệp định đã ký kết hoặc không cho các nước trong khối ASEAN xuất khẩu đường vào nước ta thì không những vi phạm Hiệp định là điều tối kỵ trong quan hệ quốc tế. Hơn nữa, nếu phía bạn cũng có những động thái “ăn miếng trả miếng” sẽ rất bất lợi.
Ông Phạm Quốc Doanh cho rằng, nếu thực hiện cam kết như Hiệp định ATIGA từ năm 2018, thì 22 nhà máy có công suất chế biến dưới 3.000 tấn mía đường có khả năng phải đóng cửa do thua lỗ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống việc làm, thu nhập của 11 vạn hộ nông dân trồng mía, 38 vạn người lao động và 10 vạn công nhân chế biến. Điều đáng nói là những vùng đất trồng mía sẽ khó tìm được cây trồng có hiệu quả hơn để thay thế, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế, thu nhập đời sống mà còn tác động không nhỏ đến vấn đề xã hội, an ninh trật tự ở nông thôn trong vùng.
Tuy nhiên, vấn đề cần đặt lên bàn cân là, VSSA và một DN sản xuất mía đường muốn “bảo vệ” ngành đường vì chính DN và khoảng 1 triệu người trồng mía, sản xuất và chế biến đường. Nhưng 93 triệu dân VN phải mua đường giá cao do chính sách bảo hộ lỗi thời mà DN và Hiệp hội Mía đường đang gắng sức bảo vệ thì nên lựa chọn phương án nào? Mặc dù chúng ta đang kêu gọi “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, nhưng liệu có công bằng với người tiêu dùng không khi phải mua hàng nội với giá đắt vô lý.
Cơ cấu lại theo hướng nào?
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, đã đến lúc ngành mía đường cần phải cơ cấu lại, nâng cao năng suất, đầu tư hiệu quả để giảm giá thành, cạnh tranh sòng phẳng. “Không phải tất cả các nhà máy mía đường đều bị lao đao, khó khăn như nhau. Có DN khó khăn nhiều, có DN khó khăn ít hơn. DN mía đường Thành Công cũng ít khó khăn hơn, DN này đã đầu tư trồng mía ở Lào và năng suất cao gấp 2 lần trong nước. Chính vì vậy, không thể vì một vài DN không thể cạnh tranh được mà chúng ta không thực hiện cam kết quốc tế” - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, “cả khâu đầu tư gieo trồng lẫn chế biến của ngành mía đường đều phải tái cơ cấu lại. Nếu chúng ta chế biến tốt, rỉ đường và bã mía có thể làm ra sản phẩm được để kinh doanh có lãi và hạ giá thành. Các nước khác đều làm như vậy và kinh doanh rất tốt. Nguyên do nhiều nhà máy mía đường thua lỗ là năng suất quá thấp, chỉ đạt 50 tấn/ha, trong khi Thành Công làm tại Lào lên đến 100 tấn/ha”.
Nhiều chuyên gia đều chung nhận định: Giống và công nghệ của chúng ta đang quá lạc hậu. Diện tích trồng mía của Thái Lan gấp 5 lần Việt Nam, nhưng sản lượng đường lại gấp 8 lần. Philippines có 450.000ha mía, mỗi vụ sản xuất được 2,5 triệu tấn đường; còn Việt Nam có 300.000ha mía, nhưng mỗi vụ chỉ sản xuất được khoảng 1,5 triệu tấn đường. Với năng suất thấp như vậy, chắc chắn giá thành của chúng ta không thể hạ. Vậy, chúng ta có nên tiếp tục bảo hộ?
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam đồng tình với ý kiến, không thể mãi “bảo hộ”, mà cần tái cơ cấu mạnh mẽ ngành mía đường hoạt động hiệu quả, phù hợp với xu thế hội nhập. Trước mắt cần tiếp tục xuất khẩu để giải quyết trên 40.000 tấn đường tạm nhập đang bị “kẹt” trong nước và đề nghị tạm thời tạm ngưng, tạm nhập mới vì lượng đường trong nước đang tồn đọng quá nhiều (đến tháng 1.2018 lượng đường tồn lên tới trên 280.000 tấn - PV).
Tuy nhiên, về lâu dài, để phát triển bền vững, ngành mía đường cần nỗ lực hội nhập, thực hiện các biện pháp để hạ giá thành sản phẩm, nâng năng lực cạnh tranh. Cần tập trung nâng cao năng suất mía và chữ đường trong cây mía.
Theo GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng trường ĐH Nam Cần Thơ - bên cạnh việc liên kết giữa các DN thì vấn đề mấu chốt hiện nay của ngành đường vẫn là phải kéo giá thành sản xuất cây mía xuống, bởi đây là khâu quan trọng nhất khiến giá thành đường trong nước cao hơn đối thủ cạnh tranh. Để làm được những điều trên cần có sự vào cuộc của cả nông dân, địa phương, chứ không chỉ có sự nỗ lực của nhà máy. Cần phải có những cánh đồng mía lớn.
Theo ông Phạm Quốc Doanh, cần thay đổi căn bản quy trình làm giống hiện nay. Hiệp hội sẽ phối hợp cùng Bộ NNPTNT để nhân giống mía. Các DN sẽ tập trung đầu tư hình thành trung tâm giống của họ. Như vậy mới có thể có lượng giống lớn với chất lượng tốt, chấm dứt tình trạng nông dân tự để giống để trồng. Phấn đấu đến năm 2020 giống mía được trồng là mía từ cơ sở sản xuất đưa ra.
Tại Hội nghị tổng kết 22 năm ngành mía đường VN vừa được tổ chức gần đây, Bộ NNPTNT cũng đưa ra định hướng và giải pháp phát triển mía đường đến năm 2030, chuyển mục tiêu tăng trưởng ngành mía đường theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững.
Ngoài việc giữ vùng nguyên liệu ổn định khoảng 300.000ha và được trồng tập trung, năng suất đạt 75-80 tấn ha; chữ đường bình quân đạt 12-13CCS…; các nhà máy sản xuất cần đảm bảo công suất thiết kế 230.000 tấn mía/ngày, cần sử dụng phế phụ phẩm, ổn định 32/41 nhà máy đường có công nghệ sản xuất điện sinh khối. Lượng bã mía được tái sử dụng để sản xuất điện khoảng 7 triệu tấn (chiếm 91% tổng khối lượng bã mía); sản lượng điện thương phẩm đạt khoảng 1.500-1.600 triệu kWh; trong đó sản lượng điện lên lưới đạt 300.000kWh.
Số lượng nhà máy đường được đầu tư công nghệ sản xuất cồn tăng lên 11/41 nhà máy, nâng tỉ lệ mật rỉ được sử dụng trong sản xuất cồn lên 29% (330 nghìn tấn). Ổn định 22/41 nhà máy đường đầu tư công nghệ sản xuất phân vi sinh từ bã bùn, nâng tỉ lệ bùn bã được tái sử dụng để sản xuất phân bón lên trên 66,8%, tương ứng 770.000 tấn; sản lượng phân hữu cơ vi sinh đạt khoảng 500.000 tấn…
Đi tìm lời giải cho bài toán mía đường Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản đang rất ổn định và tăng trưởng thì mía đường là một nghịch lý. Giá đường trên thị ... |
Sức ép Thái Lan và thế khó của mía đường Việt Nam Nếu Brazil như “anh cả” của ngành mía đường đứng đầu thế giới có chính sách hỗ trợ của nhà nước, công tác nghiên cứu giống mía ... |