Sau khi phát hiện biến thể phụ Omicron vào cuối tháng 12-2021, thời gian gần đây lại xuất hiện thêm biến thể phụ BA.2.74 và BA.2.75. Mặc dù Cục Y tế dự phòng liên tục đưa ra khuyến cáo về những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, và tuy biến thể này ít có thể gây tử vong như Delta nhưng sẽ gây ho, sốt, nhức đầu, sổ mũi, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động…
- Ứng phó với 4 biến thể phụ của Omicron làm tăng ca nhiễm COVID-19 tại Việt Nam
- Biến thể phụ BA.2.75 của Omicron có đáng lo ngại?
Tuy nhiên tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều người đang có tâm lý chủ quan, không đeo khẩu trang khi đi chợ, vào siêu thị, nơi đông người; khi có triệu chứng như ho, sổ mũi, viêm họng, nhức đầu, sốt nhẹ cũng chỉ tự đến nhà thuốc mua vài liều thuốc cảm uống qua loa chứ không đến cơ sở để được thăm khám, điều trị. Thậm chí rất nhiều người từ chối tiêm ngừa vaccine mũi 3, 4 vì cho rằng chỉ như bệnh cảm thông thường thì cần gì phải sợ, tiêm thêm vaccine chưa chắc đã tốt, có khi còn gây tác dụng phụ. Phóng viên ANTG có cuộc phỏng vấn bác sỹ Lê Hồng Nga – Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh xung quanh việc phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới...
- Bác sỹ cho biết tình trạng biến thể phụ Omicron lây lan trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh hiện nay?
Bác sỹ Lê Hồng Nga: Làn sóng dịch bệnh đang gia tăng tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, số ca mắc mới, số ca bệnh nặng và nhập viện cũng tăng lên. Ngày 15-8, Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu tăng cường công tác quản lý báo cáo trường hợp mắc COVID-19 sau khi xuất hiện biến thể phụ mới của biến chủng Omicron và ghi nhận sự gia tăng trở lại số ca mắc mới (trung bình khoảng 2.000 ca/ngày). Biến thể Omicron được phát hiện tại thành phố từ cuối tháng 12-2021 với các biến thể phụ gồm BA.1, BA.2, BA.2.12.1, BA.4 và BA.5. Trong 2 tháng đầu năm 2021, biến thể phụ BA.1 chiếm ưu thế. Từ tháng 3 đến giữa tháng 6, biến thể phụ BA.2 chiếm ưu thế. Từ giữa tháng 6 đến nay, biến thể phụ BA.5 chiếm ưu thế. Đến nay chưa phát hiện biến thể phụ BA.2.74 và BA.2.75 tại thành phố.
- Cơ chế lây lan của các loại biến thể phụ này như thế nào, thưa bác sỹ?
Bác sỹ Lê Hồng Nga: Mặc dù các nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy các biến thể mới phát hiện sau này có khả năng lây lan nhanh hơn các biến chủng cũ (như BA.5 lây lan nhanh hơn 12-13% so với các biến thể cũ và biến thể phụ của BA.2), nhưng cách thức lây lan của biến thể vẫn tương tự như các chủng SARS-CoV-2 trước đó, đó là lây qua đường hô hấp. Người lành bị nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh, hoặc tiếp xúc với giọt bắn nhỏ có chứa virus (dịch tiết từ miệng, mũi) của người bệnh.
- Các loại biến thể phụ này tác động lên người bệnh như thế nào?
Bác sỹ Lê Hồng Nga: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), biến thể mới Omicron BA.4 và BA.5 được ghi nhận đầu tiên ở Nam Phi vào tháng 1- 2022 và nhanh chóng phát hiện thêm ở các nước khác trên thế giới ngay sau đó. Đầu tháng 7-2022, Ấn Độ ghi nhận biến chủng mới là BA.2.75, sau đó tiếp tục có thêm báo cáo về sự xuất hiện của biến chủng này ở các nước khác với số ca mắc COVID-19 tăng cao.
Các nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy BA.5 lây lan nhanh hơn 12-13% so với các biến thể cũ và biến thể phụ của BA.2. Úc cũng ghi nhận số ca tăng cao phù hợp với thời điểm ghi nhận biến chủng mới tại nước này và thúc đẩy khả năng gây ra làn sóng dịch thứ 3. Tuy nhiên, bệnh cảnh lâm sàng nhẹ hơn, tương tự cảm cúm, nhưng cũng có một số nghiên cứu tại phòng thí nghiệm cho thấy BA.5, BA.4 có khả năng lây nhiễm sang các tế bào phổi cao hơn ở cổ họng so với biến thể phụ BA.2 trước đó của Omicron. Theo thống kê từ các bệnh nhân sau nhiễm biến chủng phụ BA.2.75, hầu hết các trường hợp không có triệu chứng rõ ràng; nếu có thì cũng gây ra bệnh cảnh như cảm cúm với triệu chứng thường gặp là đau họng (khô ngứa, đau, rát cổ họng), sốt nhẹ, sổ mũi, hắt xì, mệt mỏi nhẹ đến trung bình và đau đầu.
- Với những người có bệnh nền, các biến thể này có gây nguy hiểm hay không, thưa bác sỹ?
Bác sỹ Lê Hồng Nga: Đối với những trường hợp có bệnh nền, qua nghiên cứu các dữ liệu cho thấy Omicron có triệu chứng tương tự và có xu hướng gây bệnh nhẹ hơn so với nhiễm các biến thể COVID-19 trước đó, tuy nhiên một số người vẫn có thể mắc bệnh nặng, cần nhập viện và có thể tử vong do nhiễm biến thể này. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng còn phụ thuộc vào tình trạng tiêm chủng COVID-19, tình trạng sức khỏe, tuổi tác và tiền sử nhiễm trùng trước đó, bệnh nền của người đó. Trước các biến thể mới được ghi nhận có khả năng lây lan nhanh như Omicron, nhóm người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, phụ nữ mang thai vẫn thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao với mức độ bệnh tăng nặng và tử vong cao khi mắc COVID-19. Do đó cần chú trọng thực hiện việc cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà cho người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao cần tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn về tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà; cấp phát thuốc điều trị COVID-19 theo quy định.
Tuy nhiên, tôi cần nói thêm rằng, các biến thể phụ này có gây ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần và khả năng lao động của cộng đồng. Cụ thể, tháng 10-2021, WHO đã đưa định nghĩa mới về hội chứng COVID kéo dài, đây là tình trạng có thể xuất hiện sau đợt mắc COVID-19 cấp tính hoặc kéo dài từ khi F0 nhiễm bệnh đến lúc khỏi. Các triệu chứng cũng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian bao gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức, ngoài ra cũng có nhiều triệu chứng khác và thường ảnh hưởng hoạt động hàng ngày. Hội chứng COVID kéo dài có thể xuất hiện ngay cả với F0 bị bệnh nhẹ, không triệu chứng. Hiện tại chưa có bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra F0 do Omicron gặp phải các triệu chứng khác thường sau khi khỏi bệnh. TS. Anthony Fauci (chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ) khẳng định: ngay cả khi mắc COVID-19 nhẹ, người nhiễm Omicron vẫn có nguy cơ bị hậu COVID sau đó. Hậu COVID có thể xảy ra ở bất kỳ biến chủng virus nào. Không có bằng chứng về sự khác biệt giữa Delta, Beta hay Omicron.
- Bác sỹ có khuyến cáo gì với người dân?
Bác sỹ Lê Hồng Nga: Việc tiêm mũi vaccine nhắc lại là hết sức cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh khôi phục sinh hoạt, kinh tế. Trong khi đó các liều vaccine trước đây đang giảm dần số kháng thể nên liều nhắc lại sẽ tăng tính bảo vệ, tránh tình trạng bệnh tái phát. Tiêm vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu giúp cơ thể chống lại diễn tiến nặng của bệnh và giảm tử vong do Omicron gây ra. Đến nay, tỷ lệ nhập viện và tử vong do Omicron gây ra tương đối thấp là do đã có nhiều người được tiêm chủng. Tiêm chủng thúc đẩy phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus, không chỉ bảo vệ cơ thể khỏi các biến thể hiện đang lưu hành bao gồm cả Omicron, mà còn có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh nặng do các đột biến trong tương lai của COVID-19. Việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng lịch, đủ liều là rất quan trọng để đảm bảo phòng bệnh.
Thuyết phục, động viên người thuộc nhóm nguy cơ (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (đặc biệt mũi nhắc 1, 2), phụ nữ mang thai) trong gia đinh chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 khẩn trương tiêm chủng.
Trước tình hình dịch bệnh đã dần ổn định hiện nay và tạo điều kiện thuận lợi phục hồi kinh tế-xã hội, Bộ Y tế đã đề xuất thực hiện V2K (vaccine-khẩu trang-khử khuẩn) thay cho thông điệp 5K trước đây, tạm dừng việc khai báo y tế, không bắt buộc hạn chế tập trung đông người và giữ khoảng cách. Bộ Y tế cũng nêu rõ thông điệp 5K vẫn sẽ được sử dụng nếu xuất hiện biến chủng mới gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Tự theo dõi sức khỏe, nhận biết và phát hiện sớm các triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 (sốt, ho, đau họng, tức ngực, khó thở, mất vị giác hoặc khứu giác, mệt mỏi, ...) để lấy mẫu xét nghiệm và chăm sóc điều trị kịp thờ, tránh dẫn đến tình trạng bệnh trở nặng và tử vong.
Xin cảm ơn bác sỹ!