Ông Chờ nhấp vội chén nước chè sau bữa cơm trưa, rồi vác cuốc ra đồng làm đất. Hôm ấy, các cánh đồng đang đổ ải chuẩn bị cấy vụ chiêm.
sum vầy
Trong cái ảm đạm của chiều đông, thửa ruộng của gia đình chỉ có mình ông già cào đất chuẩn bị gieo mạ. Thi thoảng, ông ngừng tay, tựa cán cào cho đỡ mỏi lưng. Ở thửa ruộng khác có thêm mấy phụ nữ trung niên đang cuốc đất, be bờ. Trên đồng cò bay thẳng cánh của thôn Lộc Trạch 1, không thấy bóng dáng thanh niên.
Qua rằm tháng Chạp là vào mùa cấy. Ông lão sẽ dậy từ lúc 3h sáng để đi sấn mạ, chia ra các ruộng để thợ còn cấy cho đủ công. Ông đã 75 tuổi.
Ông không nhờ được ai, làng cũng không còn thanh niên để nhờ. Ông Chờ có năm người con, ba cô con gái lấy chồng trong Nam, hai anh con trai Xuân và Trường đều đi bán nước hoa quả ở Bangkok, Thái Lan.
Cánh đồng thôn Lộc Trạch 1 mấy năm nay đã không còn trồng ngô vụ đông, chỉ canh tác một năm hai vụ lúa. “Bọn trẻ đi hết rồi, làng chỉ còn người già với trẻ con, không đủ sức mà làm nhiều”. Ông bảo làng mà toàn nhà tranh, nếu có cháy thì chắc là cháy rụi vì chỉ có người già chữa.
Gần 300 thanh niên của làng Lộc Trạch 1 từ 18 đến 25 tuổi chọn đi “làm ăn xa” hoặc “Nam tiến”. Người đi gần thì ra Hà Nội làm thuê, Quảng Ninh làm mỏ, hoặc xa hơn là xuất khẩu lao động sang Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc. Cá biệt, là những người sang Thái Lan theo dạng du lịch, đứng bán nước hoa quả trên đường phố Bangkok. Mỗi tháng, họ xuất cảnh một lần rồi lại quay vào. Cảnh sát Thái cũng ra quân nhiều lần nhưng chưa dẹp được. Những cái vỉa hè đường phố Việt Nam tưởng đã đủ “nóng” mấy năm nay vì nhóm lao động di cư, bây giờ dân xứ này còn chạy sang cả nước ngoài lấn vỉa hè mưu sinh.
Trường chọn đi Thái, bởi “công việc đều đặn, không bị ai quản lý, ép buộc”. Trừ chi phí mỗi tháng, cậu để dành được 5 – 6 triệu gửi về nhà. Đổi lại là luôn trốn tránh sự truy quét của cơ quan chức năng nước sở tại.
Tháng 8/2015, cậu bị thương trong vụ đánh bom khủng bố ở Bangkok, dập gót chân trái, suy thị lực vì mảnh vỡ văng vào mắt, sức khỏe giảm sút chỉ còn 48 kg. Nhận số tiền hơn 40 triệu do tổ chức từ thiện bên Thái ủng hộ, Trường để dành mua thuốc và sắm một cái tivi xem cho đỡ buồn.
Hai năm ở nhà không có việc làm, Trường quay lại Bangkok tiếp tục bán nước. “Không làm gì ra tiền thì không còn lựa chọn nào khác”, Trường nói với tôi.
Trường nằm trong số 67,5% lao động di cư ở Bắc Trung Bộ biết rằng dù khó khăn vẫn quyết định sẽ đi. “Làng này cũng có nhiều người đi học. Nhưng những người đó đều ở lại thành phố lớn chứ không về quê”.
Những cuộc ra đi của người trẻ để lại khoảng trống ở các ngôi làng. Nơi đó, “chỉ còn người già, trẻ con và cán bộ xã”. Người cao tuổi như ông Chờ lại trở thành lao động chính ở làng quê. Và những cánh đồng trù phú nuôi sống người nông dân bao đời, giờ chỉ canh tác “để đủ gạo ăn”.
Đi từ trung du phía Bắc đến duyên hải Bắc Trung Bộ, không khó để gặp những ngôi làng tương tự như Lộc Trạch 1. Đó là Đức Bác nằm ven sông Lô, Đồng Lương ven sông Hồng – nơi mà chúng tôi từng đặt tên là “Những ngôi làng nơi thời gian ngừng trôi”.
Vợ chồng ông Chờ nuôi hai đứa cháu nội học lớp 9 và lớp 4, con của anh Xuân. Hai đứa trẻ ở trong ngôi nhà ba tầng hoành tráng nhất ngõ. Bố mẹ chúng vay mượn, xây xong hai năm trước đến giờ vẫn chưa kịp sơn.
Thi thoảng gọi điện cho 5 đứa con, ông Chờ cứ bật loa cái điện thoại cùi bắp để vợ chồng cùng nghe tiếng con cháu. “Tết này, vợ chồng con cái có về không?” – ông thường rụt rè hỏi trước khi kết thúc cuộc trò chuyện những ngày cuối năm.
Mùa Tết đến, ở nhiều nơi, trong các chiến dịch quảng cáo hay truyền thông, bạn sẽ thấy mấy từ khóa “sum vầy”, “đoàn tụ”,… hay tôn vinh các giá trị của sự quần tụ gia đình. Nhưng nếu đi sâu vào những ngôi làng nơi thời gian ngừng trôi như thế này, bạn sẽ nhận ra: vấn đề của những cuộc sum vầy, không chỉ nằm ở tâm lý, ở mong muốn của con người. Những làng quê quạnh quẽ, người già trong căn nhà lạnh, là một phần của bức tranh kinh tế xã hội đặc thù tại Bắc Trung Bộ, Trung Bộ và BĐSCL. Không có việc làm, họ phải đi rất xa, thậm chí rời xứ, thậm chí phải quay trở lại chính cái nơi mình suýt chết vì bom.
Đây là những ngày mà người ta bàn nhiều về văn hóa, nhưng cũng là dịp để nhìn nhận lại bức tranh đầu tư chênh lệch giữa nông thôn-thành thị, và đặt câu hỏi: những cuộc ra đi đó sẽ tiếp diễn đến bao giờ? Những cánh đồng ở Lộc Trạch 1, Đồng Lương, Đức Bác sắp “chết” mà không có tương lai nào chờ đợi.
Bà Cúc, vợ ông Chờ thì chỉ mong ba cô con gái dẫn chồng con về, kẻo gặp ngoài đường bà không nhận ra mặt mũi. Ba anh con rể ở ba nơi: Tây Ninh, Cần Thơ và Bến Tre. Ông bà thấy mặt con rể duy nhất một lần từ hồi đám cưới được tổ chức ở tận miền Nam. Ông Chờ thì nghe nói Tết người ta đi du lịch nhiều, buôn bán mới được. “Không biết vợ chồng thằng Xuân ở bên đó thế nào?”.
Tên ông là Chờ, nhưng ông cũng không biết mình đang chờ đợi điều gì. Ông không biết những đứa con ly hương có về quê ăn Tết không, dù mong ước ấy mỗi năm chỉ vỏn vẹn một lần.
Đến tết ta lại bàn chuyện nên ăn tết tây Cứ đến dịp cuối năm, khi sắp đến tết truyền thống của người Việt, nhiều người lại lôi chuyện nên hay không nên ăn tết ... |
Giá trị nào cho Tết Tháng Chạp tới, cũng là lúc người ta bắt đầu chuẩn bị vé tàu xe, máy bay, chuẩn bị các đích đến và kế hoạch ... |