Chưa đầy 5 năm, tính từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, người dân tại quận 3 TP.HCM đã hiến gần 9.400m2 đất vàng tương ứng gần 445 tỷ đồng mở rộng 34 con hẻm

 

 

Gần 9.400m2 đất được đóng góp từ 1.172 hộ dân quận 3. Đây là một trong những quận có giá nhà đắt đỏ nhất ở TP.HCM thuộc loại “tấc đất tấc vàng”, có những nơi ghi nhận mỗi m2 giá từ 130-150 triệu.

Đi dọc nhiều con hẻm tại quận 3 những ngày này nhiều xe chở đất, cát ra vào tấp nập. Nhiều hộ gia đình đang sốt sắng khoan gạch, cắt bêtông, dời hàng rào để giao mặt bằng cho lực lượng thi công. 

Người dân hẻm 62 đường Lý Chính Thắng, quận 3 sẵn sàng hiến đất mở rộng hẻm (Ảnh: Thanh Tùng).

Góp đất mở rộng hẻm không đơn giản là lấy một ít đất thừa không dùng đến mà nhường vài mét đất đồng nghĩa với việc bớt đi khoảng sân, chỗ để xe… hay đập bỏ cả toilet của gia đình.

Chỉ cho chúng tôi phần đất gia đình đã hiến để mở rộng hẻm cách đây 2 năm, bà Nguyễn Xuân Thái (nhà số 47/1 đường Nguyễn Hiền) cho biết, gia đình bà sẵn sàng hiến tới 14m2 đất, đập bỏ 1 toilet và 1 phần diện tích bên hông nhà cùng bà con mở rộng hẻm.

Bà Thái là Bí thư Chi bộ Khu phố 5, vì kết cấu căn nhà khá đặc biệt lại nằm ngay đầu hẻm nên bà Thái đã quyết định hiến một phần lớn diện tích để làm gương cho các hộ dân khác.

“Tôi đi vận động người ta mở hẻm mà nhà mình không tự tháo dỡ, không làm gương thì nói ai nghe. Mình tự tay đập bỏ trước rồi người dân trong hẻm cứ thế làm theo. Mưa dầm thấm lâu, dần dà mọi người cũng thuận” – bà Thái chia sẻ. 

Dù mất đi phần lớn diện tích nhưng bà Thái cũng như hàng nghìn hộ dân khác vẫn vui vẻ vì thấy được nhiều hơn mất.

“Tấc đất, tấc vàng mất đất là mất của nhưng nhà lại có giá hơn, lưu thông thuận tiện hơn, cứu hỏa hay người dân có ai bị làm sao thì còn kịp thời đưa đến bệnh viện được chỉ cần bớt nghĩ cho mình một chút” - bà Thái nói.

Hay gia đình bà Phạm Thị Mùi (nhà số 443/41 đường Điện Biên Phủ, phường 3, quận 3) chỉ khoảng 11m2 nhưng đợt này gia đình sẵn sàng hiến khoảng sân khoảng 1,9m2.

Ông Bùi Công Khanh chủ căn nhà số 124/9 cho biết, ngay từ khi nghe chính quyền vận động mở hẻm là vợ chồng ông đồng ý ngay. Nhà ông Khanh là một trong những căn đầu hẻm nên phải làm gương tự tháo dỡ trước với diện tích hiến khoảng 1,2m2.Có mặt tại con hẻm số 124 đường Nguyễn Hiền (phường 4, Quận 3), công tác tháo dỡ nhà để mở hẻm đang diễn ra sôi nổi. Ở đây, người dân tự nguyện bỏ tiền túi tháo dỡ chứ không đợi chính quyền hỗ trợ.

Hẻm 124 sát bên hẻm 47 đường Nguyễn Hiền đã được mở rộng cách đây 2 năm. Nhìn thấy hẻm kế bên được mở rộng thông thoáng, người dân đi lại thuận tiện và giá nhà đất cũng tăng lên gấp đôi nên người dân tại hai con hẻm 124 và 134 đều sốt ruột muốn được mở sớm.

Các hộ dân tại hẻm 275 Nguyễn Đình Chiểu - phường 5 hoàn thiện xong công tác phá dỡ và giao lại đất cho đơn vị thi công (Ảnh: Thanh Tùng).

Người dân không chỉ góp đất mà còn góp tiền để giúp chính những người dân trong hẻm chia sẻ việc sửa sang lại nhà cửa. Cô Hòa – đại diện hộ dân sống tại hẻm 62 Lý Chính Thắng, phường 8 tâm sự: Tổng số tiền sửa nhà cô cũng phải hơn 20 triệu, trong khi đó, nguồn sống chính của cô là từ tiệm tạp hóa nhỏ nên cô cũng chưa biết làm cách nào để xoay sở. 

“Phường hứa hỗ trợ hơn 10 triệu, phần còn thiếu chú Trung – hàng xóm cạnh nhà sẽ dành phần tiền hỗ trợ của chú thêm vào cho gia đình cô như vậy là đủ rồi mừng lắm vì hẻm được mở rộng” – cô Hoà vui vẻ nói.

Nhường lại phần hỗ trợ của nhà nước cho gia đình cô Hoà, chú Trung chia sẻ: “Nhà cô Hòa cũng là láng giềng với chú mấy chục năm nay, thấy gia đình cô Hòa khó khăn, kinh phí để sửa sang lại nhà cũng eo hẹp, tình làng nghĩa xóm chú giúp một phần nhỏ để làm cho nhanh”.

Thực tế, chuyện người dân cắt nhà mở hẻm ở TP.HCM đã diễn ra từ 10 năm trước, bắt đầu từ quận Phú Nhuận. Và giờ đây câu chuyện được quan tâm nhiều hơn khi giữa thời “tấc đất tấc vàng”, giữa trung tâm thành phố cứ mỗi mét vuông có giá từ 100 đến 150 triệu đồng cả nghìn hộ dân vẫn sẵn sàng hiến tặng hàng nghìn mét vuông có giá hàng trăm tỷ đồng.

Theo UBND quận 3, tính từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 tới nay, trên địa bàn quận đã có 34 tuyến hẻm được mở rộng, tổng diện tích đất được mở rộng là gần 9.400m2, tương ứng với số tiền là 445 tỷ đồng với 1.172 hộ dân cùng tham gia thực hiện.

Ở TP.HCM có một ngày hội - “Ngày hội hiến đất mở hẻm” với nghĩa cử đẹp của người dân (Ảnh: Thanh Tùng).

Trao đổi với

VietNamNet

, ông Lê Minh Tuấn Anh – Chủ tịch UBND phường 4, Quận 3 cho biết, quá trình vận động người dân cùng hiến đất mở hẻm là rất khó khăn.

 

“Ở một hai cuộc vận động đầu tiên, người dân đa số không đồng thuận. Một mặt họ tiếc đất, nhiều hộ gia đình diện tích vốn nhỏ nên không muốn mất thêm. Mặt khác người dân ngại dành thời gian để tu sửa nên nhiều lần từ chối tham gia các cuộc vận động từ phường. Cán bộ không nản sau dân cũng đồng thuận” – ông Tuấn Anh nói.

Theo vị này, với những hộ dân không đồng ý, phường không cưỡng chế mà để nguyên hiện trạng và chờ đợi đến khi nào những hộ dân này sửa sang nhà hoặc xây mới sẽ khuyên họ tự lùi vào. Với những hộ dân đồng ý hiến đất nhưng kinh tế khó khăn, UBND phường sẽ xin chi phí từ các mạnh thường quân trong khu vực để giúp đỡ, mỗi người 10-15 triệu mà tạo ra được thành quả lớn.

“Sau khi nhiều con hẻm được mở rộng thì hiện nay công tác vận động không còn khó khăn như trước. Người dân đã bắt đầu hiểu được giá trị, lợi ích của việc mở hẻm nên rất hợp tác” – ông Tuấn Anh chia sẻ.

Ông Nguyễn Thái Long Hải - Phó Chủ tịch UBND phường 7, quận 3, cho hay kế hoạch mở rộng hẻm là chủ trương của quận 3 từ rất lâu. Phường đã nhiều lần tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Vị lãnh đạo cũng cho biết, khi hẻm được mở rộng, phường sẽ làm lại hệ thống cống, đường điện, cáp viễn thông trên cao được thay bằng hệ thống điện dân lập được ngầm hóa để đảm bảo an toàn hơn cho cuộc sống người dân.

Trong ngày đầu tháng 9 vừa qua, người dân thuộc 8 phường ở quận 3, TP.HCM đã cùng tham gia “Ngày hội nhân dân hiến đất mở rộng hẻm”. Sau hơn 10 năm, đi đầu từ quận Phú Nhuận ở TP.HCM có một ngày hội - “Ngày hội hiến đất mở hẻm” với nghĩa cử đẹp của người dân. 

Chuyện người dân hiến đất riêng không chỉ dừng ở chuyện mở rộng hẻm ở TP.HCM, đã có nhiều người dân hiến đất xây trường học, mở trường nuôi dạy trẻ mồ côi, mở rộng đường sá… sẵn sàng chung tay đóng góp cho công việc chung và cộng đồng.

Di dời nhà máy Rạng Đông: Đất vàng dùng để làm gì?
4 lô đất "vàng" đem đấu giá có vị trí đắc địa thế nào ở đô thị Thủ Thiêm?
TP.HCM sẽ đấu giá 4/15 lô đất "vàng" ở Thủ Thiêm

/ vietnamnet.vn