Những biến động liên tục đã khiến hàng triệu người Mỹ phải trải qua thời kỳ lạm phát dường như chưa từng xảy ra trước đây, khi giá cả tăng, tăng và tăng.

Người tiêu dùng Mỹ đang bị ảnh hưởng từ mọi phía: Những hạn chế của chuỗi cung ứng và nhu cầu cao đồng nghĩa với việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bị trì hoãn và chi phí gia tăng. Giá khí đốt tăng vọt do xung đột Nga-Ukraine càng khiến tình hình khó khăn hơn.

Theo báo cáo của Đại học Michigan hôm 11/3, cảm nhận của người tiêu dùng Mỹ về nền kinh tế đang trở nên tiêu cực nhiều hơn dự kiến. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng giảm xuống 59,7 điểm, mức thấp nhất kể từ năm 2011. Nhà kinh tế thị trường tiền tệ Thomas Simons cho biết: “Chỉ số tâm lý này có tương quan nghịch với lạm phát, và do đó, sự sụt giảm trong vài tháng qua phản ánh những tính toán với lạm phát tích lũy của năm ngoái”.

Khủng hoảng lạm phát ở Mỹ đã đến mức nào? - 1

Người tiêu dùng Mỹ đang bị ảnh hưởng từ mọi phía. (Ảnh minh họa: CNBC)

Lạm phát cao nhất trong 40 năm

Chỉ số tăng trưởng giá tiêu dùng của Mỹ đã đạt 8% vào tháng 2, trước khi giá năng lượng tăng vọt, gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang (FED) về việc phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thêm 0,8% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2, sau mức tăng 0,6% hàng tháng trong giai đoạn trước đó.

So với năm 2021, giá cả ở Mỹ đã tăng 7,9%, mức tăng hàng năm nhanh nhất kể từ tháng 1/1982. Dù bỏ sang một bên các mặt hàng dễ biến động giá như thực phẩm và năng lượng, CPI “cốt lõi” cũng tăng 6,4% trong giai đoạn đó, tương đương 0,5% từng tháng.

Việc Mỹ và các đồng minh phương Tây công bố trừng phạt Nga, bao gồm lệnh cấm của Mỹ đối với nhập khẩu năng lượng của Nga, đã khiến thị trường năng lượng toàn cầu sôi sục, giá xăng và dầu tăng vọt. Giá lúa mì, niken và các mặt hàng khác cũng tăng vọt.

Theo BLS, ngay cả trước khi xảy ra chiến sự này, mức tăng 6,6% giá xăng đã chiếm gần một phần ba mức tăng CPI hàng tháng ở Mỹ. Giá năng lượng hiện cao hơn khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó giá thực phẩm tăng cao nhất kể từ tháng 4/2020. BLS cho biết hơn 40% mức tăng hàng tháng của CPI cốt lõi là do chi phí nhà ở tăng 0,5%, tiền thuê nhà tăng 0,6% và chi phí khách sạn tăng 2,2%.

Cuộc chiến ở Ukraine dự kiến ​​sẽ đẩy lạm phát tổng thể lên cao hơn nữa. Các nhà kinh tế lo ngại rằng một cuộc khủng hoảng kéo dài không chỉ làm giảm tốc độ tăng trưởng mà còn kéo theo áp lực lạm phát vốn đã bắt đầu bén rễ trên toàn bộ nền kinh tế Mỹ.

Khủng hoảng lạm phát ở Mỹ đã đến mức nào? - 2

Lạm phát ở Mỹ tăng cao nhất sau 40 năm. (Nguồn: Financial Times)

Giá tăng, tăng và tăng

Mỹ là nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng trong hai năm qua, nền kinh tế này đã phải đối mặt với những thách thức lớn nhất của thế hệ. Co lại quá nhanh, phồng lên quá nhanh. Những biến động liên tục đã khiến hàng triệu người Mỹ phải trải qua thời kỳ lạm phát dường như chưa từng xảy ra trước đây, khi giá cả tăng, tăng và tăng.

Tháng 2/2020, kinh tế Mỹ dường như vẫn đang “khỏe mạnh” bình thường. Tỷ lệ thất nghiệp thấp. Thị trường chứng khoán xanh.

Rồi COVID-19 ập đến. Hàng triệu người thất nghiệp. Các công ty đóng cửa. Đứng trước nguy cơ nền kinh tế suy sụp hoàn toàn, chính phủ Mỹ triển khai các biện pháp hỗ trợ.

Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt đầu bơm tiền vào. Nhà Trắng và Quốc hội đưa ra các kế hoạch trị giá hàng nghìn tỷ USD để giúp đỡ các gia đình và công ty. Doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại và thuê người làm.

Đầu năm 2021, các biện pháp hỗ trợ dường như đang đưa mọi thứ trở lại quỹ đạo. Hàng triệu người Mỹ trong khi đó cũng được tiêm vaccine và cảm thấy an toàn hơn. Trẻ em lại tới trường. Các giải đấu thể thao mở lại. Những ngày đáng sợ nhất dường như đang ở lại phía sau.

Nhưng nền kinh tế thì vẫn chưa trở lại bình thường. Trái lại, sau thời kỳ suýt xẹp, “quả bóng” kinh tế Mỹ lúc này lại phồng lên quá nhanh. Người dân chi tiêu ngày càng nhiều hơn, mua nội thất, ô tô, nhà và hàng hóa. Điều này khiến mọi thứ trở nên đắt đỏ hơn. Khó kịp cung cấp cho tất cả mọi người hàng hóa cùng một lúc. Nên giá lại tăng nhiều hơn.

Thông thường, khi giá tăng, sức mua sẽ giảm. Nhưng lần này, điều kì lạ đã xảy ra. Giá càng tăng, mọi người lại càng mua nhiều hơn. Nhiều hơn. Nhiều hơn nữa. Đẩy giá càng tăng cao. Tăng cao hơn nữa.

Khủng hoảng lạm phát ở Mỹ đã đến mức nào? - 3

Đưa "quả bóng" trở lại mặt đất

FED đang cố gắng để kiểm soát tình trạng lạm phát này, bắt đầu tăng lãi suất, giảm sức nóng để giúp đưa nền kinh tế trở lại mặt đất.

Nhưng mọi thứ không đơn giản như vậy. Việc Nga triển khai chiến dịch quân sự vào Ukraine tạo nên một khủng hoảng hoàn toàn mới khiến giá cả thậm chí còn cao hơn nữa.

Căng thẳng địa chính trị được cho là sẽ không thể khiến FED đi chệch hướng so với các kế hoạch ban đầu, khi các nhà giao dịch vẫn tranh cãi ít nhất sáu lần về việc tăng lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, xung đột có thể làm phức tạp thêm con đường triển khai các chính sách tiền tệ này.

Ông Jerome Powell, chủ tịch FED cho biết, việc tăng lãi suất nửa điểm không được sử dụng trong hơn hai thập kỷ qua, đã là một phương án có sẵn trong một vài cuộc thảo luận.

Brian Smedley, nhà kinh tế trưởng tại Guggenheim Partners, hy vọng FED sẽ tiến hành các chính sách một cách thận trọng. Tuy nhiên, phải vật lộn với một “cú sốc nguồn cung hàng hóa khổng lồ” có khả năng tiếp tục thúc đẩy lạm phát, ông nói.

Nhìn chung, chưa chắc chắn nền kinh tế Mỹ có thể đi theo hướng nào.

Tăng lãi suất sẽ làm chậm lạm phát. Nhưng đây là thời kỳ có nhiều bất thường - một cuộc chiến đang diễn ra ở châu Âu, virus khiến đại dịch tiếp tục kéo dài. Nếu FED tăng lãi suất quá nhiều, điều đó có thể gây hại cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng nếu tăng không đủ, lạm phát có thể đẩy giá lên mức cao mới, gây ra áp lực rất lớn đối với các gia đình đang phải vật lộn để trả các hóa đơn.

Trong diễn biến mới nhất, FED quyết định tăng lãi suất liên bang thêm 0,25 điểm phần trăm, dự báo lãi suất liên bang sẽ chạm mức 1,75-2% vào cuối năm nay.

/ vtc.vn