Sau gần 77 năm tồn tại, dường như các mục tiêu mà Liên hợp quốc đặt ra về một trật tự dựa trên luật lệ vẫn còn rất xa vời, đặc biệt sau khủng hoảng Nga – Ukraine.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới cùng phát triển như hiện nay thì với những gì đang diễn ra trong cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine nhiều người bất ngờ, dấy lên câu hỏi: Vai trò của luật pháp ở đâu trong trường hợp này?

Thách thức cho cộng đồng quốc tế

Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện nay một lần nữa đặt ra những thách thức cho cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy thực thi hiệu quả pháp luật quốc tế, để làm sao trật tự quốc tế dựa trên luật lệ được chấp nhận rộng rãi và các nước lớn, nhỏ khác nhau đều phải tuân thủ.

Khủng hoảng Nga – Ukraine: Trật tự thế giới dựa trên luật pháp còn xa vời - 1
Chiến sự của Nga tại Ukraine đặt ra những thách thức đối với quá trình thực thi luật lệ quốc tế.

Sự ra đời của Liên hợp quốc năm 1945 đem lại những hy vọng về một thế giới dựa trên luật lệ. Theo tôn chỉ - mục đích, tổ chức đa phương này hướng đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển những quan hệ hữu nghị giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng, dân tộc tự quyết…

Trong đó, Hiến chương Liên hợp quốc được xem là một văn kiện mang tính cách mạng, bao gồm một số nguyên tắc cơ bản của trật tự pháp lý quốc tế thời hậu chiến. Trước hết, Hiến chương Liên hợp quốc quy định, theo luật pháp quốc tế, tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều bình đẳng về chủ quyền. Điều này có nghĩa là, về mặt pháp lý, tất cả các quốc gia đều bình đẳng và được hưởng các quyền như nhau. Đại hội đồng Liên hợp quốc được xem là ví dụ về sự bình đẳng của các nước khi mỗi quốc gia thành viên có một phiếu bầu.

Bên cạnh đó, Hiến chương Liên hợp quốc cũng đặt ra nghĩa vụ đối với tất cả các quốc gia thành viên phải giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình. Trên thực tế, vũ lực chỉ có thể được sử dụng trong trường hợp tự vệ để chống lại một cuộc tấn công vũ trang từ bên ngoài nhằm vào quốc gia đó.

Ngoài ra, Hiến chương Liên hợp quốc đặt ra nghĩa vụ đối với tất cả các quốc gia thành viên không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào.

Tôn chỉ, mục đích và kỳ vọng là vậy, song sau gần 77 năm tồn tại, dường như các mục tiêu mà Liên hợp quốc đặt ra về một trật tự dựa trên luật lệ vẫn còn rất xa vời.

Có thể thấy, ngay chính trong cơ cấu tổ chức Liên hợp quốc từ ban đầu đã không cho thấy sự hợp lý, tổ chức này phản ánh sự dàn xếp quyền lực giữa các cường quốc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc). Đây là cơ quan chấp hành có thực quyền nhất của Liên hợp quốc và đảm nhiệm trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Theo đó, chỉ các quyết định của Hội đồng Bảo an mới có tính cưỡng chế thực hiện. Các nghị quyết tại các cơ quan chính khác của Liên hợp quốc như Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Hội đồng Quản thác, và cả Toà án Quốc tế chỉ có tính khuyến nghị, đạo lý và tạo sức ép dư luận.

Tuy nhiên, quyền phủ quyết (veto) của 5 cường quốc Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc khi thông qua các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Bảo an khiến cho việc đưa ra quyết định không còn mang tính khách quan. Chiến sự mà Nga đang thực thi tại Ukraine hiện nay là một ví dụ, khi Moskva với quyền veto của mình liên tục bác các nghị quyết của Hội đồng Bảo an do các quốc gia khác đề xuất.

Chính Nga đã dùng quyền phủ quyết để chặn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do nhóm các nước phương Tây lên án hoạt động quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine. Theo đó, tại cuộc bỏ phiếu hôm 25/2, có 11 nước thành viên ủng hộ, 1 phiếu chống và 3 phiếu trắng. Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng cùng với Ấn Độ và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Trong ngày cuối cùng của phiên họp đặc biệt về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 2/3 đã thông qua nghị quyết kêu gọi Nga ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine. Nghị quyết nhận được 141 phiếu thuận trong tổng số 193 nước thành viên Liên hợp quốc, đạt tỷ lệ đồng thuận 73%. Trung Quốc là một trong 35 quốc gia bỏ phiếu trắng và 5 nước bỏ phiếu chống gồm Eritrea, Triều Tiên, Syria, Belarus và Nga.

Khủng hoảng Nga – Ukraine: Trật tự thế giới dựa trên luật pháp còn xa vời - 2
Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 2/3 đã thông qua nghị quyết kêu gọi Nga ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine.

Trong thế giới dựa trên luật lệ, chủ thể trong quan hệ quốc tế mà cụ thể là các quốc gia sẽ thực hiện các hành động phù hợp với quy tắc và chuẩn mực chung. Những quy tắc và chuẩn mực này được thông qua với sự đồng thuận và hoàn toàn tự nguyện từ các nước. Bên cạnh đó, mục đích hình thành một trật tự dựa trên luật lệ hướng đến các lợi ích của thế giới đại đồng, trong đó các quốc gia liên kết hợp tác chặt chẽ, kết nối đảm bảo an ninh, ổn định và hòa bình.

Tiền lệ nguy hiểm

Tuy nhiên, điều này dường như chỉ mang tính lý thuyết bởi trên thực tế, xét trên phạm vi thế giới, nhiều quốc gia vẫn hành xử theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, phớt lờ mọi quy tắc, chuẩn mực quốc tế để đạt được mục tiêu của mình. Điều này tạo ra những tiền lệ nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ.

Việc xây dựng trật tự dựa trên luật lệ vốn đã khó khăn thì quá trình vận hành cơ chế thực thi pháp luật hiệu quả lại càng khó. Đây là điểm trừ trong hệ thống pháp luật quốc tế hiện nay, nếu như không muốn nói là không thể bởi ngay chính các quốc gia là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an như Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc hay Mỹ cũng đã nhiều lần vi phạm pháp luật quốc tế. Vấn đề ở đây có lẽ nằm ở chế tài chưa đủ mạnh để răn đe, trừng phạt các chủ thể không “làm theo luật”.

Đây là những quốc gia có tiềm lực về kinh tế, quân sự và đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình, đảm bảo an ninh, cũng như bảo vệ trật tự pháp luật quốc tế. Do đó, việc thực thi pháp luật quốc tế là không dễ, nhất là khi các các nước cường quốc lại có những động cơ, toan tính lợi ích riêng.

Trước sự việc Nga tấn công Ukraine, các nước cũng chỉ dừng lại ở các biện pháp lên án về mặt ngoại giao, tung các đòn trừng phạt kinh tế vốn ít có tính hiệu quả mà không có những biện pháp đủ mạnh để bảo vệ tính đúng đắn của luật pháp quốc tế.

Những sự kiện trong lịch sử cho thấy, Mỹ là quốc gia luôn lớn tiếng hô hào sự ủng hộ mạnh mẽ đối với một trật tự dựa trên luật lệ song lại thường theo đuổi cách hành xử của theo kiểu “kẻ mạnh”, đơn phương thực hiện các hành vi đi ngược lại với luật pháp quốc tế.

Đáng chú ý, trong quá khứ, với nhiều lý do khác nhau để biện minh cho quyết định động binh của mình, Mỹ can thiệp quân sự vào Nam Tư (năm 1999), Afghanistan (năm 2001) và Iraq ( năm 2003) dù không có sự đồng ý của Liên hợp quốc. Điều này tạo nên những tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế, phá vỡ những quy tắc, chuẩn mực quốc tế mà các quốc gia yêu chuộng hòa bình dày công xây dựng.

Khủng hoảng Nga – Ukraine: Trật tự thế giới dựa trên luật pháp còn xa vời - 3
Đàm phán ngoại giao được xem là giải pháp tốt nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện nay. (Ảnh: AP)

Còn đối với Trung Quốc, nước này cũng đã phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ở La Hay về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông vào năm 2016. Phán quyết của tòa PCA được xem là cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý đối với các bên tranh chấp theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các bên liên quan cần phải tuân thủ phán quyết.

Rõ ràng, việc Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết của tòa PCA là đi ngược lại nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS và làm suy yếu pháp quyền như một giá trị cơ bản của cộng đồng quốc tế. Đây chính là minh chứng rõ ràng cho sự thiếu hiệu quả của cơ chế thực thi luật quốc tế hiện tại.

Quay lại trường hợp Nga - Ukraine, cả hai phía đều đưa ra những lập luận để bảo vệ cho hành động của mình. Dư luận có nhiều luồng ý kiến ủng hộ Nga, nhiều ý kiến ủng hộ Ukraine và bên cạnh đó là quan điểm của các quốc gia phương Tây. Thế nhưng, nếu xét theo luật pháp quốc tế thì hành động một nước sử dụng vũ lực tấn công một quốc gia có chủ quyền là không phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Theo Tommy Koh - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore, Nga không có lời giải thích hợp lý nào cho chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Ông cho rằng, nguyên tắc không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế và nguyên tắc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của các quốc gia đã không được áp dụng trong trường hợp này.

Ông Tommy Koh cho rằng, Nga đã không tuân thủ Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 về đảm bảo an ninh. Theo đó, Ukraine, Belarus và Kazakhstan đã đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đổi lại, Nga, Mỹ và Anh đảm bảo bảo vệ ba quốc gia trên khỏi bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự toàn vẹn lãnh thổ.

Theo chuyên gia Tommy Koh, vai trò của luật pháp quốc tế trên toàn thế giới ngày càng được đề cao từ khi Liên hợp quốc ra đời. Hầu hết các quốc gia, kể cả các nước lớn và quyền lực cũng thừa nhận rằng, việc tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật là vì lợi ích quốc gia lâu dài của chính họ. Do đó, những hành động đi ngược lại với luật lệ quốc tế là đáng lên án, tạo ra tiền lệ nguy hiểm.

Ngoài ra, ông Tommy Koh cũng cho rằng, tranh chấp giữa Nga và Ukraine nên được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. Thế giới từng bước củng cố văn hóa chung trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình, làm giảm xu hướng sử dụng vũ lực của các nước lớn khi xảy ra tranh chấp quốc tế.

Phản ứng trước các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa quân trở lại Nga và ngăn chặn "những gì có thể là cuộc chiến tranh tồi tệ nhất kể từ đầu thế kỷ". Ông kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ở Ukraine. Theo ông Guterres, điều này sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán chính trị nghiêm túc hướng tới một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine trên cơ sở các quy tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.

/ vtc.vn