Giá cà phê Robusta tiếp tục tăng đạt mốc cao nhất trong mọi thời đại. Hiện nay chưa có thông tin nào có thể khiến cho giá cà phê trong nước và thế giới dừng lại
- Giá cà phê tăng cao kỷ lục, đạt 124.000 đồng/kg
- Vì sao giá cà phê tăng điên cuồng, cao nhất lịch sử?
Kết phiên giao dịch ngày 25/4, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London tiếp tục tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 tăng 38 USD, giao dịch tại 4.304 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 9/2024 tăng 34 USD giao dịch tại 4.2 15USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York tăng, kỳ hạn giao hàng tháng 7/2024 tăng 2,20 Cent, giao dịch tại 228,10 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 9/2024 tăng 2,05 Cent, giao dịch tại 226,3 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình thấp.
Giá cà phê trong nước tiếp tục tăng rất cao vượt qua ngưỡng chưa từng có 132.000 đồng/kg. Căng thẳng nguồn cung vẫn đang diễn ra khi trên thế giới giai đoạn này chỉ có Việt Nam thu hoạch. Indonesia thu hoạch khoảng tháng 4-5, còn Brazil thu hoạch vào tầm tháng 7. Trong khi sản lượng tồn kho của Việt Nam rất thấp, chỉ bằng 50% so với những năm trước đó. Sản lượng của niên vụ 2023 - 2024 cũng ước tính giảm 10% so với niên vụ trước.
Đà tăng của cà phê Robusta khiến sàn London liên tục phá vỡ mọi kỷ lục vừa đạt được trước đó. Giới chuyên gia nhận định, thị trường Robusta dường như đã miễn nhiễm hoàn toàn với các thông tin kỹ thuật, có lẽ phải chờ phản ứng quyết định của vụ thu mới của Indonesia và Brazil để xem sẽ tác động tới thị trường như thế nào.
Tác động của hình thái thời tiết El Nino năm ngoái kéo dài qua đến đầu năm 2024 đang mang lại những hậu quả nặng nề cho cây trồng, đặc biệt là cây cà phê thường cần rất nhiều nước. Cà phê phải đang chống chọi với nạn hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm qua tại Việt Nam. Trong khi đó, một số nước trồng khác như Indonesia thời gian qua đã có lượng mưa quá nhiều, được dự báo có thể gây cản trở cho vụ thu hoạch 2024 sắp tới. Thời tiết cũng khiến sản lượng cà phê Robusta của Brazil có thể giảm 5-10% trong vụ tới.
Tình trạng căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi cũng khiến thị trường lo lắng muốn tăng dự trữ cà phê để dự phòng các rủi ro về vận chuyển. Thêm vào đó, thị trường tài chính thế giới sôi động đặc biệt là giá vàng tăng mạnh mấy ngày qua cũng thúc đẩy giới đầu tư đổ tiền vào các hàng hóa thiết yếu như cà phê.
Giá cà phê 2 sàn cùng tăng trong bối cảnh lo ngại thời tiết ảnh hưởng đến sản lượng vụ mùa của 2 nước sản xuất hàng đầu là Brazil và Việt Nam. Robusta đã vượt qua mức cao của Thứ Năm tuần trước và trở thành mốc cao nhất trong mọi thời đại. Hiện nay vẫn chưa có thông tin nào có thể khiến cho giá cà phê Robusta dừng lại.
Hiệp hội Cà phê Hòa tan Brazil đã báo cáo mức tiêu thụ cà phê hòa tan từ nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới đã tăng 5,30% trong quý đầu tiên của năm 2024. Điều này thể hiện lợi thế của Robusta.
Ở trong nước, vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng có tổng diện tích cà phê khoảng 639.000ha, chiếm 92% tổng diện tích cà phê của cả nước. Năm nay, cà phê nhân đạt mức giá cao kỷ lục đã mang lại niềm vui lớn cho người nông dân.
Cơn sốt giá nông sản năm nay khác với mọi năm. Nếu năm ngoái, hàng vào chính vụ giá quay đầu giảm, còn nay thì không. Nguyên nhân là do bắt đầu từ niên vụ 2022 - 2023, lượng tồn kho cà phê của Việt Nam ở mức thấp nhất từ trước tới nay. Tình trạng thiếu hụt tiếp tục kéo dài đến hiện nay và xảy ra ở nhiều nước sản xuất cà phê khác khiến giá tăng phi mã và chưa có điểm dừng.
Những tuần qua, tình hình nắng nóng và khô hạn nghiêm trọng khiến nhiều vườn cà phê ở khu vực Tây Nguyên bị chết khô. Trong khi đó, khu vực này vẫn phải chịu nắng nóng kéo dài thêm khoảng một tháng nữa mới bắt đầu vào mùa mưa.
Giá cà phê Robusta tăng cao nhất lịch sử, chưa có dấu hiệu ngừng |
Quý I/2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 579.449 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,93 tỷ USD. Mặc dù lượng chỉ tăng 4,9% nhưng giá trị tăng mạnh 57,3% so với cùng kỳ nhờ giá xuất khẩu tăng cao. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê trong 15 ngày đầu tháng 4 giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước, về mức 80.781 tấn, trong giai đoạn giá tăng rất cao cho thấy tình trạng cạn hàng.
Theo một số đại lý kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên, hiện tại lượng hàng trong dân không còn nhiều trong khi một số doanh nghiệp có nhu cầu lớn trong việc phải có hàng để giao theo hợp đồng nên liên tục nâng giá, gom hàng. Giá cà phê tăng quá nhanh như hiện tại khiến một số doanh nghiệp không kịp trở tay khi đã ký hợp đồng trước với đối tác, gom hàng sau nhưng giá tăng nhanh dẫn tới việc không gom đủ hàng phải đối mặt nguy cơ phá sản.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao (Vicofa) cho biết đã xảy ra một số trường hợp tranh chấp do không giao hàng đúng hợp đồng và các đối tác đã phải đưa nhau ra tòa.