Khi kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đang nóng thì xảy ra chuyện lùm xùm tại Nhà máy nước mặt sông Đuống với giá nước cao “ngất trời”. Chuyện lùm xùm về giá nước lẽ ra sẽ đơn giản hơn nếu ngay từ đầu TP.Hà Nội quyết định mọi thứ công khai minh bạch: Nhà đầu tư hưởng ưu đãi gì, như thế nào, giá nước bán ra khi hoàn thành dự án là bao nhiêu... để công chúng cùng giám sát.
Lùm xùm nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ lặp lại?
Tuy nhiên, tại thời điểm ấy, đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành thì không có quy định nào cơ quan Kiểm toán Nhà nước có thể kiểm toán và báo cáo với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng của nhà nước kết quả kiểm toán đối với công trình đầu tư công dùng vốn tư nhân.
Có thể nói đây là lỗ hổng pháp lý cần được khắc phục. Liệu bài học từ đầu tư và nhà máy nước mặt sông Đuống có được rút kinh nghiệm khi thiết kế chính sách kiểm toán trong dự Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hay không?
Câu hỏi đang chờ các cơ quan nhà nước và các vị đại biểu Quốc hội giải đáp.
Dự thảo Luật PPP quy định “Hoạt động KTNN trong đầu tư theo phương thức PPP: Thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại Điều 65 và Điều 67 của Luật này”. Tức là, KTNN chỉ thực hiện kiểm toán “Vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng” (Điều 65) và “Vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư” (Điều 67).
Điều này là chưa phù hợp. Không thể xem dự án PPP tách rời thành các bộ phận riêng lẻ, mà cần xem xét dự án PPP với tư cách là dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công. Đồng thời, tài sản hình thành từ các dự án này là tài sản công thuộc đối tượng kiểm toán của KTNN.
Dự thảo trong Luật Đầu tư theo hình thức PPP trình Quốc hội chưa cập nhật các thông lệ kiểm soát và giám sát tốt nhất theo thông lệ quốc tế và cũng chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành của VN. Các quy định này cũng chưa phù hợp với chủ trương tăng cường chống tham nhũng mà Đảng, Chính phủ đang thực hiện một cách hiệu quả, quyết liệt.
Cơ quan KTNN sẽ không làm tròn nhiệm vụ của mình là duy trì tính minh bạch và trách nhiệm giải trình khi không kiểm toán các dự án đầu tư công theo hình thức PPP. KTNN cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ cung cấp thông tin cho Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan chống tham nhũng khi chỉ kiểm toán số ít nguồn vốn đầu tư của nhà nước trong công trình PPP. Môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam sẽ không minh bạch, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi thiếu vắng cơ chế kiểm toán, một thông lệ tốt của thế giới hiện nay.
Chúng ta cũng không thể không rút ra bài học từ dự án đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống, khi các cơ quan nhà nước phải “bó tay” vì công trình công có vốn tư nhân không có cơ chế kiểm toán.
Kiểm toán dự án PPP: 3 bên cùng có lợi
Việc xác định trách nhiệm của cơ quan KTNN trong việc kiểm toán các dự án PPP là yêu cầu đòi hỏi và đây là công cụ quan trọng phục vụ giám sát của Quốc hội, các cơ quan dân cử và nhân dân.
Mục đích của giám sát cũng đảm bảo cung cấp hàng hóa dịch vụ công được thuận lợi mà không xâm lấn lợi ích của các bên tham gia. Theo thông lệ quốc tế, tốt nhất là thông qua kiểm toán của cơ quan kiểm toán tối cao nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia mà không bên nào xâm lấn bên nào.
Trước hết là Chính phủ vừa là đối tác đầu tư vừa là cơ quan cung ứng dịch vụ công do vậy quyền lợi của Chính phủ không chỉ là duy trì quyền lợi với tư cách một nhà đầu tư và kết quả thu được là công trình, dự án đầu tư công mà còn là một đối tác cung ứng dịch vụ công đảm bảo cung ứng dịch vụ công cho xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Kiểm toán đối với dự án PPP còn đảm bảo trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ trong việc thực hiện đàm phán, ký kết và thực hiện đúng cam kết đã ký trong hợp đồng với nhà đầu tư.
Nhà đầu tư tư nhân là người bỏ vốn (có thể là tất cả hoặc một phần) thì cơ quan kiểm toán sẽ thực hiện kiểm toán để duy trì lợi ích của nhà đầu tư, tránh việc can thiệp của các cơ quan của Chính phủ vào các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp không theo hiến pháp và pháp luật. Kết quả kiểm toán sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư để họ yên tâm bỏ vốn đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Với người dân sử dụng dịch vụ hàng hóa công sẽ có đủ thông tin vào các dự án PPP khi có ý kiến của cơ quan kiểm toán độc lập từ đó sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân khi họ hiểu rõ được mục đích, quyền và nghĩa vụ của các bên và đã có sự tính toán đảm bảo hài hoà các mặt lợi ích.
Công khai, minh bạch kết quả kiểm toán PPP từ đó góp phần tạo sự đồng thuận trong dư luận, bảo vệ sự xâm lấn quyền và nghĩa vụ của các bên qua đó góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư vào các dự án PPP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia qua cách thức kiểm soát nguồn vốn đầu tư hiệu quả, minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế...
TS Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III
Kiểm toán BOT và BT, vạch rõ hàng loạt sai phạm ngàn tỷ |
Sai phạm của BOT và BT: Kiểm toán kiến nghị xử lý hàng nghìn tỉ đồng |
Kiểm toán chuyển 5 vụ có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra |