Các doanh nghiệp và một số chuyên gia kinh tế đồng loạt kiến nghị chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu, bia trong bối cảnh doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang rất khó khăn.
- Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, rượu bia
- Bộ Tài chính giải thích vì sao không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu
Doanh nghiệp kiến nghị chưa tăng thuế
Ông Nguyễn Hoàng Giang, thành viên Ban Điều hành Sabeco cho hay, từ đầu năm đến nay, giá thành đầu vào của doanh nghiệp tăng mạnh trong khi giá bán ra không tăng tương ứng, tiêu thụ chậm lại do nền kinh tế khó khăn cùng với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP khiến các doanh nghiệp sản xuất ngành bia rượu hết sức khó khăn. Vì vậy, nếu tăng thuế TTĐB thời điểm này, doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh khó chồng khó.
Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng kiến nghị tạm thời ổn định chính sách thuế TTĐB, lùi thời điểm sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ít nhất đến năm 2025 để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi.
Một trong những nội dung của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi là thay đổi phương pháp tính thuế và điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá, rượu, bia.
Về thuế suất TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế TTĐB để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và lộ trình tăng thuế theo mức tăng thu nhập và lạm phát.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho rằng, việc cải cách chính sách thuế theo Quyết định 508/QĐ-TTg cần có nghiên cứu, tính toán khoa học, thực tiễn ở Việt Nam đảm bảo phù hợp với thực trạng điều kiện sản xuất, kinh doanh ngành hàng ở Việt Nam, minh bạch, có lộ trình rõ ràng, đơn giản, có tính khả thi.
Đặc biệt, cần hài hòa các lợi ích của Nhà nước (điều tiết tiêu dùng, tăng thu Ngân sách và nuôi dưỡng nguồn thu bền vững) - Doanh nghiệp (không gây ảnh hưởng lớn, tạo tính ổn định) và người tiêu dùng (bảo vệ sức khỏe).
Một số chuyên gia cũng kiến nghị chưa tăng thuế TTĐB với mặt hàng bia, rượu. TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh kiến nghị chưa điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với bia rượu, nhất là bia, cho đến năm 2025. Thuế suất thuế TTĐB tương đối có thể tăng vào năm 2026, khoảng 5-10%.
Các doanh nghiệp rượu bia kiến nghị chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này |
GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cũng cho rằng thời điểm này không nên đưa ra bất kỳ chủ trương tăng bất kỳ loại thuế nào. “Đề nghị Bộ Tài chính nên nghiên cứu kỹ hơn các vấn đề liên quan đến thuế, đừng chỉ nghĩ đến chuyện thu ngân sách nhà nước, bởi không phải bao giờ tăng thuế cũng là tăng thu” – ông nói.
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng cho rằng về xu hướng chung toàn cầu, việc điều chỉnh Thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu, bia nhằm điều tiết sản xuất - tiêu dùng một cách hợp lý là phù hợp và là xu thế tất yếu.
Tuy nhiên, hiện nay ngành rượu bia đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn khiến sản lượng sản xuất, tiêu thụ bia sụt giảm khoảng 20% so với trước đây, tốc độ tăng trưởng âm; Có khoảng một nửa doanh nghiệp giảm lợi nhuận trong giai đoạn 2020-2021, hơn 70% doanh nghiệp phải áp dụng biện pháp giảm chi phí, giảm lao động...
Do đó, bà cho rằng hơn lúc nào hết, đây là thời điểm ngành bia rất cần sự hỗ trợ và chung tay của Nhà nước để có thể duy trì sản xuất, phát triển.
Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt mới ở khâu lập đề nghị
Trả lời kiến nghị của doanh nghiệp và một số chuyên gia, bà Lê Thùy Linh, Phó trưởng phòng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết, hiện dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi mới ở khâu lập đề nghị và đã trình Chính phủ, còn các đề xuất hoàn toàn dựa vào chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Cụ thể, Nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong đó có đề ra việc tăng thuế TTĐB đối với hàng hóa có hại cho sức khỏe; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 có đưa ra định hướng về sửa đổi bổ sung các luật thuế;
Nghị quyết 43 của Quốc hội về hỗ trợ phục hồi phát triển, cần xây dựng phương án tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng cần đánh thuế tiêu dùng, kịp thời áp dụng trong thời gian thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội; Quyết định 02 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng chiến lược quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2045, trong đó đề ra, áp thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn; Quyết định 568 của Thủ tướng Chính năm 2023 phê duyệt chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá.
“Hiện dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã trình Chính Phủ và đang ở khâu lập đề nghị. Bộ đang tiếp tục tổng hợp các ý kiến để trình các cấp có thẩm quyền xem xét và thông qua, phê duyệt” – bà Linh nói.
Một trong những nội dung của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi là thay đổi phương pháp tính thuế và điều chỉnh thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá, rượu, bia.
Về thuế suất TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế TTĐB để tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và lộ trình tăng thuế theo mức tăng thu nhập và lạm phát.