Trước tình trạng trẻ em bị xâm hại, bóc lột ngày càng phức tạp, thành phố kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu lập lực lượng cảnh sát chuyên bảo vệ trẻ em.
Đây là một trong những nội dung báo cáo Kết quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em trong 5 năm qua UBND TP HCM gửi các bộ, ngành Trung ương ngày 31/10.
Chính quyền thành phố cũng kiến nghị các bộ ngành sớm có hướng dẫn chi tiết, thống nhất về các tội liên quan đến xâm hại tình dục đối với người dưới 16 tuổi, cũng như ban hành các quy trình xử lý, thu thập chứng cứ cụ thể đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Thành phố cũng đề xuất tạo nguồn lực để thường xuyên tập huấn kiến thức, kỹ năng cho công chức, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án khi làm việc với trẻ em để nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án xâm hại trẻ em.
Theo thống kê của UBND thành phố, từ năm 2011 đến 2014, trên địa bàn có gần 700 trẻ bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục. Từ năm 2015 đến nay con số này đã tăng lên gần 800 nạn nhân (bé gái chiếm gần 95%), trong đó có 695 trẻ bị xâm hại tình dục. Đối tượng xâm hại trẻ ngày càng mở rộng, từ người lao động phổ thông đến những người có địa vị xã hội.
Hậu quả của các vụ xâm hại là 6 trẻ tử vong, 6 trẻ bị thương tật, 14 bé bị rối loạn tâm thần, 86 trường hợp có thai, 9 trẻ phải bỏ học và 661 trẻ bị tác động khác về thể chất, tinh thần.
Địa điểm xảy ra các vụ xâm hại là những nơi vắng vẻ, khu vực ngoại thành, khách sạn, nhà trọ lưu trú... thậm chí diễn ra tại các khu vực công cộng như chung cư, trường học, công viên.
Thành phố cũng nêu hai vụ việc nghiêm trọng xảy ra gần đây gây bức xúc dư luận là vụ Lương Tấn Bửu (28 tuổi) phạm tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi tại một công viên ở quận 5 và trường hợp Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi) phạm tội dâm ô với bé gái trong thang máy tại chung cư ở quận 4.
Trung Sơn