Trong vụ án xảy ra tại Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, bên cạnh đề nghị truy tố 8 bị can, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giám sát, kiểm soát chặt hoạt động mua sắm của đơn vị do Bộ này quản lý.

Theo đó, Kết luận điều tra của Cơ quan điều tra (CQĐT) đề nghị truy tố Nguyễn Đức Thái - cựu Chủ tịch HĐTV NXB Giáo dục và 7 bị can liên quan theo 3 tội danh là “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong vụ án, bị can Nguyễn Đức Thái bị xác định đã nhận hối lộ gần 25 tỷ đồng từ bị can Tô Mỹ Ngọc - Chủ tịch Công ty Phùng Vĩnh Hưng và bị can Nguyễn Trí Minh - Giám đốc Công ty Giấy Minh Cường Phát khi tạo điều kiện trái pháp luật trong việc đấu thầu giấy in sách giáo khoa.

Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái và một số bị can liên quan.

Cựu Chủ tịch NXB Giáo dục Việt Nam Nguyễn Đức Thái và một số bị can liên quan.

Nhờ đó mà các công ty của bị can Tô Mỹ Ngọc đã tham gia và trúng 13 gói thầu với tổng trị giá 2.101 tỷ đồng. Công ty Minh Cường Phát của bị can Nguyễn Trí Minh được tham gia và trúng 5 gói thầu với tổng số tiền 209 tỷ đồng.

 Căn cứ kết quả định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự TP Hà Nội, căn cứ khối lượng giao nhận thực tế hàng hóa, CQĐT xác định tổng thiệt hại của vụ án là 10 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nhận định về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội. Theo đó, CQĐT cho rằng mua sắm giấy in để phục vụ in sách giáo dục là hoạt động thường xuyên của Nhà xuất bản giáo dục, được thực hiện hàng năm. Giá giấy in chiếm 30-40% cơ cấu giá bán sách giáo khoa. Việc mua giấy in với giá cao sẽ làm tăng giá sách.

Việc mua sắm giấy in theo hình thức chào hàng cạnh tranh cho phép chủ đầu tư tự quyết định danh sách rút gọn, làm hạn chế sự tham gia của các đơn vị cung cấp có năng lực, có chất lượng tốt và giá bán thấp, không đảm bảo sự cạnh tranh, tính công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Đối với hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh, theo khoản 2, Điều 3 - Luật Đấu thầu năm 2013, doanh nghiệp được ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong doanh nghiệp. Còn khoản 7, Điều 3 quy định, doanh nghiệp được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

Tuy nhiên, việc không quy định hoặc không quy định rõ về hạn mức áp dụng đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu, dẫn dến các doanh nghiệp lợi dụng để ban hành hạn mức cao hơn nhiều so với quy định của Luật Đấu thầu đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu như chào hàng cạnh tranh, chào hàng cạnh tranh rút gọn.

Bộ Công an chỉ ra đây là nguyên nhân dẫn đến việc thông đồng đưa các nhà thầu vào danh sách được lựa chọn, tạo điều kiện trúng thầu, nguy cơ gây thiệt hại cho Nhà nước.

Mặt khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử kiểm soát viên tại NXB Giáo dục nhưng không quy định rõ việc kiểm soát trực tiếp, tham gia vào hoạt động đấu thầu đối với hoạt động mua sắm thường xuyên, dẫn đến các bị can lợi dụng để thực hiện hành vi sai phạm trong thời gian dài.

Từ đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an kiến nghị, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về khoản 7, Điều 3 - Luật Đấu thầu năm 2023, trong đó quy định rõ về hạn mức được áp dụng đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu mà doanh nghiệp được ban hành quy định.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định cụ thể về việc giám sát, kiểm soát hoạt động mua sắm thường xuyên của NXB Giáo dục. Trong đó quy định rõ việc kiểm soát viên được tham gia giám sát trực tiếp trong suốt quá trình đấu thầu và các trường hợp bắt buộc phải báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả lựa chọn nhà thầu.

https://www.anninhthudo.vn/kien-nghi-siet-chat-quan-ly-de-sach-giao-khoa-khong-bi-doi-gia-post590681.antd

Lâm Vinh / anninhthudo.vn