Chủ nhiệm UB Tư pháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo trên cả nước để trả lời dư luận, cử tri.

Hôm nay, UB Thường vụ QH nghe báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017.

Thẩm tra báo cáo, UB Tư pháp đánh giá, tình hình tham nhũng năm 2017 vẫn diễn ra “nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi”, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công...

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: VPQH

UB Tư pháp cho rằng, qua một số vụ án lớn xét xử gần đây và qua kết quả kiểm tra của UB Kiểm tra TƯ, tình trạng lợi ích nhóm, sân sau là có căn cứ. Do đó, tới đây cần tập trung phát hiện, xử lý, phòng ngừa tham nhũng dưới hình thức này.

Cơ quan thẩm tra thẳng thắn đánh giá, một số biện phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp. Ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, DN vẫn còn.

Đặc biệt, một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, lợi ích nhóm.

Một số trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của người dân, DN như vụ PV nhận tiền của DN tại Yên Bái, CSGT TP.HCM nhận hối lộ của nhiều xe ô tô vi phạm; cán bộ Cục Hải quan TP.Hà Nội tham ô 156 kg ngà voi...

Chủ nhiệm UB Tư Pháp Lê Thị Nga dẫn chứng thêm, việc tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức. Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi có phát hiện sai phạm.

"Từ một số vụ án xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của NH Oceanbank hay chi hoa hồng cho bác sĩ của công ty CP VN Pharma… Đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và phòng chống tham nhũng cần được Chính phủ đánh giá, nghiên cứu để có quy định ngăn chặn tình trạng này", bà Nga nhấn mạnh.

Tự phát hiện tham nhũng... yếu

Cũng theo nhận định của cơ quan thẩm tra, việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu.

Số vụ, việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; tiến độ xử lý một số vụ, việc còn để kéo dài. Có dấu hiệu của việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự, “hình sự hóa” quan hệ hành chính trong xử lý hành vi tham nhũng.

Đáng lưu ý, việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che cho hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.

Trước thực tế đó, UB Tư pháp đề nghị QH, Chính phủ xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, tránh nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực…

“Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận, cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định; bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng”, UB Tư pháp kiến nghị.

(http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/kien-nghi-tong-kiem-tra-bo-nhiem-can-bo-tren-ca-nuoc-399613.html)

Kẽ hở công tác cán bộ, Đà Nẵng không còn như xưa

Việc UB Kiểm tra TƯ công bố sai phạm của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng cần nghiêm khắc để thấy công tác ...

Lộ mật quan trọng ở Bộ Nội vụ: Ai đứng sau?

Các cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá một cách cụ thể xem tài liệu lộ như thế nào? Mức độ ảnh hưởng ...

Chẳng lẽ con quan chức thì không được bổ nhiệm?

Ông Hoàng Minh Quân - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Vĩnh Phúc - bị tố cáo đã quy hoạch con trai làm Phó Giám đốc ...

/ Theo Thuý Hạnh/Báo VietNamnet.vn