Là người Việt mang trong mình dòng máu “con Lạc, cháu Hồng” dù sinh sống, lao động và học tập ở bất cứ nơi đâu, trong nước hay ngoài nước, thì ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm là dịp mỗi người Việt cùng hướng về cội nguồn, dâng hương tưởng nhớ công đức của Vua Hùng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
- Người lao động được nghỉ 5 ngày dịp Giỗ tổ Hùng Vương và 30/4 - 1/5 năm 2023
- Bãi tắm Đồ Sơn, Hải Phòng chật kín người dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
Đoàn đại biểu kiều bào về dâng hương tại Đền Hùng tri ân công đức tổ tiên |
Tri ân công đức tổ tiên, “Uống nước nhớ nguồn”
Đoàn kiều bào gồm hơn 100 đại biểu trở về từ hơn 20 quốc gia trên thế giới do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu dẫn đầu ngày 25-4 (tức mùng 6 tháng 3 âm lịch) đã dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Quý Mão 2023. Trong không khí trang nghiêm, trước anh linh các Vua Hùng, các kiều bào đã dâng nén hương thơm tỏ lòng thành kính và tri ân công đức tổ tiên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc; cầu xin tổ tiên phù hộ cho đất nước ngày càng phồn thịnh, bách gia trăm họ an khang thịnh vượng, khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế; phù hộ cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn mạnh khỏe, đoàn kết vươn lên góp phần vào sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt và quốc gia, dân tộc.
Phát biểu tại Lễ báo công, tri ân công đức Tổ tiên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, việc tổ chức cho đoàn kiều bào về Đền Hùng dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm đã góp phần nâng cao nhận thức của bà con về niềm tự tôn, tự hào với truyền thống hào hùng của dân tộc, bày tỏ lòng biết ơn công đức tổ tiên, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm, tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước dành cho kiều bào, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu văn hóa, tinh thần của bà con, đồng thời khích lệ các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài kế tục truyền thống tốt đẹp của cha ông ta từ hàng nghìn năm nay.
Những ngày này, trên khắp thế giới, kiều bào ta ở nước ngoài cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về quê cha đất tổ, tri ân công đức Tổ tiên. Trong đó, tại Thủ đô Washington, Hội Phu nhân - phu quân Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã tổ chức chương trình giao lưu văn hóa dân tộc và ẩm thực truyền thống nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cho những người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Washington D.C. Những cán bộ, học sinh, sinh viên tham gia chương trình đã cùng nhau giao lưu, chia sẻ những câu chuyện đẹp, những kinh nghiệm và sự nỗ lực phấn đấu của bản thân để có được những thành công, tự hào là người con đất Việt. Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, Giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày lễ rất thiêng liêng đối với người Việt Nam. Việc tổ chức ngày giỗ Tổ đối với người Việt Nam ở nước ngoài lại càng quan trọng và có ý nghĩa hơn, bởi họ rất cần tinh thần gắn kết cộng đồng, chỗ dựa tinh thần, hướng về cội nguồn dân tộc nên đây còn là một nhu cầu của người Việt ở nước ngoài. Do vậy, hàng năm, Đại sứ quán tổ chức hoạt động này với mong muốn mang lại cho bà con một chỗ dựa tinh thần, cùng nhau hướng về cội nguồn.
Tích cực đóng góp dựng xây đất nước
Thờ cúng tổ tiên từ bao đời nay đã trở thành tập tục truyền thống, có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần của dân tộc, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - biểu hiện cao nhất của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là kết tinh của văn hóa dân tộc, trao truyền qua bao thế hệ; được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc
(UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012 - luôn quy tụ muôn triệu con Lạc cháu Hồng khắp năm châu thành kính hướng về quê cha đất tổ, dâng hương bái Tổ, tri ân công đức tiền nhân mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch.
Vào dịp này, kiều bào ta ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới, dù quy mô hay đơn giản, đều tiến hành tổ chức nghi lễ bái vọng các Vua Hùng, thành tâm hướng về tổ tiên nguồn cội. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao cũng đều tổ chức cho đoàn đại biểu kiều bào về dự Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức những hoạt động tri ân công đức các Vua Hùng tại các nước trên thế giới. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm triển khai thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 21-8-2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 169 ngày 31-12-2021 của Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026, góp phần thực hiện nhiệm vụ đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đang ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Từ 2,7 triệu người năm 2003, hiện đã tăng lên khoảng hơn 5,5 triệu người sinh sống, học tập, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là các nước phát triển. Địa vị pháp lý, điều kiện kinh tế, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong xã hội sở tại ngày càng nâng cao. Có khoảng 600.000 đến 700.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao (chiếm 10-12% cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài). Trong số đó, rất nhiều người, đặc biệt từ 60 tuổi trở lên (chiếm 20%) và nhiều doanh nhân, trí thức muốn trở về quê hương sinh sống, đầu tư, kinh doanh, gắn bó với quê hương. Do vậy, nhu cầu muốn có căn nhà ở quê hương để đi đi về về hoặc về làm việc, kinh doanh, học tập… là rất nhiều.
Kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp tích cực cho dựng xây đất nước. Tính đến tháng 6-2022, có 376 dự án của kiều bào đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD và hàng nghìn doanh nghiệp có vốn góp của kiều bào. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mang tầm cỡ khu vực do những doanh nhân kiều bào về nước thành lập, điều hành đã góp phần tạo công ăn việc làm, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2022, lượng kiều hối về Việt Nam gần 19 tỷ USD, đưa tổng lượng kiều hối từ năm 2003 - 2022 đạt khoảng 206 tỉ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Kiều bào còn đóng góp tích cực vào quá trình vận động chính quyền các nước ký kết các hiệp định thương mại với Việt Nam, đóng góp vào việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Thế nên, mỗi dịp Quốc giỗ - Giỗ Tổ Hùng Vương, chúng ta lại càng thấy thấm thía xen lẫn tự hào về những tiếng Kiều bào - Đồng bào rất đỗi gần gũi, thân thương.
https://www.anninhthudo.vn/kieu-bao-huong-ve-coi-nguon-ngay-gio-to-hung-vuong-post538299.antd