Kinh tế Nga đang rơi vào tình trạng hiếm gặp khi bị coi là vỡ nợ nước ngoài, bởi các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt đã khiến các chủ nợ quốc tế buộc phải chặn cơ chế thanh toán nên xứ Bạch dương không thể chi trả đúng hẹn. Điều này có thể xem như một "đòn tâm lý" làm gia tăng sức ép lên nền kinh tế Nga...
- 'Bà đầm thép' lèo lái nền kinh tế Nga qua 2 lần khủng hoảng
- G7 tăng cường trừng phạt lên "huyết mạch kinh tế Nga"
- Kinh tế Nga đang dần hồi phục
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến Nga không thanh toán được nợ nước ngoài.
Lần gần nhất Nga thực sự vỡ nợ nước ngoài là từ cuộc Cách mạng Bolshevik cách đây hơn một thế kỷ, là sự kiện chứng kiến Đế quốc Nga sụp đổ và sự ra đời của Liên bang Xô viết. Trong lần này, theo truyền thông phương Tây, Nga lẽ ra phải trả khoản lãi suất trị giá khoảng 100 triệu USD bằng đồng USD và euro vào hôm 27-5, trước đó đã được gia hạn đến cuối ngày 26-6. Do chưa thể thanh toán khoản lãi trả sau mốc thời gian này, xứ Bạch dương bị coi là rơi vào tình trạng “vỡ nợ nước ngoài”.
Trước diễn biến mới, Nga bác bỏ khái niệm bị coi là “vỡ nợ nước ngoài”, tuyên bố rằng họ có đủ tiền để trang trải bất kỳ hóa đơn nào song đã bị ép không thể thanh toán. Trước đó, Mátxcơva thông báo họ sẽ trả khoản nợ chính phủ trị giá 40 tỷ USD bằng đồng rúp, và nói đây là một tình huống bất khả kháng. Bình luận về tình trạng hiện nay, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nhấn mạnh, với hàng tỷ USD mỗi tuần vẫn đổ vào ngân khố nhà nước từ xuất khẩu năng lượng, Nga “có đủ điều kiện và mong muốn trả nợ”.
Giới quan sát cho rằng, quan điểm của Mátxcơva có căn cứ. Nhà phân tích cấp cao Hassan Malik tại Loomis Sayles & Company LP (Mỹ) nhận định, đây là tình huống một chính phủ có đủ khả năng trả nợ, nhưng lại bị ép rơi vào tình trạng vỡ nợ. Thực tế, Bộ Tài chính Nga cho biết, đã hoàn thành nghĩa vụ khi thanh toán qua Trung tâm Lưu ký thanh toán quốc gia (NDS) bằng đồng euro và USD, nhưng tiền không đến được tài khoản chủ nợ do bị chặn. Bộ Tài chính Mỹ hiện không cho phép những bên sở hữu trái phiếu tại Mỹ nhận thanh toán từ Nga, Liên minh châu Âu (EU) cấm đại lý thanh toán của Nga.
Bản thân đồng rúp cũng gặp nhiều khó khăn trong giao dịch, chưa kể không trái phiếu cơ bản nào có điều khoản cho phép thanh toán bằng đồng nội tệ, ở đây là đồng rúp. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga đóng băng, còn các ngân hàng lớn nhất của nước này bị ngắt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT. Mátxcơva có khoảng 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, vàng, phần lớn được giữ ở nước ngoài nhưng đang bị đóng băng, và hiện chỉ nợ khoảng 40 tỷ USD trái phiếu nước ngoài.
Với tình hình trên, diễn biến lần này được cho là sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới kinh tế toàn cầu. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng khẳng định, việc Nga bị coi là vỡ nợ không gây ra tác động đáng kể đến kinh tế Mỹ và thế giới. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng nêu rõ, hệ thống tài chính toàn cầu không bị ảnh hưởng.
Thay vào đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, tác động lớn nhất mà Nga có thể gánh chịu là uy tín tài chính suy giảm, khiến chi phí tài trợ, lãi suất vay… trong tương lai gia tăng, trong khi cơ hội được vay cũng khó khăn hơn. Thực tế này tiềm ẩn tác động đến tình hình tài chính của Chính phủ Nga, có thể dẫn đến khả năng phải cắt giảm chi tiêu hoặc tăng thuế. Doanh nghiệp Nga có vay nước ngoài cũng gián tiếp chịu ảnh hưởng, khi bị cô lập các hoạt động thương mại và tài chính quốc tế.
Với những tác động không đáng kể, có thể khẳng định tình trạng vỡ nợ của Nga chủ yếu mang tính biểu tượng. Nói cách khác, việc “coi là vỡ nợ” có thể xem như một sách lược nhằm gia tăng sức ép lên nền kinh tế xứ Bạch dương, và sẽ không tác động nhiều với Nga dù xảy ra vào thời điểm thế giới chứng kiến lạm phát và suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều năm.