Chỉ trong chưa đầy 3 năm, nền kinh tế thế giới đã hứng chịu hết cú sốc này đến cú sốc khác. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo, nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần một cách nguy hiểm đến suy thoái do lạm phát, lãi suất và gánh nặng nợ ngày càng tăng. Các quốc gia và đội ngũ hoạch định chính sách cần phối hợp giải quyết những thách thức cấp bách nhất để ổn định nền kinh tế toàn cầu.
- Suy thoái ở châu Âu: Đâu là chìa khóa của cuộc khủng hoảng năng lượng?
- Đông Nam Á trước thách thức và cơ hội từ suy thoái kinh tế châu Âu
Người dân trên thế giới phải chịu nhiều áp lực khi giá các mặt hàng liên tục tăng.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB cho biết, khó khăn chồng chất khiến 1/3 nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ trải qua ít nhất 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp trong năm nay và năm sau, gây thiệt hại khoảng 4.000 tỷ USD từ nay đến năm 2026.
Cụ thể, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm nay sẽ là 1,6%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trước; đến năm 2023, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ giảm xuống khoảng 1%. Suy giảm kinh tế của các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dự báo sẽ tồi tệ hơn thêm vào năm tới, trong đó có Đức và Italia.
IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 (3,2%) và 2023 (4,4%) do các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của nước này và cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản ảnh hưởng tới tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mức độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á cũng sẽ không đạt như kỳ vọng vào năm nay và năm sau.
Hiện tại, tăng lãi suất là lựa chọn của nhiều ngân hàng trung ương để kiềm chế lạm phát trong bối cảnh giá cả tăng cao do thiếu hụt nguồn cung. Khoảng 90 ngân hàng trung ương khắp thế giới đã tăng lãi suất trong năm nay.
Theo số liệu của WB, số lần tăng lãi suất do các ngân hàng trung ương trên thế giới công bố đã ở mức cao nhất kể từ năm 1970. Nhiều khả năng, các ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất cơ bản lên gần 4%/năm, gấp đôi mức trung bình năm ngoái, để giữ lạm phát ở mức 5%.
Theo kịch bản này và kết hợp với các áp lực trên thị trường tài chính, tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm sau chỉ ở mức 0,5% nhưng GDP bình quân đầu người lại giảm 0,4%. Mức suy giảm này tương đương với cuộc suy thoái diễn ra năm 1991. Ngoài ra, suy thoái kinh tế còn kéo theo sự sụt giảm về hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, dòng vốn, nhu cầu nhân lực, và nhu cầu năng lượng trên quy mô toàn cầu.
Trước những rủi ro bao trùm lên triển vọng của thị trường dầu mỏ cùng mối lo ngại nhu cầu giảm do kinh tế toàn cầu suy yếu, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC) đã quyết định cắt giảm sản lượng dầu ở mức 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11. Phần lớn các chuyên gia đều nhận định việc OPEC cắt giảm sản lượng sẽ khiến tình hình lạm phát tồi tệ hơn bởi xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung khí đốt tại châu Âu bị hạn chế, nhu cầu dùng dầu trong hoạt động sản xuất năng lượng gia tăng. Các nhà phân tích của PVM Oil Associates và Goldman Sachs dự báo, giá dầu Brent sẽ lên tới 3 chữ số trong 3 tháng tới.
Theo Chủ tịch WB David Malpass, đại dịch Covid-19 đã lấy đi những thành quả đạt được về xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu kể từ năm 1990. Khoảng 800 triệu người, tương đương gần 10% dân số thế giới, bị ảnh hưởng nạn đói trong năm 2021, nhiều hơn 46 triệu người so với năm 2020 và hơn 150 triệu người vào năm 2019. Giá lương thực và nhiên liệu cao đang tạo nên khủng hoảng phí sinh hoạt mà nhiều khả năng làm trầm trọng hơn tình trạng đói nghèo.
Nếu suy thoái kinh tế xảy ra, ước tính sẽ có khoảng 574 triệu người, tương đương 7% dân số thế giới sẽ sống ở mức thu nhập thấp vào năm 2030, trong đó đa phần là ở châu Phi. Điều này đồng nghĩa với việc thế giới khó có thể đạt được mục tiêu lâu dài là chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực vào cuối thập kỷ này.