Nhiều thách thức đối với nền kinh tế buộc Trung Quốc phải công bố kế hoạch 19 điểm mới và thừa nhận "nền tảng phục hồi kinh tế vẫn chưa vững chắc".
- Kinh tế Trung Quốc đối mặt thách thức từ lệnh đóng cửa chống dịch
- Điều gì khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt kỳ vọng khi thế giới lao đao?
- Kinh tế Trung Quốc gặp nguy cơ vì ‘quả bom nợ’ tập đoàn bất động sản
Theo các nhà phân tích, không chỉ có nguy cơ tụt lại so với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong quý tiếp theo, Trung Quốc còn có thể chịu áp lực lớn hơn Mỹ trong bối cảnh nguy cơ suy thoái chung gia tăng.
Trong khi công bố gói chính sách 19 điểm mới để bổ sung khoản kích cầu trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 146 tỷ USD), Trung Quốc đã cảnh báo rằng “những biến động biên vẫn còn, và nền tảng của sự phục hồi kinh tế trong nước vẫn chưa vững chắc".
Cùng ngày hôm đó, hơn 4.300 chỉ số niêm yết trên thị trường chứng khoán của Trung Quốc giảm.
(Ảnh minh họa: EPA-EFE)
Triển vọng kinh tế ảm đạm được cho là còn gây xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh và công nghệ của Trung Quốc. Một ngày trước, trong bản ghi nhớ nội bộ bị rò rỉ - người sáng lập Huawei Technologies đã cảnh báo về một thập kỷ khó khăn phía trước của công ty này.
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 và phải áp dụng các biện pháp hạn chế, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý trước. Mức này thấp hơn Liên minh châu Âu và Mỹ, thấp hơn cả ở các nước đang phát triển như Malaysia (8,9%).
Các nhà phân tích dự đoán nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,8% trong quý 3 (từ tháng 7 đến tháng 9). Nhưng ngay cả mức tăng này vẫn sẽ chưa giúp Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm là khoảng 5,5%, được công bố hồi tháng 3.
“Trung Quốc là một nền kinh tế mới nổi, một nền kinh tế theo định hướng sản xuất; sẽ rất nguy hiểm nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế ở đây thậm chí còn chậm hơn so với các nước phát triển theo định hướng tiêu dùng”, nhà phân tích He Jun tại cơ quan nghiên cứu Anbound nói.
Ông cũng cảnh báo rằng cuộc chiến Ukraine sẽ tác động đến các hoạt động trao đổi của Trung Quốc với đối tác thương mại lớn thứ hai - châu Âu. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị toàn cầu leo thang đang làm môi trường phát triển bên ngoài Trung Quốc xấu đi.
Ông nói: “Nền kinh tế toàn cầu không mấy lạc quan trong vài năm tới, đặc biệt là ở Trung Quốc".
Tuần trước, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers nói với Bloomberg rằng “bây giờ chưa rõ" liệu Trung Quốc có vượt qua Mỹ về tổng GDP hay không.
Robin Xing Ziqiang, nhà kinh tế về Trung Quốc của Morgan Stanley, cũng lưu ý rằng triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc đang trở nên đáng lo ngại hơn.
“Nền kinh tế Mỹ có thể không phải chịu bất kỳ ảnh hưởng vĩnh viễn nào, họ bất chấp suy thoái do tăng lãi suất để chống lạm phát. Tốc độ tăng trưởng tiềm năng của họ dự kiến sẽ vẫn ổn định. Nhưng đối với nền kinh tế Trung Quốc, ưu tiên hàng đầu là làm thế nào để đưa các khu vực dân cư và doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại mà không để lại ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng dài hạn”, chuyên gia nói trong một hội thảo gần đây.
https://vtc.vn/kinh-te-trung-quoc-cham-lai-cuoc-dua-voi-my-tro-nen-kho-khan-hon-ar696979.html