Liên tục vài năm gần đây, nhiều bản hit “làm mưa, làm gió” trên thị trường giải trí đều ít nhiều dính đến đạo nhạc.
Ca sĩ Orange với bản hit “Người lạ ơi” đứng trước nghi án đạo nhạc.
Song vì chỉ bị “bắt quả tang” nửa chừng, cũng chẳng ai truy xét hay kiện tụng nên việc các tác giả cứ tự nhiên “mượn beat, mượn sound”, chuyện đạo nhạc cũng trở thành chuyện bình thường và là “bắt chước có học hỏi”, miễn là ca khúc vừa tung ra đã có lượt nghe, xem, chia sẻ cao.
Mua bản sound ngoại về “sáng tác”
Vừa ra mắt vào ngày 14.2, song “Người lạ ơi” của Orange và Karik đã lập nhiều kỷ lục liên tục. Đó là ca khúc gây sốt trong dịp đầu năm với 100 triệu lượt nghe chỉ sau 2 tuần và MV đạt 100 triệu view nhanh nhất Vpop… Đạt con số khủng trên chỉ sau 39 ngày, “Người lạ ơi” chính thức lật đổ kỷ lục của “Nơi này có anh” của Sơn Tùng M-TP khi MV của bài hát này đạt 50 triệu view trong vòng 13 ngày. Tuy nhiên, khi đang leo cao trên mạng, bản hit “Người lạ ơi” của cặp nhà sản xuất Châu Đăng Khoa - Nemo lại bị đặt nghi vấn đạo nhái cùng lúc hai ca khúc: “What If” (Robin Wesley) và “Anh vẫn nhớ” (Nah).
Khi xem kỹ thì dưới phần thông tin ca khúc “Người lạ ơi” trên Youtube, có thông tin phần Music Arrangers (sắp xếp âm nhạc) là Robin Wesley, Châu Đăng Khoa và Nemo. Thêm vào đó, ca khúc “Anh vẫn nhớ” của Nah cũng được sản xuất bởi chính Robin Wesley Production. Sự tương đồng ở phần thông tin về nhà sản xuất âm nhạc của cả ba ca khúc “Người lạ ơi”, “What If” và “Anh vẫn nhớ” cho thấy rất có thể ca khúc của Superbrothers, Karik và Orange có sự đồng ý từ phía Robin Wesley Production ở khâu sản xuất.
Ngay sau đó, Karik đã lên tiếng về việc đạo nhái của “Người lạ ơi”, rằng Châu Đăng Khoa đã bỏ một số tiền ra để mua được bản sound đó về với sự chấp thuận của producer Robin Wesley. Sau khi mua bản sound về thì Châu Đăng Khoa có thể thêm những gì mình thích vào, đây đã là một mô hình làm nhạc rất phổ biến.
Việc mua bản sound của người khác về rồi phóng tác trở thành chuyện quen thuộc của nhiều nhà sản xuất. Điều này càng khiến dòng nhạc giải trí ngày càng vướng nhiều chuyện lùm xùm tác quyền. Chẳng hạn như Noo Phước Thịnh, Bảo Anh và Hương Tràm cũng từng bị gỡ MV ra khỏi Youtube vì lý do tác giả các bản hit của họ đã “mượn” 1-2 đoạn nhạc và sau đó phải chỉnh sửa, bổ sung thì mới có thể đưa MV lên mạng trở lại.
Ngay trong hai đêm chung kết “Sao đại chiến”, Phúc Bồ cũng vướng nghi án đạo nhái với ca khúc “Cưa cẩm” (giống với Body của Mino) và “Rap Binh đoàn hổ” của anh bị chỉ trích sao chép Okey Dokey do Zico, Mino sản xuất và thể hiện. Sau một thời gian im lặng, cuối cùng, Phúc Bồ cũng phải lên tiếng xin lỗi và thừa nhận đã lấy cảm hứng từ sản phẩm của Mino. Tuy nhiên, lời xin lỗi của anh khiến người nghe rất thất vọng.
Tương tự, nhiều ca sĩ trẻ chọn cách xin lỗi sau khi bị dư luận phát hiện mượn beat hay mượn hình ảnh trong các MV ngoại, còn nếu không ai phát hiện thì… được bỏ qua. Việc xin lỗi này cũng không vì mục đích sửa sai mà đơn giản là làm nguôi đi cơn giận của khán giả. Cuối cùng, họ đạt được cả hai mục đích khi lượt người thích và không thích xem ngang bằng nhau, nhiều người tò mò vào xem họ “đạo” nhạc ra sao và nhờ đó, tên tuổi của họ càng nổi tiếng hơn, dù là nhờ vào... tai tiếng.
Bất chấp tất cả để nổi tiếng
Nhiều người cho rằng, càng dính nghi án đạo nhái, các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ càng nổi tiếng, càng thu về nhiều tiền tài, trong khi không ai bị đem ra chỉ trích hay xử phạt, vậy thì “cớ sao lại không tiếp tục “vay mượn”?
Điều này thể hiện ở việc nhiều sản phẩm giải trí dính nghi vấn đạo nhái về giai điệu hay hình ảnh trong các MV quốc tế. Điểm lại năm 2017, một nhà sản xuất âm nhạc đáng chú ý như Khắc Hưng vẫn dính nghi vấn đạo nhái 4 sản phẩm âm nhạc trong 1 năm gồm “Ánh nắng của anh”, “Ghen”, “Đâu chỉ riêng em” và “Như cái lò”. Tiếp đó, Quán quân Sao mai 2017 Thu Thủy với MV “Tình yêu ở lại” bị tố đạo nhái trắng trợn sản phẩm âm nhạc của Eunji (A Pink), trùng lặp về mặt hình ảnh và kịch bản giữa 2 MV và ngay sau 1 ngày, MV này đã bị YouTube “sờ gáy” vì lý do vi phạm bản quyền.
Ca khúc “Người ta và anh” của Lê Thiện Hiếu khi chỉ vừa ra mắt vài ngày đã bị cư dân mạng phát hiện có bản phối giống hệt với “Till the morning comes” của nhóm nhạc The Marauders (nhóm nhạc chuyên chơi thể loại Reggae tại Mỹ). Lê Thiện Hiếu đã lên tiếng giải thích rằng anh sáng tác giai điệu ca khúc “Người ta và anh” dựa trên beat nhạc Reggae “Shiny Days” được mua có bản quyền, hóa đơn. Trước đó, Sơn Tùng M-TP cũng từng bị nghi vay mượn ý tưởng ở 2 bản hit “Lạc trôi” và “Nơi này có anh”. Được biết, bản hit của Sơn Tùng M-TP do nhạc sĩ Khắc Hưng hòa âm, phối khí. Và rồi bản hit hơn 40 triệu lượt xem của Tóc Tiên - “Em không là duy nhất” cũng dính nghi vấn đạo nhạc “Chuyến tàu ly biệt” do Triệu Vy thể hiện với phần điệp khúc của cả hai giống y hệt.
Bởi chưng nhiều người cho qua?
Điều đáng nói, khi bị “cộng đồng mạng” phát hiện và “soi kỹ”, các tác giả chỉ lên tiếng chiếu lệ, còn không thấy một nhà chuyên môn, một hội đồng thẩm định hay Cục bản quyền vào cuộc. Chính vì thế mà nhiều người cho qua, tặc lưỡi “nhạc giải trí mà”, thành ra việc đạo nhạc, nhái nhạc trở thành… bình thường và không ít các ca sĩ dính scandal đạo nhái vẫn có mặt ở nhiều giải thưởng âm nhạc.
Vpop đầu năm: Thiết lập nhiều kỷ lục nhưng vô số lùm xùm đạo ý tưởng "Người lạ ơi" đã lập nên nhiều kỷ lục về lượt nghe, lượt xem MV. Tuy nhiên, bên cạnh thành tích của Vpop, khán giả ... |
Sao đại chiến: Giá trị âm nhạc bị lu mờ bởi tranh cãi Từ khi mới phát sóng đến đêm chung kết, Sao đại chiến đều vướng tranh cãi. Mới đây, team Phúc Bồ vướng nghi án đạo ... |