Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã trải qua nhiều những vinh quang, thành công lớn trong sản xuất kinh doanh, nhưng có lúc như “con tàu sắp đắm” vì phải đối mặt với những cuộc đại khủng hoảng… Và để xử lý một cách triệt để những tồn tại, vực dậy Tập đoàn trong những lúc khó khăn ấy, lãnh đạo Đảng, Chính phủ chọn cách "phải đi bằng con đường xây dựng Đảng".

Đây thực sự là câu chuyện lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cực kỳ quan trọng của công tác xây dựng Đảng.

Đồng chí Phạm Xuân Cảnh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trầm tư: “Nhớ lại những năm tháng ấy, tôi lại muốn rơi nước mắt và vẫn thấy như mới xảy ra hôm qua.

Chưa bao giờ mà có thời gian, cứ đến tối thứ Sáu là mọi người xem tivi có thông báo là bắt ai, khởi tố ai ở Tập đoàn Dầu khí.

Chưa bao giờ một Tập đoàn kinh tế được coi là “trụ cột” của nền kinh tế quốc dân lại có đến hàng chục cán bộ phải ra tòa, kể cả những người cao nhất.

Và cũng chưa bao giờ, giá dầu xuống thê thảm khiến nhiều dự án phải dừng, giãn tiến độ và ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn Tập đoàn. Có những đơn vị ở khâu đầu (Tìm kiếm, thăm dò, khai thác), cán bộ phải tiết kiệm từng chai nước uống…

Và cũng chưa bao giờ niềm tin của người dầu khí lại bị suy sụp đến như vậy. Một bầu không khí bi quan, chán nản, thất vọng bao trùm cả Tập đoàn… Và từ đó, nội bộ sinh ra nghi ngờ lẫn nhau, rồi “trên bảo dưới không nghe”…"

Tác phẩm dự thi của tác giả Trần Ngọc Thịnh thuộc Xí nghiệp Xây lắp, Khảo sát và Sửa chữa các công trình khai thác dầu khí - Vietsovpetro.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phải đối mặt rất nhiều "cơn sóng dữ" (Ảnh: Trần Ngọc Thịnh)

Còn đồng chí Trần Quang Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp Tập đoàn cũng không sao nhớ nổi trong những năm 2015 đến 2018 đã đi và gặp gỡ người lao động bao nhiêu chuyến, chỉ biết rằng, nơi nào “có chuyện không vui” là Trần Quang Dũng có mặt. Nhiệm vụ của các đồng chí Thường vụ Đảng ủy lúc đấy là “làm thế nào để tinh thần cán bộ, đảng viên không suy sụp hơn nữa”, và cũng phải làm thế nào để giữ vững ý chí cho mọi người, để mọi người hiểu rằng Đảng, Chính phủ vẫn bên cạnh người dầu khí và Petrovietnam vẫn sẽ tồn tại, phát triển như đã từng.

Có thể nói vào những thời điểm khó khăn đó, may mắn cho Tập đoàn là vẫn có tổ chức Đảng.

Trước câu hỏi “Vậy vào thời điểm đó, Đảng ở đâu? Vai trò của công tác Đảng ở đâu? Và các cấp ủy Đảng trong toàn Tập đoàn đã phải làm gì?”.

Đồng chí Phạm Xuân Cảnh đã thẳng thắn nhìn nhận: “Để xảy ra khủng hoảng đó, khủng hoảng ở Tập đoàn Dầu khí giai đoạn 2015-2018 có lỗi của Đảng bộ, đấy là làm chưa tốt công tác xây dựng Đảng; công tác quản lý cán bộ chưa tốt.

Nhưng vào lúc “đại khủng hoảng” đó mà giả sử không có tổ chức Đảng thì Tập đoàn Dầu khí sẽ như thế nào? Ai đứng ra để lo vấn đề chung nữa, để lo xử lý khủng hoảng và củng cố lại toàn Tập đoàn?

Năm 2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định vào kiểm tra. Và không phải ngẫu nhiên Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp kiểm tra mặc dù trước đó đã có thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cả cơ quan điều tra. Những vụ việc ở Petrovietnam làm cho lãnh đạo Đảng, Chính phủ vô cùng lo lắng. Bởi sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí là vô cùng quan trọng với kinh tế đất nước, là trụ cột của nền kinh tế quốc dân và là một người lính tiên phong trong việc tham gia giữ gìn chủ quyền an ninh trên biển.

Để xử lý một cách triệt để và vực dậy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, lãnh đạo Đảng, Chính phủ chọn cách là phải đi bằng con đường xây dựng Đảng.”

***

Đi sâu vào tìm hiểu về công tác xây dựng Đảng, được nghe ý kiến của các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, kể cả có người bị xử lý, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều về xây dựng Đảng.

Công tác xây dựng Đảng là cả một vấn đề mang tính hệ thống xuyên suốt và liên tục.

Xây dựng Đảng là xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng Đảng bao gồm xây dựng toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức lãnh đạo, quan hệ với quần chúng, người lao động; là công tác tổ chức, công tác xây dựng về con người; làm tốt được cái này thì mới bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy được mọi công việc khác.

Đầu tiên phải thấm nhuần đã là đảng viên, là cán bộ thì đều phải tôn trọng và thừa nhận công tác xây dựng Đảng.

Thứ hai Đảng ta xác định lãnh đạo, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt.

Công tác Đảng là nhiệm vụ then chốt để thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế. Hiện nay có đảng viên là cán bộ lãnh đạo cứ nói nhưng mà không thấu hiểu câu chuyện xây dựng Đảng là gì, cho nên chỉ đạo rất sáo rỗng, thậm chí là cải lương. Mà trong lãnh đạo cầm quyền nếu sáo rỗng và cải lương thì vô cùng tai hại, gần như là sẽ vô hiệu hóa vai trò của Đảng.

Nhiều người hiểu xây dựng Đảng là chỉ làm mấy việc như tổ chức được một vài lớp học chính trị, quán triệt Nghị quyết, là sinh hoạt Đảng, kết nạp đảng viên, kiểm điểm cuối năm… Mà họ không hiểu đó mới chỉ là những nghiệp vụ công tác Đảng.

Chứ còn về bản chất thì phải hiểu xây dựng Đảng là xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thì mới đúng bản chất cốt lõi về xây dựng Đảng, của Đảng chính trị, Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tức là bảo đảm vấn đề rất triết học, vừa “Xây” vừa “Chống”. Trong quá trình vừa qua đã có những lúc ta rơi vào chủ nghĩa “cải lương” là chỉ thuần túy hô hào xây dựng Đảng theo kiểu động viên, xây theo kiểu chỉ suy nghĩ một chiều, nhưng không quan tâm, chú trọng đến “chống” và thế là bị mất cân đối, sa vào chủ nghĩa hình thức, hời hợt.

Phải luôn luôn, thường xuyên, “vừa xây vừa chống”, đó mới là thực chất của công tác xây dựng Đảng.

Vấn đề nữa là lâu nay, ở đâu đấy và thậm chí đến bây giờ có người vẫn hiểu xây dựng Đảng là chỉ xây dựng trong phạm vi tổ chức Đảng và bỏ qua các tổ chức khác. Nhưng họ không biết rằng xây dựng Đảng là xây dựng cả hệ thống chính trị. Là phải có một tổ chức Đảng tốt, phải có một tổ chức chính quyền, tổ chức nhà nước tốt. Rồi có các đoàn thể chính trị xã hội tốt thì công tác xây dựng Đảng mới là có kết quả tốt.

Với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng thế thôi. Không phải tháng nào cũng họp Thường vụ, quý nào cũng họp Ban Chấp hành rồi làm một số vấn đề tuyên truyền, hội nghị nọ kia là bảo sinh hoạt “có nề nếp”, là làm tốt công tác xây dựng Đảng.

Kỳ 2 - Thời kỳ “đại khủng hoảng”
Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ Hai khoá III, nhiệm kỳ 2020-2025 Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

Phải có một Ban Chấp hành Đảng bộ mạnh: có số lượng đủ, cơ cấu hợp lý, từng ủy viên phải tốt, nêu gương, đặc biệt là người đứng đầu; có quy chế làm việc chặt chẽ, khoa học và phân công đúng người đúng việc thì đó mới là Ban Chấp hành tốt. Nhưng Ban Chấp hành tốt chưa phải đã là xây dựng Đảng tốt. Lại phải có cả Hội đồng Thành viên mạnh và thành viên trong HĐTV phải là người tốt. Phân công đúng người, đúng việc, phát huy ưu điểm, năng lực của từng người - đặc biệt là người đứng đầu. Rồi phải có Ban Tổng giám đốc tốt và phải có mối quan hệ công tác giữa cấp ủy với Hội đồng Thành viên và Ban điều hành tốt… Có như vậy mới phát huy sức mạnh tổng hợp. Và đấy là nhiệm vụ của xây dựng Đảng. Làm tốt được cái này thì mới bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy được mọi công việc khác.

Và cuối cùng, một điều hết sức quan trọng là: xây dựng Đảng tốt là phải có người đứng đầu từng đơn vị tốt. Vì bản chất yêu cầu xây dựng Đảng là công tác xây dựng Đảng phải bảo đảm lãnh đạo, hoạt động của đơn vị phát triển.

Khi bắt tay vào xử lý khủng hoảng, Ban Tuyên giáo Đảng ủy đã tham mưu để Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn ban hành Chỉ thị số 136-CT/ĐU ngày 10/10/2017 về “Tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị nhằm ổn định tình hình, đảm bảo tăng trưởng, phát triển bền vững, thực hiện nghiêm quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Chỉ thị 136 đã thẳng thắn nêu rõ: “Bên cạnh đó, thực trạng chất lượng nguồn lực và việc sử dụng nguồn lực của Tập đoàn thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế; những yếu kém, tiêu cực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của Tập đoàn cũng như niềm tin của cán bộ, đảng viên, người lao động. Đây là những bài học đắt giá để Tập đoàn nghiêm khắc nhìn nhận về chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, quản trị và khả năng dự báo để chủ động đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo cho phát triển bền vững”.

Chỉ thị 136 đã đề ra 8 nhóm giải pháp và lần đầu tiên, Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đặt yêu cầu “Rà soát các chuẩn mực Văn hóa Dầu khí; hoàn chỉnh bộ quy tắc ứng xử Văn hóa Dầu khí trong tình hình mới; tổ chức tuyên truyền và áp dụng sâu rộng trong toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”.

Thực chất Chỉ thị này là hiệu triệu của Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn. Và ngay lập tức đã được các cấp ủy Đảng triển khai nghiêm túc, tạo ra một khí thế mới trong toàn Tập đoàn.

Đảng ủy, Lãnh đạo Tập đoàn chính thức đề nghị Trung ương, Chính phủ có chỉ đạo để các cơ quan chức năng ưu tiên tập trung điều tra, thanh tra, kiểm tra, để làm rõ kết luận và xử lý những vấn đề tồn tại để Tập đoàn có thời gian phục hồi, để còn thời gian giữ chân lại được cán bộ. Tình cảnh lúc đó, nếu không xử lý nhanh, cán bộ mất hết nhuệ khí làm việc thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra.

Chỉ thị 136 đã tạo ra một bầu không khí mới trong đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn tập đoàn. Trong đó, vai trò gương mẫu của đảng viên được đưa lên hàng đầu.

Trong một lần gặp gỡ có các Bí thư chi bộ tiêu biểu của Tập đoàn Dầu khí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất ngắn gọn, xúc tích và cực kỳ đầy đủ về vai trò của đảng viên, của Bí thư chi bộ: “Đảng viên không gương mẫu, nói ai nghe? Bí thư chi bộ không gương mẫu, còn nói ai? Vận động ai?”.

Cũng vào thời điểm ấy, liên tục có các lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn bị xử lý, nên việc lựa chọn người đứng đầu là cực kỳ khó khăn.

Kỳ 2 - Thời kỳ “đại khủng hoảng”
Đồng chí Trần Sỹ Thanh nhận quyết định Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam năm 2018

Đã có cán bộ của Tập đoàn được đề cử vào chức vụ Chủ tịch HĐTV và ai cũng thấy xứng đáng. Nhưng khi báo cáo lên cấp cao nhất để quyết định thì với tầm nhìn xa, lãnh đạo Đảng, Chính phủ lại mong muốn Chủ tịch HĐTV Tập đoàn phải là người có bản lĩnh chính trị cao, nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề nội bộ, xử lý khủng hoảng về tổ chức, xử lý các cuộc “đại khủng hoảng”, cho nên phải tìm người… Và thế là đồng chí Trần Sỹ Thanh được phân công về Tập đoàn.

Không phải vì đồng chí Trần Sỹ Thanh là Ủy viên Trung ương, thậm chí là một số khóa rồi. Mà đồng chí Trần Sỹ Thanh đã có kinh nghiệm của các lĩnh vực đã trải qua, từ quản lý địa phương, quản lý ngành, làm công tác xây dựng Đảng, làm tài chính. Nơi nào “có chuyện”, nơi nào “có lửa” là đưa Trần Sỹ Thanh về, vì thế ông còn có biệt danh “Lính cứu hỏa”.

Đồng chí Phạm Xuân Cảnh đã nói với đồng chí Trần Sỹ Thanh: Năm 2017 là năm đáy của khủng hoảng Dầu khí và con tàu Dầu khí lúc đó mất động lực hay nói cụ thể hơn con tàu mất cả động cơ, cả bánh lái. Và việc của anh Trần Sỹ Thanh là sửa chữa lại động cơ, lắp bánh lái mới.

Đấy là nhiệm vụ lịch sử và đồng chí Trần Sỹ Thanh đã hoàn thành xuất sắc.

 https://petrovietnam.petrotimes.vn/ky-2-thoi-ky-dai-khung-hoang-700365.html

Nguyễn Như Phong / Petrotimes