Hàng xách tay từ đâu ra mà nhiều đến thế? Chất lượng có thực sự tốt, buôn bán hàng xách tay có khó khăn gì? Phải chăng chính tâm lý sính ngoại thái quá của không ít người dân đã khiến các cửa hàng xách tay mọc lên “như nấm sau mưa”?
Những nỗ lực tìm hiểu từ thực tế trong nhiều ngày của PV Báo Lao Động giải đáp phần nào những thắc mắc này.
“Hàng xách tay” mà đánh thành từng “công”
Sau khi đã tin tưởng nhóm PV đích thị là khách “sộp”, muốn đánh mối hàng lớn đi “tỉnh”, các nhân viên và chủ hàng tại con ngõ 158 Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) đã hoàn toàn cởi mở. Lúc này, một nhân viên của cửa hàng H.C 32 - cửa hàng lớn và nổi tiếng nhất khu vực - mới thẳng thắn giải thích với chúng tôi rằng, sở dĩ hàng xách tay có thể về nhiều đến như vậy bởi chúng chủ yếu không đi theo đường hàng không, mà đánh thành từng “công” (container lớn), đi theo đường… biển.
“Tiếp viên chỉ mang được nhẹ nhàng thôi, hoặc hàng đại diện để làm mẫu. Bây giờ sữa của Australia phải đi cả “công” mới đủ. Chứ tiếp viên giỏi lắm thì được 9 hộp trong 1 cái vali thì bán được bao nhiêu, bán được một ngày (là hết)…” - người này cho biết.
Người phụ nữ lớn tuổi ngồi ở quầy thu ngân của nhà HC 32 cho phóng viên biết hàng xách tay bây giờ chủ yếu về theo đường biển. |
Một chủ hàng khác cũng không ngần ngại chia sẻ: “Ví dụ hộp phấn nhé, người ta cần 1.000 hộp thì tiếp viên không thể xách về được nhưng mỗi nhà sẽ gộp vào một chuyến đi đường biển về, chi phí chia nhau. Hoặc đầu vận chuyển ở biển ấy lại là một đơn vị thầu độc lập. Hàng hóa của ai người đó nhận và tiền bao nhiêu thì tự trả. Ví dụ của anh chiếm bao nhiêu cân anh tự trả tiền…”.
Chị Vân - cựu chủ nhân một cửa hàng xách tay trên phố Nguyễn Sơn - khẳng định, khái niệm này được gọi là “ghép công”.
Theo đó, những hộ kinh doanh hàng xách tay muốn đánh hàng tại một quốc gia nào đó sẽ gom hàng rồi cùng vận chuyển về trong một container, thường là cập cảng Hải Phòng. Thông thường, việc kiểm tra hàng hóa xuất đi ở các quốc gia đều không quá chặt chẽ nên khâu đánh hàng rời cảng nước ngoài là khá đơn giản. Tuy nhiên, khi hàng về Việt Nam, những mối quan hệ chằng chịt, những công ty “khai thuê hải quan” sẽ được trưng dụng triệt để miễn sao cho hàng được nhập khẩu nguyên vẹn vào trong nước mà số thuế phải đóng “êm” nhất.
Theo chia sẻ, cách dễ dàng nhất là khai tất cả hàng hóa sang những mã hàng dạng rẻ tiền, vô thưởng vô phạt… Chính vì những nhập nhằng này, các mặt hàng xách tay thuộc diện phải kiểm duyệt kỹ càng bởi các cơ quan y tế bởi liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng… cũng dễ dàng lọt vào trong nước. Do trốn được nhiều thuế và các chi phí kiểm định khác nên giá thực tế của các sản phẩm khá thấp, việc buôn bán qua đó thu những khoản lợi nhuận khổng lồ...
Những chai rượu ngoại được bày bán công khai trong các cửa hàng xách tay tại phố Nguyễn Sơn. |
Một phụ nữ có trên 10 năm kinh doanh hàng hóa xách tay và 4 năm “bám” đất Nguyễn Sơn cũng khẳng định, một trong những lý do khiến hàng xách tay nhan nhản trên thị trường bởi không ít chủ buôn đã trọn cách “trộn” hàng. Nghĩa là, pha thêm hàng chất lượng thấp, hàng Trung Quốc vào các lô hàng xách tay từ các nước phát triển: “Chả phải nói đâu xa. Ở ngay phố Nguyễn Sơn cũng có không ít nhà bán hàng “trộn”.
Sau khi hàng mẫu xịn được tiếp viên xách tay về. Chủ hàng sẽ mang mẫu sang bên Trung Quốc nhờ các xưởng gia công. Chỉ một tuần sau là hàng về đầy kho, y như thật. Lại toàn bán cho nhau bằng niềm tin. Chỉ có trời mới biết…”.
Trăm hoa đua nở
Rời “thủ phủ” hàng xách tay Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội), nhóm PV Báo Lao Động đã tiến hành một cuộc khảo sát nhanh trên địa bàn TP.Hà Nội và nhận thấy rằng, ở hầu hết các tuyến phố lớn trong nội đô, đều ít nhiều có các cửa hàng bán đồ xách tay. Sản phẩm thì đủ chủng loại, song nhiều nhất vẫn là nhóm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa và hàng tiêu dùng.
Tại một địa chỉ ở phố Thái Hà, quan sát bên ngoài, cửa hàng này trang trí hai tông màu hồng xanh rất bắt mắt và không có dấu hiệu gì của việc buôn bán hàng xách tay. Tuy nhiên chỉ cần bước vào bên trong, người mua sẽ được nhân viên tại đây đon đả tư vấn về các loại nước hoa, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng và thực phẩm chức năng đều được xách tay về từ thị trường Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Khi PV đặt câu hỏi về giá thành các mặt hàng tại đây rẻ hơn giá hàng chính hãng, một nhân viên cho biết: “Cửa hàng của bọn em thuê mặt bằng rẻ. Giá nhập cũng rẻ nên bán giá hợp lý cốt để thu hút khách đến mua. Các anh cứ yên tâm là hàng “xịn” 100%”.
Còn tại một cửa hàng chuyên doanh các mặt hàng sữa xách tay từ Australia dành cho trẻ em nằm ở quận Hà Đông, khi nhóm PV đặt vấn đề muốn tận mắt thấy hóa đơn bán lẻ từ nước ngoài thì chủ cửa hàng phân trần: “Hàng này tiếp viên (hàng không) xách về thì làm gì có hóa đơn. Nếu cảm thấy tin thì hãy mua. Mình đã bán cho rất nhiều người và được đánh giá rất tốt rồi…”.
Quá trình tìm hiểu của chúng tôi cũng cho thấy, không chỉ tách biệt hẳn, trên địa bàn thành phố còn có nhiều cửa hàng chọn hình thức bán song song cả hàng chính hãng lẫn xách tay. Tại đây, những hàng hóa dạng xách tay thường được để ở các khu vực riêng biệt khá trang trọng và luôn thu hút một lượng khách hàng không nhỏ…
Ngoài những cửa hàng bán hàng xách tay mọc lên như nấm sau mưa khắp các con ngõ, tuyến phố thì còn một thị trường hàng xách tay nữa cũng đang bùng nổ dữ dội nhờ sự hỗ trợ đắc lực của mạng Internet. Đó chính là thị trường bán hàng online.
Chỉ cần vào Google gõ từ khóa “hàng xách tay” thì kết quả trả về sẽ có hàng nghìn địa chỉ bán hàng công khai, quảng bá đủ các mặt hàng từ thực phẩm, mỹ phẩm tới thời trang, miễn người dùng có nhu cầu thì sẽ được cung cấp kể cả với số lượng lớn. Giá của các sản phẩm thì cũng thượng vàng hạ cám. Có vật dụng chỉ vài nghìn đồng, nhưng cũng có những thứ lên đến hàng chục triệu đồng. Giá cả của các shop cũng mỗi nơi một phách, chênh lệch từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng trên cùng mã sản phẩm.
Hàng xách tay cũng được rao bán công khai trên mạng, ai cũng có thể mua bán một cách đơn giản. |
Tương tự, trên mạng xã hội Facebook, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm hàng trăm trang (page), nhóm (group) buôn bán hàng xách tay theo chủng loại hàng hóa hoặc theo nguồn gốc quốc gia. Tất cả được đăng tải dưới dạng hình ảnh, kèm theo bài viết về công dụng, hướng dẫn sử dụng sản phẩm cụ thể rất bắt mắt, dễ hiểu.
Khách hàng có nhu cầu chỉ cần nhấc điện thoại đặt hàng thì sẽ có người giao hàng tận nhà, nếu mua với số lượng lớn còn được tặng kèm một sản phẩm bất kỳ hoặc có những chính sách ưu đãi miễn phí vận chuyển, giảm giá... Và cũng giống như những cửa hàng ngoài đời thực, lợi thế cạnh tranh của các shop bán hàng xách tay online chính là sự sính ngoại có phần thái quá của không ít người dân.
Phố xách tay Nguyễn Sơn vắng vẻ bất thường Sau 2 kỳ báo đăng tải trên Lao Động, theo thông tin ghi nhận trực tiếp của nhóm PV tại hiện trường, khoảng 9h30 sáng 24.10, một cuộc kiểm tra bất ngờ của cơ quan chức năng đã diễn ra nhắm tới một số cửa hàng kinh doanh hàng xách tay trên tuyến phố Nguyễn Sơn. Hai hộ bị kiểm tra buổi sáng đều là những cái tên “có tiếng” trong giới mỹ phẩm/thực phẩm chức năng xách tay: V.P và H.S. Trước động thái này, gần như 100% các cửa hàng bán đồ xách tay trên phố Nguyễn Sơn nói chung và con ngõ 158 nói riêng đều vội vã đóng sập toàn bộ cửa chính lại. Mọi giao dịch thường nhật ngừng trệ. Cả tuyến phố chợt lặng ngắt như tờ. Buổi chiều, đoàn kiểm tra tiếp tục với các cửa hàng nổi tiếng khác như: S.L và đặc biệt là cửa hàng H.C 32. Ghi nhận đến cuối giờ chiều 24.10, phần lớn các cửa hàng tại đây vẫn cửa đóng then cài im lìm. Thi thoảng lắm, một vài shop kéo cửa lên lưng lửng, nhân viên lẫn chủ quán ngó đầu nhìn ra rồi trao nhau những ánh mắt nghi kỵ rồi lại vội vã đóng sập cửa lại như cũ. |
"Thủ phủ" hàng xách tay Nguyễn Sơn tê liệt sau bài phản ánh của Lao Động Chứng kiến cảnh tượng "thủ phủ" hàng xách tay Nguyễn Sơn đóng cửa hoàn toàn đã khiến những người ngang qua phố không khỏi giật ... |
Thị trường hàng xách tay- thả nổi đến bao giờ?: Mê hồn trận hàng không hóa đơn, trốn, lậu thuế Trong quá trình thâm nhập, tìm hiểu nguồn gốc các mặc hàng xách tay đang được bày bán công khai trên phố Nguyễn Sơn, chúng ... |
Thị trường hàng xách tay - thả nổi đến bao giờ? LTS: Với tâm lý “sính” ngoại, cùng quan niệm của một bộ phận không nhỏ người dân cho rằng, chỉ những sản phẩm được mang ... |
http://laodong.vn/phong-su/ky-3-boi-chung-sinh-hang-ngoai-571982.ldo