Ngay sau khi Chính phủ có quyết định cho người lao động nghỉ liên tiếp 5 ngày trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, thị trường vận tải có dấu hiệu “nóng” trở lại. Nhiều gia đình trước chưa có kế hoạch đi nghỉ xa, nay lên phương án đưa cả nhà đi nghỉ khiến nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến.
Dù các hãng máy bay liên tục tăng tải, song giá vé cao, không hấp dẫn người dân. Thay vào đó, nhiều người đã lựa chọn di chuyển bằng tàu hỏa khiến thị trường vé tàu… “cháy” từ đầu tháng 4.
Nhiều chuyến tàu “cháy” vé sớm
Theo khảo sát của phóng viên, đến thời điểm này nhiều người dân đã không thể mua vé tàu đi nghỉ lễ 30/4 theo đúng nguyện vọng. Trên trang bán vé của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tàu xuất phát từ ga Hà Nội đi các tỉnh phía Nam từ ngày 26 đến 27/4 như SE1, SE5, SE11, SE19, QB1 đều hết chỗ. Chiều về từ ngày 30/4 đến 1/5, các tàu SE20, SE2, SE6, SE12, QB2 cũng hầu như hết vé. Hiện chỉ còn chỗ các đoàn tàu chạy cung đường ngắn giữa Hà Nội - Vinh, Hải Phòng, Thanh Hóa.
Theo đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, dịp lễ doanh nghiệp cung cấp khoảng 60.000 vé gồm cả tàu tăng cường và tàu chạy thường ngày. Phía Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng đưa ra số vé tương đương. So với dịp nghỉ lễ 30/4 năm ngoái, số vé giảm một chút nhưng tốc độ bán nhanh hơn. Nguyên nhân số vé tàu dịp nghỉ lễ năm nay bán ra thấp hơn cùng kỳ năm ngoái là do đường sắt Hà Nội phải đưa 360 toa xe ra sửa chữa. Trường hợp các toa xe sửa chữa xong trước dịp nghỉ lễ sẽ được tăng cường và lập thêm tàu để phục vụ hành khách. Khác với dịp Tết, đường sắt đông khách phần lớn là chiều từ Nam ra Bắc, dịp này nhu cầu vé tàu phía Bắc tăng cao.
Phía Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt cho biết thêm: “Hành khách có thể khó mua vé máy bay nên xu hướng chuyển sang đi tàu. Từ Tết đến nay, công suất các đoàn tàu ngày thường đạt 90 - 95%”. Đặc biệt, đối với 2 mác tàu chất lượng cao mà ngành đường sắt vừa đưa vào khai thác gồm Hà Nội - Đà Nẵng và đoàn tàu kết nối di sản miền Trung, Huế - Đà Nẵng luôn trong tình trạng “cháy vé”. Đối với 2 mác tàu này khách gần như không thể mua được vé vào thời điểm hiện nay.
Trước câu hỏi lượng khách tăng nhưng giá vé có tăng? Phía đường sắt cho hay, do giá nhiên liệu tăng 6% so với cùng kỳ năm trước nên doanh nghiệp tăng giá vé từ 2 - 6% với mác tàu Bắc - Nam như SE1, SE2, SE5, SE6 và tàu SE19/20 tuyến Hà Nội - Đà Nẵng. Hiện vé giường nằm Hà Nội - TP Hồ Chí Minh cao nhất là hơn 1,8 triệu đồng/lượt với khoang 4 giường, 2,7 triệu đồng/lượt với khoang 2 giường.
Ngoài tàu Thống Nhất chạy tuyến Bắc -Nam, dịp cao điểm 30/4 và 1/5, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội sẽ chạy thêm 13 đoàn tàu từ Hà Nội đi Lào Cai, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Hải Phòng. Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn chạy thêm nhiều tàu chặng TP Hồ Chí Minh đi Nha Trang, Phan Thiết phục vụ khách du lịch và hầu hết đã kín chỗ.
Hàng không tăng thêm 20% số chỗ ngồi
Trên thực tế thị trường vé tàu “nóng” theo ngày, còn thị trường vé máy bay có phần trầm hơn. Mới đây, Vietnam Airlines thông báo sẽ bổ sung thêm hơn 100 chuyến bay nội địa và quốc tế, tương ứng với hơn 15.000 chỗ. Hãng bay sẽ cung ứng tổng cộng 575.000 ghế và 2.900 chuyến bay trong giai đoạn cao điểm từ ngày 26/4 đến 2/5. So sánh cùng kỳ năm ngoái, tổng số ghế nội địa và quốc tế tăng lần lượt hơn 10% và 12%.
Bên cạnh đó, Vietjet Air cũng thông báo sẽ tăng thêm 86.000 ghế, tương đương gần 425 chuyến bay trên các đường bay du lịch trong tuần nghỉ lễ giỗ Tổ, 30/4 và 1/5. Ngoài ra, hãng bay giá rẻ ở Việt Nam cũng bổ sung tần suất các đường bay đến và đi từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang trong giai đoạn hè, cung cấp thêm 1,3 triệu ghế để phục vụ người dân và du khách.
Trong khi đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tính hết tuần đầu của tháng 4, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các hãng hàng không đã cung ứng trung bình mỗi ngày 100.000 - 110.000 ghế trên các đường bay nội địa, tăng khoảng 20% so với lịch bay trung bình trong tháng 3/2024. Tỷ lệ đặt chỗ của hành khách hiện vẫn ở mức trung bình trên tất cả các đường bay nội địa, chiều từ 2 điểm đầu (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh) đến các sân bay địa phương và ngược lại dao động trong khoảng 40 - 60%.
Giai đoạn trước ngày nghỉ lễ (ngày 26, 27, 28 và 29/4), đường bay có tỷ lệ đặt chỗ cao nhất là Hà Nội - Quảng Bình (99,51% ngày 27/4). Cùng ngày, các đường bay có tỷ lệ đặt chỗ cao gồm TP Hồ Chí Minh - Tuy Hòa (82,77%), Hà Nội - Phú Quốc và Hà Nội - Huế (khoảng 80%), TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc (77,23%). Các chặng bay khác có tỷ lệ đặt chỗ ở mức trung bình trở xuống.
Đối với chiều bay từ sân bay địa phương, tỷ lệ đặt chỗ vẫn ở mức thấp. Riêng đường bay Điện Biên/TP Hồ Chí Minh/Hà Nội tỷ lệ đặt chỗ cao (đường bay Điện Biên – TP Hồ Chí Minh ngày 27/4 là 99,44%, đường bay Điện Biên - Hà Nội ngày 28/4 là 79,89%). Giai đoạn trong và sau nghỉ lễ, các đường bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đi các sân bay địa phương hiện có tỷ lệ đặt chỗ dưới 50%, đa phần dao động ở mức 20 - 40%.
Trước những khó khăn, thiếu hụt về số lượng máy bay do các hãng tái cơ cấu đội máy bay, động cơ cần bảo trì, sửa chữa, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng xem xét tăng thêm tải cung ứng trên các đường bay từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đi các địa điểm có nhu cầu du lịch lớn như Đà Nẵng, Phú Quốc, Tuy Hòa, Bình Định, Cam Ranh…
Yêu cầu công khai giá vé, hạn chế hủy chuyến dịp nghỉ lễ 30/4-1/5
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi các đơn vị yêu cầu tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam hướng dẫn, đôn đốc Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe thực hiện công khai, minh bạch và đúng quy định về giá cước vận tải, các loại giá, phí dịch vụ tại bến xe.
Các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có phương án tổ chức vận tải phù hợp, chở đúng tải trọng cho phép, đúng số người theo quy định; Kiểm tra chặt chẽ điều kiện an toàn của phương tiện và lái xe trước khi xuất bến; Tăng cường tuyên truyền quy định pháp luật an toàn giao thông, đã uống rượu, bia thì không lái xe, hướng dẫn thực hiện quy tắc và kỹ năng tham gia giao thông an toàn trên đường cao tốc, đường đèo dốc…
Cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng thanh tra phối hợp với Sở GTVT TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số địa phương có hiện tượng nhiều “xe dù, bến cóc”, xe quá tải hoạt động để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định. Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các lực lượng an ninh hàng không, cảng hàng không tăng cường công tác kiểm soát an ninh, an toàn bay.
Phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT và các lực lượng chức năng để tổ chức phân luồng giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các tuyến đường xung quanh khu vực cảng hàng không, đặc biệt tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ. Thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công bố, công khai giá bán và mức giá vé theo quy định...