Dự án “Hệ thống thu gom và vận chuyển khí Bạch Hổ - Thủ Đức”, hay gọi tắt là Dự án khí Bạch Hổ, là dự án khí đầu tiên, lớn về vốn, phức tạp về công nghệ và chưa có tiền lệ ở Việt Nam.
Việc triển khai Dự án khí Bạch Hổ đã diễn ra trong vòng 10 năm, từ 1990 đến 2000, trải qua nhiều bước, từ lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật, lập thiết kế tổng thể đến thu xếp vốn và lựa chọn nhà thầu xây dựng, bước nào cũng khó khăn phức tạp, nhưng bước đi đầu tiên – lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật (bây giờ gọi là nghiên cứu khả thi) là bước khó khăn nhất.
Việc lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật được giao cho Công ty Khí đốt thực hiện. Với khát khao sớm thu gom và đưa khí đồng hành vào bờ, bằng sự quyết tâm và tập trung cao độ, Công ty Khí đốt đã hoàn thành bản luận chứng kinh tế - kỹ thuật, trình Tổng Công ty Dầu Khí, Bộ Công nghiệp nặng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong vòng một năm.
Bản luận chứng kinh tế - kỹ thuật này là căn cứ quan trọng để quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo của Dự án Khí Bạch Hổ.
Ông Vũ Đình Chiến đón tiếp Chủ tịch nước Trần Đức Lương và đoàn công tác đến thăm GPP Dinh Cố
Những kỷ niệm khó quên
Tôi có may mắn được tham gia Dự án Khí Bạch Hổ từ những ngày đầu tiên và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với Dự án.
Khi ấy, vào năm 1990, sau thời gian công tác ở Vietsovpetro, tôi được điểu động trở lại Tổng công ty Dầu khí ở Hà Nội làm Trưởng phòng Xây dựng Cơ bản. Đây là phòng đầu mối về dự án, với chức năng tham mưu cho Ban Tổng Giám đốc Tổng công ty, nên tôi đã có cơ hội tham gia sâu vào các bước, các công việc của Dự án Khí Bạch Hổ.
Cuối tháng 6/1998, trong lúc tôi đang nghỉ phép với gia đình thì nghe phong thanh Ban Cán sự Đảng Tổng Công ty Dầu Khí có nghị quyết về việc điều một số trưởng phòng Tổng công ty xuống các đơn vị cơ sở, trong đó có tôi vào Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí.
Trở lại làm việc khi hết phép, trong lòng có chút băn khoăn nhưng chưa có cơ hội trình bày với Ban Cán sự Đảng, tôi được yêu cầu đi công tác ở Vũng Tàu cùng với Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu Khí. Tại trụ sở Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí, Tổng Giám đốc Tổng Công ty công bố quyết định bổ nhiệm tôi làm Giám đốc Công ty từ ngày 1/7/1998. Thời gian còn lại quá ngắn nên tôi không kịp ra Hà Nội chuẩn bị, mà ở lại Vũng Tàu với tư trang tối thiểu cho chuyến công tác ngắn ngày, tạm trú ở khách sạn để bắt tay vào tiếp quản công ty và điều hành.
Việc tôi chuyển từ công tác tham mưu ở tổng hành dinh sang làm chỉ huy ở mặt trận đã diễn ra theo đúng phong cách quân sự vì khi đó đường ống dẫn khí Bạch Hổ - Phú Mỹ và Giàn nén khí Trung tâm mỏ Bạch Hổ đã hoàn thành, còn Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố và Kho cảng Thị Vải đã khởi công được một năm nhưng còn ngổn ngang và đang triển khai nước rút với mục tiêu hoàn thành vào tháng 5/1999.
Lãnh đạo PV GAS họp triển khai dự án GPP Dinh Cố
Sau khi tiếp nhận công việc ở Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí, tôi bắt tay vào rà soát tiến độ xây dựng Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố, Kho cảng Thị Vải và thấy rằng Nhà máy Xử lý khí Dinh cố do Samsung làm tổng thầu triển khai bình thường, còn Kho cảng Thị Vải do nhà thầu trong nước làm tổng thầu đang chậm so với tiến độ. Kho cảng Thị Vải là nơi tiếp nhận, tàng trữ và xuất sản phẩm lỏng từ Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố. Do đó, nếu Kho cảng chậm, không có nơi tiếp nhận sản phẩm lỏng, nhà máy không thể chạy thử và đi vào vận hành đươc. Vấn đề đảm bảo tiến độ hoàn thành của kho cảng Thị Vải sau đó trở thành ưu tiên số 1, "nóng" đến mức hàng tháng Tổng Công ty Dầu khí tổ chức giao ban riêng về công trình này. Ở Công ty Khí, càng gần cuối năm 1998 chúng tôi càng thấy rõ rằng tổng thầu trong nước không thể hoàn thành kho cảng đúng tiến độ vào tháng 5/1999; rằng phải tìm bằng được phương án tạm thay thế kho cảng để nhà máy chạy thử và đi vào vận hành đúng tiến độ, tránh những hậu quả to lớn về kinh tế nếu nhà máy phải chờ kho cảng.
Bốn phương án tạm đã được nghiên cứu và giải pháp hiệu quả nhất đã được chọn, bao gồm: thuê tàu chứa LPG trọng tải 7.000 tấn neo trên sông Thị Vải làm kho nổi và cảng xuất theo hình thức cặp mạn; làm đường ống tạm dẫn LPG từ bờ sông lên tàu chứa, bỏ qua Kho cảng Thị Vải và thuê tàu con thoi cặp mạn tàu chứa để tiếp nhận và vận chuyển LPG đến kho của khách hàng. Giải pháp tạm được Công ty Khí lặng lẽ hoàn chỉnh song song với việc đốc thúc tiến độ kho cảng để không làm sao nhãng những nỗ lực của Tổng thầu kho cảng. Giữa tháng 1/1999, 4 tháng trước ngày nhà máy chạy thử, Công ty Khí trình giải pháp tạm và nhanh chóng được Tổng Công ty Dầu khí phê duyệt. Sau 2 tháng triển khai, đầu tháng 5/1999 giải pháp tạm đã hoàn thành, kịp thời để Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố chạy thử và đi vào vận hành. Ban đầu dự kiến giải pháp tạm sẽ được khai thác trong vòng 5 tháng, nhưng thực tế đã kéo dài 2 năm đến khi Kho cảng Thị Vải hoàn thành toàn bộ và đi vào hoạt động. Giải pháp này thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo và quyết liệt của tập thể người lao động Công ty Khí, trong đó có đóng góp to lớn của Phòng Phân phối khí, đứng đầu là anh Từ Cường.
Trải qua chặng đường bao nhiêu gian khó nên đến thời điểm chạy thử Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố tháng 10/1998 và khánh thành tháng 7/1999, tất cả anh em chúng tôi đều rưng rưng xúc động, lòng trào dâng cảm xúc rất khó tả khi chứng kiến những tấn condensate, LPG đầu tiên được xuất bán và được thị trường chấp nhận. Nhưng sau những niềm vui đó là thách thức tiếp nhận và vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả, sớm làm chủ công nghệ để giảm thiểu thời gian thuê chuyên gia vận hành nước ngoài.
Vài tháng sau, nhà máy phải đối mặt với sự cố Y2K. Sự cố Y2K được coi là rủi ro lớn toàn cầu; việc đối phó được quan tâm hàng đầu. Chúng tôi tập trung rà soát toàn bộ hệ thống, đặc biệt là phần cứng và phần mềm của hệ thống điều khiển trung tâm, đưa ra các tình huống sự cố có thể xảy ra vào thời điểm giao thừa sang thiên niên kỷ mới để chuẩn bị phương án đối phó. Lúc này chúng tôi vẫn còn đang thuê chuyên gia vận hành nước ngoài, chưa tự vận hành hoàn toàn nên tôi cũng thấy lo lắng. Vào những ngày cuối cùng của năm 1999, tôi đã làm việc trực tiếp với kỹ sư trẻ – Phó Quản đốc Đinh Ngọc Huy. Nghe anh Huy trình bày các phương án xử lý một cách tự tin, tôi quyết định giao cho anh Huy trực tiếp chỉ huy xử lý và ứng phó sự cố. Các chuyên gia vận hành nước ngoài khuyên không nên tập trung đông người tại nhà máy để giảm thiểu thiệt hại về người lỡ khi sự cố xảy ra. Tôi tin vào lớp trẻ và nghĩ sự có mặt của lãnh đạo sẽ tạo thêm cảm hứng, động lực để anh em làm việc nên tôi đã có mặt tại Nhà máy vào thời điểm giao thừa và chứng kiến đội ngũ kỹ sư công nhân vận hành non trẻ của Nhà máy cùng nhau vượt qua sự kiện Y2K.
Trong một thời gian ngắn, bộ máy vận hành của Nhà máy đã nhanh chóng vươn lên làm chủ công nghệ, vận hành Nhà máy thông suốt, liên tục và hiệu quả cho đến ngày hôm nay.
Vũ Đình Chiến
Giám đốc Công ty Chế biến và Kinh doanh các sản phẩm khí
Giai đoạn 1998-2004
PV GAS ký kết các hợp đồng chuỗi dự án khí điện LNG Thị Vải – Nhơn Trạch Ngày 24/6/2019, tại trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã diễn ra Lễ ký kết “Hợp đồng thiết kế, mua sắm vật ... |
Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm dự án khí Lô B Tiếp ông Tatsuo Yasunaga, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty Mitsui, Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam hết sức ... |
Thủ tướng: Dự án điện khí 4 tỷ USD ở Bạc Liêu phải làm nghiêm túc, bài bản Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là dự án có vốn đầu tư lớn (khoảng 4 tỷ USD), nên trong mọi khâu phải ... |