Nhẹ dạ cả tin, nhiều thanh niên dân tộc thiểu số của làng Kloong ở Gia Lai sập bẫy nạn buôn người, để giờ đây ký ức về tháng ngày nơi xứ người vẫn chưa dứt ám ảnh.

Bị bỏ đói, dọa lấy mạng, bán đi nơi khác hay vứt ra biển…, đó là những màn tra tấn thể xác lẫn tinh thần chẳng khác nào “địa ngục trần gian” mà bọn buôn người gieo rắc cho 7 thanh niên làng Kloong (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai).

Ám ảnh khôn nguôi

Puih Đại (24 tuổi, một trong 5 nạn nhân bị lừa sang Campuchia, được đưa về địa phương hôm 7/7) vẫn chưa hết bàng hoàng khi vừa trải qua hành trình dài trở về từ “cõi chết”.

Giọng run run, Đại kể thời điểm giữa tháng 6, anh tình cờ kết quen một người tên Quyết. Ngoài cái tên ra, Đại không có bất cứ thông tin lai lịch của Quyết. Ngay từ lần đầu gặp, Quyết thuyết phục Đại sang Campuchia làm việc, song vì còn mẹ già và vợ mang bầu nên anh không đồng ý.

Sau nhiều lần thuyết phục bất thành, Quyết “mời chào” anh Đại đi Tây Ninh làm việc với mức lương béo bở từ 18-20 triệu đồng. “Nghĩ mọi việc đơn giản, cũng muốn kiếm chút tiền lo việc sinh nở cho vợ nên tôi khăn gói theo Quyết vào miền Nam. Nào ngờ, mình bị tên Quyết lừa qua tận Campuchia”, anh Đại ân hận.

Ký ức kinh hoàng của những thanh niên làng Kloong bị lừa bán sang Campuchia - 1

Tin vào "việc nhẹ, lương cao", những thanh niên làng Kloong sập bẫy nạn buôn người.

Sang Campuchia, Đại cùng nhóm thanh niên cùng quê phải hứng chịu tấn bi kịch “sống không bằng chết”. Mới chân ướt chân ráo tới miền đất lạ, anh được hướng dẫn dùng máy tính để tạo lập các nick Facebook, Zalo. Tiếp đó, các đối tượng thông qua hợp đồng triển khai giao chỉ tiêu công việc, ép các thanh niên đi lừa đảo người khác.

Cụ thể, thông qua các mạng xã hội này, Đại phải nhắn tin dụ dỗ những người chơi game, đánh bạc qua mạng nạp tiền vào những số tài khoản mà những tên chủ đã chuẩn bị từ trước. Theo anh Đại được biết, những công việc này hầu hết phục vụ cho những đường dây đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo trên không gian mạng.

Mỗi ngày 24 tiếng thì có hơn gần 20 tiếng những “địa chủ” bắt các “tay sai” như Đại lao đầu vào công việc lừa đảo. “Thấy công việc không phù hợp nên mình có xin nghỉ về nhà nhưng họ không cho. Vì không làm đủ chỉ tiêu nên họ xích mình lại rồi đánh đập, dí điện, bỏ đói nhiều ngày. Thậm chí họ còn dọa giết. Hầu như mấy anh em trong làng đều bị hành hạ thường xuyên từ ngày này qua ngày nọ”, anh Đại bàng hoàng nhớ lại.

Và khi nhận thấy không thể lợi dụng Đại cũng như nhóm thanh niên làng Kloong đi lừa đảo qua mạng xã hội, bọn chúng ép Đại gọi điện về nói người nhà gửi tiền sang chuộc. “Ban đầu là 150 triệu đồng, về sau chúng giảm dần xuống 100 triệu đồng và cuối cùng là 65 triệu đồng. Nếu ai không có tiền chuộc thì chúng sẽ dọa bán đi nơi khác hoặc đem thả xuống biển. Quá ác độc” – giọng phẫn uất, Đại nói.

Ký ức kinh hoàng của những thanh niên làng Kloong bị lừa bán sang Campuchia - 2

“Đó là những ngày kinh hoàng mà có lẽ tôi sẽ không bao giờ dám “bán mạng” như vậy thêm một lần nào nữa." Puih Đại (ở giữa)

Anh trai ruột của anh Puih Đại là Puih Thái (28 tuổi) cũng là một trong những nạn nhân sập bẫy “việc nhẹ, lương cao”, đã về địa phương hôm 3/7.

Nhớ về những ngày ở Campuchia, anh Thái vẫn chưa hết ớn lạnh. Anh kể, khoảng giữa tháng 6/2022, anh được một người đàn ông tên S. trong làng hứa hẹn tìm việc làm tại TP.HCM với mức lương từ 18-20 triệu/tháng. Cuộc sống khó khăn, cả nhà chật vật mãi mới lo đủ cái ăn nên anh Thái quyết định đến vùng đất xa lạ với giấc mộng đổi đời.

Ngày 19/6, anh Thái và một thanh niên trong làng được người đàn ông tên S. bắt xe dẫn xuống TP.HCM. Khi đến bến xe, cả hai được đón và đưa đến nhà nghỉ. Đến chiều 20/6, anh Thái được đưa lên ô tô chở tới cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Khuya cùng ngày, cả hai được đưa vượt biên sang Campuchia.

Khi đến Campuchia, anh Thái gặp 5 thanh niên cùng làng đã qua bên đây từ trước. Tuy nhiên bất ngờ lớn nhất đối với anh là trong số này có người em trai ruột của anh – Puih Đại.

Ở đây, hai anh em anh Thái cùng những thanh niên còn lại được sắp xếp cho ở chung trong một khu có nhiều dãy nhà cao tầng. Xung quanh được rào kín và có bảo vệ canh gác 24/24. “Khu này do người Trung Quốc làm chủ, người Việt Nam quản lý và người Campuchia làm bảo vệ”, anh Puih Thái nói.

Anh Thái sau đó được người trong công ty sắp xếp làm công việc trên máy tính, song do chưa bao giờ sử dụng thiết bị này nên anh xin nghỉ. Sau đó, công ty bắt anh bồi thường 90 triệu đồng tiền xe, tiền ăn và tiền “mua” anh tại biên giới.

Sau 2 ngày liên hệ với gia đình nhưng chưa thấy tiền chuyển về tài khoản, họ đã đánh, chửi mắng anh. Đến khi gia đình Puih Thái vay mượn tiền và gửi 90 triệu đồng theo yêu cầu của người trong công ty thì anh mới được thả về.

Ký ức kinh hoàng của những thanh niên làng Kloong bị lừa bán sang Campuchia - 3

Anh Puih Thái và Puih Phú vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại những ngày bị lừa bán sang Campuchia.

May mắn cũng được hồi hương cùng với anh Thái là Puih Phú (16 tuổi). Phú cho biết khi bị lừa sang Campuchia, em phải làm việc từ 9 giờ sáng tới 22 giờ đêm. Thời gian làm việc nhiều, quá sức, Phú ngỏ ý muốn nghỉ thì nhận được yêu cầu gia đình phải gửi 100 triệu đồng để chuộc.

Sau khi nộp tiền chuộc, khoảng 24 giờ đêm, lợi dụng trời tối, Phú và khoảng hơn 30 người cầm chai thủy tinh, cùng nhau uy hiếp 4 bảo vệ rồi bỏ trốn khỏi nơi canh giữ. Sau khi ra khỏi cổng, mọi người tách ra thành các nhóm nhỏ bỏ chạy.

“Lúc đó vì quá hoảng loạn, tôi cùng một nhóm 9 người nữa cắm mặt chạy sâu vào rừng. Sau khi vào rừng, một người trong nhóm có điện thoại đã bật định vị, cả nhóm cứ nhằm hướng về Việt Nam mà chạy. Trên đường đi, chúng tôi phải băng rừng, bơi qua 2 con sông. Đến khoảng 5 giờ sáng, cả nhóm chạy được đến gần cửa khẩu Mộc Bài, may mắn gặp được người dân Việt Nam sinh sống ở Campuchia và nhờ người này gọi xe để đưa về Việt Nam”, Phú thất thần kể lại.

Sau khi về tới Việt Nam, Phú và những người trốn thoát đã đến đồn biên phòng ở Cửa khẩu Mộc Bài để trình báo sự việc. Sau đó tất cả được bố trí đưa về quê. Trong số này có người ở Hà Giang, Bình Phước, Đắk Nông. Trong nhóm người bỏ trốn, một số người không may đã bị bắt trở lại.

Nước mắt ngày trở về

Những giọt nước mắt hạnh phúc vẫn lăn dài trên gò má của bà Puih Phyăn khi nhớ lại khoảnh khắc các con trai của mình trở về từ “cõi chết”. Bà Puih Phyăn là mẹ của anh Puih Thái và Puih Đại.

Ngồi bên hiên nhà, bà Phyăn ôm chặt người con trai thứ Puih Đại. Đôi mắt ngấn lệ, bà nhớ lại, lúc nhận được điện thoại của con bà mừng lắm bởi sau những ngày bặt vô âm tín thì cuối cùng con mình cũng đã liên lạc về nhà. Thế nhưng, bà như chết lặng bởi lời cầu cứu của con.

“Nó nói “Mẹ cố gắng vay mượn tiền gửi sang chuộc con về chứ bên này con khổ lắm, bị bỏ đói, đánh đập”. Sau cuộc gọi cầu cứu ấy, cả gia đình tôi đã chạy khắp nơi, vay mượn tiền chuộc chúng nó về”, bà Phyăn kể.

Để có tiền chuộc các con trở về, gia đình bà Phyăn đã phải chạy khắp nơi vay mượn hàng chục triệu đồng từ người thân, hàng xóm. Cuộc sống của gia đình từ đó càng thêm chất chồng khó khăn. “Dù giờ đây gia đình vướng khoản nợ lớn song vẫn hạnh phúc vì các con tôi đã bình an trở về. Về đây cố gắng làm lụng trả nợ dần còn hơn “bán mạng” nơi xứ người”, bà Phyăn bộc bạch.

Ký ức kinh hoàng của những thanh niên làng Kloong bị lừa bán sang Campuchia - 4

Những người mẹ không cầm được nước mắt khi thấy các con trở về.

Cùng chung nỗi niềm của người mẹ, ngay khi chiếc xe của Đồn Biên phòng Ia O đưa Ksor Gum trở về nhà vừa dừng bánh, hai hàng nước mắt cứ lăn dài trên đôi gò má gầy gò của bà Ksor Sam (mẹ Ksor Gum).

Bà Sam nghẹn ngào: “Lúc này, gia đình chẳng thể nào vui sướng hơn. Nó đã trở về thật rồi, tôi sẽ không để nó đi đâu nữa, sẽ bảo ban các con làm ăn, trả nợ. Tôi hạnh phúc lắm”.

Đại tá Trần Thanh Bình, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết sau khi triển khai đồng bộ các biện pháp, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Tư lệnh, Bộ đội Biên phòng, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng và sự tham gia phối hợp của các lực lượng chức năng, hiện nay các nạn nhân ở khu vực địa bàn biên giới đã được hỗ trợ, giải cứu và tiếp nhận về đến địa bàn an toàn.

Ký ức kinh hoàng của những thanh niên làng Kloong bị lừa bán sang Campuchia - 5

"Qua các thông tin khai thác, xác minh từ đối tượng đã bị bắt cho thấy việc lừa đảo các nạn nhân đi vào phía Nam hoặc sang Campuchia vẫn còn tiếp diễn. Hiện chúng tôi sẽ triển khai tuyên truyền cho người dân ở khu vực biên giới về hình thức lừa đảo này. Đồng thời đơn vị cũng phối hợp với các lực lượng chức năng tiếp tục đấu tranh khai thác thông tin từ các đối tượng đã bắt giữ và có các biện pháp tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương và cấp trên để xử lý." Đại tá Trần Thanh Bình

Ngày 6/7, Đồn Biên phòng Ia O (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự mua bán, lừa 7 thanh thiếu niên người Jrai ở xã Kloong (xã Ia O, huyện Ia Grai) vượt biên sang Campuchia xảy ra cuối tháng 6/2022.

Cùng với việc khởi tố vụ án, Đồn Biên phòng Ia O cũng hoàn thiện các thủ tục bàn giao hồ sơ vụ án và bàn giao Trần Quang Quyết (SN 2001, trú tại thôn 7, xã Ia Đal, huyện Ia Hdrai, tỉnh Kon Tum) cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai để tiếp tục điều tra, làm rõ theo thẩm quyền.

Theo kết quả điều tra ban đầu, đầu năm 2022, Quyết vào TP.HCM làm thuê rồi bị lừa sang Campuchia làm việc trong công ty. Tháng 6/2022, không đáp ứng được công việc, Quyết nợ công ty hơn 100 triệu đồng. Khi đó, 2 người phụ nữ gốc Việt tại đây gợi ý cho Quyết, nếu tìm và đưa được người trong nước sang Campuchia trót lọt, sẽ được trả khoảng 700 USD/ người.

Sau đó, vào các ngày 19-20/6, Quyết liên lạc và mời 7 thanh thiếu niên làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai vào tỉnh Tây Ninh làm việc nhẹ, với mức lương tháng từ 18 đến 20 triệu đồng. Liên tiếp trong 2 ngày là 20 và 21/6, Quyết đón nhóm thanh thiếu niên thành 2 đợt tại TP.HCM, sau đó dẫn về huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Tại đây, đối tượng cùng vài người khác đưa 7 người này vượt biên trái phép sang Campuchia.

https://vtc.vn/ky-uc-kinh-hoang-cua-nhung-thanh-nien-lang-kloong-bi-lua-ban-sang-campuchia-ar687243.html

Hiền Mai / VTC News