Bất kỳ thỏa thuận hòa bình Trung Đông nào cũng sẽ bị đe dọa nếu các nguồn nước không được phân bổ công bằng và quản lý hiệu quả
Trong bối cảnh xung đột Israel - Palestine tiếp tục cướp đi mạng sống của nạn nhân hai bên, phái viên Jason Greenblatt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng tìm ra thứ gì đó có thể mang lại thành công cho nỗ lực kiến tạo hòa bình ở Trung Đông. Nước sạch có thể là câu trả lời ông đang tìm kiếm.
Đối với những cộng đồng Palestine sống trong tình trạng thiếu nước và đang yêu cầu Israel chấp thuận để tăng cường khai thác nguồn tài nguyên nước chung, một thỏa thuận tăng 50% lượng nước mà Israel bán cho Palestine hằng năm (nếu có) sẽ cải thiện đáng kể đời sống người dân Palestine trong lúc không gây tình trạng thiếu hụt nước ở phía Israel.
Nỗ lực xúc tiến hòa bình thông qua chia sẻ nước giữa Israel và Palestine cần phải được khuyến khích và tiếp tục. Để bảo đảm Mỹ không tự tay phá hủy những nỗ lực của chính mình, chính quyền ông Trump phải đánh giá lại một vài chính sách khu vực Trung Đông dưới góc nhìn về an ninh nước. Ví dụ, Đạo luật Taylor Force cấm hàng cứu trợ Mỹ đến bờ Tây và Dải Gaza, áp dụng đối với các chương trình nước. Việc cắt giảm quỹ của Cơ quan Cứu trợ và Hoạt động vì người tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) sẽ tác động như thế nào đến cuộc khủng hoảng nước vốn đã vô cùng nghiêm trọng ở Gaza? Bất cứ động thái nào tiếp tục đe dọa đến sự tiếp cận nguồn nước của Palestine đều có thể gây bất ổn khu vực.
Mỹ rõ ràng nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề an ninh nước quốc tế khi công bố Chiến lược Nước toàn cầu, theo đó, điều phối hoạt động của 16 cơ quan chính phủ và các đối tác tư nhân trong nước. Chính phủ Israel cũng xem nước là vấn đề an ninh và điều này có thể thay đổi cục diện cuộc chơi. Còn với chính phủ Palestine, ưu tiên của họ là tăng cung cấp nước để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và mong muốn có quyền tiếp cận và phát triển các nguồn tài nguyên của họ.
Israel hiện đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ tân tiến để biến nước biển Địa Trung Hải thành nước uống với chi phí hợp lý. Ngày nay, 70% nước uống của Israel được sản xuất thông qua quá trình khử muối, trong khi 85% nước thải của họ được xử lý và tái sử dụng để đáp ứng nhu cầu nông nghiệp. Từ một quốc gia khô cằn, Israel không còn chịu cảnh thiếu hụt nước. Bước đi hợp lý tiếp theo, ngoài chuyện bán nước sạch, là đàm phán phân bổ lại nguồn tài nguyên nước tự nhiên chung của Israel và Palestine một cách công bằng.
Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah (giữa) thăm một nhà máy khử nước mặn ở Dải Gaza Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, cả hai bên đều từ chối thương lượng vấn đề này mà muốn nó trở thành một phần của cuộc thương thảo về những vấn đề khác, như biên giới và tị nạn. Giới chính trị gia Israel quả quyết rằng Palestine phải thỏa hiệp về vấn đề tị nạn nếu muốn đạt được một thỏa thuận nước tốt hơn. Trong khi đó, phía Palestine lập luận rằng họ không thể để nhu cầu về một thỏa thuận nước làm giảm bớt sức ép tìm giải pháp cho những vấn đề khác. Cả Israel và Palestine đều nhấn mạnh nếu không đạt được thỏa thuận về biên giới và các khu định cư, họ không thể biết được phần tài nguyên nước tự nhiên nào thuộc về mình.
Vấn đề là thời gian không chờ đợi bên nào. Biến đổi khí hậu, sự sụt giảm nguồn nước tự nhiên và ô nhiễm gia tăng đang gây ra những tác động tiêu cực. Ở bờ Tây, khoảng 60 triệu m3 nước thải chưa qua xử lý đang gây ô nhiễm các tầng nước ngầm, dòng suối và Địa Trung Hải hằng năm. Còn ở Gaza, ô nhiễm gây ra bởi nước thải chưa qua xử lý nghiêm trọng đến độ nước ngầm không thể uống được. Phần lớn bãi biển ở Gaza và một số bãi biển ở Israel buộc phải đóng cửa. Đáng lo hơn, cuộc khủng hoảng nước thải ở Gaza đã khiến một nhà máy khử mặn nước biển của Israel gần đó phải ngưng hoạt động, đe dọa đến công nghệ đang bảo đảm khu vực có đủ nước sạch sử dụng.
Tình trạng thiếu nước sạch và ô nhiễm sẽ dẫn đến sự lây lan các dịch bệnh. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng bày tỏ quan ngại về nguy cơ bùng nổ dịch tả hoặc các bệnh lây nhiễm khác ở Gaza, đồng thời đề nghị cung cấp thêm nguồn nước sạch để ngăn chặn những mối đe dọa về sức khỏe cộng đồng, môi trường và an ninh quốc gia nhằm vào Israel.
Logic thiết lập hòa bình thông qua ngoại giao nước càng được củng cố khi người ta xem xét đến tình trạng bất ổn rộng lớn hơn của khu vực. Việc thúc đẩy những dự án cung cấp nước và hoạt động mua bán tại đây mang đến cơ hội giúp ổn định tình hình. Sự khan hiếm nước là một trong những nguyên nhân dẫn đến xung đột ở Syria và hiện tại, trong bối cảnh người tị nạn Syria tràn qua nước láng giềng Jordan, cần có thêm cơ hội kinh tế cho cả người tị nạn và người dân địa phương nếu không muốn bất ổn khu vực tiếp tục xảy ra.
Trước mắt, nước là thứ cần phải có. Rõ ràng, việc phân bổ lại nước sạch hiệu quả và công bằng tại khu vực có thể mở ra một hướng đi quan trọng đến với sự ổn định lâu dài hơn. Ngược lại, sự bền vững của bất kỳ thỏa thuận hòa bình Trung Đông nào cũng sẽ bị đe dọa nếu các nguồn nước không được phân bổ công bằng và quản lý hiệu quả.
Thổ Nhĩ Kỳ giải thích lý do mua S-400 của Nga, cảnh báo Mỹ Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định Ankara quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga vì đồng minh ... |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Đàm phán hạt nhân Triều Tiên đang mong manh Ông James Mattis tránh công khai thảo luận về cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên vì nỗ lực ngoại giao nhằm xử lý vấn ... |
Canh bạc lớn của ông D.Trump Ông chủ Nhà Trắng có thể đưa ra những nhượng bộ khiến các hàng xóm châu Á của Triều Tiên khó nuốt trôi |