Ngân hàng DAB mượn pháp nhân để xuất khẩu vàng, dùng tiền này kinh doanh vàng tài khoản, gây thiệt hại hơn 610 tỷ đồng.
Tại phiên xử sắp diễn ra tại TP HCM, ông Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á - DAB) cùng hàng loạt nhân viên bị cáo buộc nhiều sai phạm, gây thất thoát hơn 3.500 tỷ đồng. Trong đó, việc ông Bình chỉ đạo cấp dưới lách luật để kinh doanh vàng với đối tác nước ngoài khiến DAB mất 29 triệu USD (tương đương 610 tỷ đồng).
Mượn doanh nghiệp xuất khẩu 30.000 lượng vàng
Theo cáo trạng, ông Bình giao cho Nguyễn Thị Kim Loan (Trưởng phòng Kinh doanh Hội sở DAB) chịu trách nhiệm, quản lý việc kinh doanh vàng với đối tác nước ngoài. Đầu năm 2010, do Ngân hàng Nhà nước không cho tổ chức tín dụng kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, ông Bình lách luật bằng cách mượn pháp nhân Công ty TNHH Tân Vạn Hưng (quận Tân Bình, TP HCM).
Đôi bên thỏa thuận, DAB sẽ chuyển vàng miếng cho Tân Vạn Hưng gia công thành trang sức. Sau đó, nhà băng sẽ dùng pháp nhân công ty này để xuất khẩu, đồng thời kinh doanh vàng tài khoản với đối tác là Công ty INTL tại Mỹ. Khi INTL thanh toán tiền vào tài khoản của Tân Vạn Hưng tại DAB, ngân hàng sẽ lấy và hợp thức hóa bằng cách lập chứng từ với nội dung "mua lại toàn bộ số ngoại tệ" này.
Ông Trần Phương Bình viết thư tay xin lỗi khách hàng, cổ đông và cán bộ nhân viên hồi tháng 8/2015.
Khai với cơ quan điều tra, ông Bình và Loan cho biết, từ 20/9/2010 đến 13/12/2011, DAB đã dùng pháp nhân Tân Vạn Hưng mở 6 tờ khai hải quan tại Chi Cục Hải quan sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất để xuất tổng cộng gần 30.000 lượng vàng SJC dưới dạng nữ trang. Tuy nhiên, INTL chỉ mới thanh toán được gần một nửa, còn lại khoảng 16.000 lượng (tương đương hơn 610 tỷ đồng) chưa thanh toán.
Ông Bình dùng chính tiền xuất khẩu vàng để ký quỹ, cắt lỗ kinh doanh vàng tài khoản tại INTL. Đây là lý do khiến các lô vàng xuất khẩu nhưng không được đối tác Mỹ trả tiền đầy đủ.
Nhà chức trách đã đề nghị Bộ Tư pháp Mỹ phối hợp điều tra việc xuất khẩu vàng, kinh doanh vàng tài khoản của DAB với công ty INTL nhưng đến nay chưa có phúc đáp. Tuy nhiên, VKSND Tối cao cho rằng, đây là tài liệu bổ trợ cho kết quả điều tra, không ảnh hưởng đến bản chất sự thật khách quan gây thiệt hại cho DAB.
Giám đốc Công ty Tân Vạn Hưng đã chết, doanh nghiệp này hiện đã ngưng hoạt động nên cơ quan điều tra chưa xử lý.
DAB thiệt hại nặng nề vì Vũ Nhôm
Công ty Bắc Nam 79 do Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) làm Chủ tịch HĐQT, sở hữu 50 triệu cổ phần (10%) DAB. Năm 2013 DAB bị thua lỗ kéo dài, ông Bình ra chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng để có tiền xử lý khó khăn, nâng cao vị thế.
Năm 2014, ông Bình thống nhất bán cho Vũ Nhôm 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn, nắm quyền chi phối DAB. Tuy nhiên, Vũ Nhôm chỉ thế chấp cho ngân hàng 220 lô đất tại Đà Nẵng trị giá 400 tỷ đồng. 200 tỷ còn lại Vũ được ông Bình xuất quỹ của DAB ứng bù.
Khi tăng vốn không thành, DAB đã chuyển trả cho Công ty Bắc Nam 79 tiền gốc 600 tỷ đồng và 9,5 tỷ tiền lãi. VKSND Tối cao xác định, Vũ Nhôm chiếm đoạt của DAB tổng cộng 203 tỷ đồng.
Trong một giao dịch khác, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ gần 300 tỷ đồng để mua hơn 13 triệu USD đưa cho Vũ Nhôm nhưng chưa thu hồi được.
Phiên tòa kéo dài một tháng
Vụ án dự kiến được TAND TP HCM đưa ra xét xử ngày 27/11, kéo dài đến ngày 25/12. HĐXX sẽ triệu tập nguyên đơn dân sự là Ngân hàng Đông Á cùng 27 tổ chức, 306 cá nhân với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.
Phan Văn Anh Vũ bị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355 BLHS 2015. Ngoài cáo buộc là đồng phạm với Vũ Nhôm, ông Trần Phương Bình cùng 24 người khác còn bị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS 1999) và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285, BLHS 1999). Tất cả đều có khung hình phạt 20 năm đến chung thân.
Trước khi bị truy tố trong vụ án này, ngày 30/7, Vũ Nhôm bị TAND Hà Nội tuyên phạt 9 năm tù về tội Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.
Quốc Thắng
Ngân hàng Đông Á mất 24 triệu USD vì mua bán ngoại hối trái phép Ông Trần Phương Bình chỉ đạo nhân viên kinh doanh USD với ngân hàng Thụy Sỹ và Singapore gây thiệt hại hơn 380 tỷ đồng. |