Ladakh có nhiều điểm chung với Tây Tạng như cùng thuộc dãy Himalaya, văn hóa Phật giáo, phong cảnh ngoạn mục và vẫn là bí ẩn với du khách.

Tìm ra cách người Ai Cập chuyển đá khổng lồ đi 800km xây kim tự tháp
Những bí ẩn về vách đá đẻ trứng

Ladakh là một vùng miền núi, khu tự trị ở miền bắc Ấn Độ giáp với Pakistan, khu vực tranh chấp Kashmir và các khu tự trị của Trung Quốc như Tân Cương, Tây Tạng. Điều dễ hiểu là với vị trí này, Ladakh từng là một "giao lộ" văn hóa, kinh tế trong suốt hơn 1.000 năm. Ngoài tầm quan trọng về lịch sử, Ladakh còn là nằm giữa dãy Himalaya và Karakoram nên càng trở nên đặc biệt. Chỉ có hai con đường chính dẫn tới đây nhưng tuyết bao phủ làm đường không thể đi được trong 7, 8 tháng mỗi năm. Lúc đó muốn đến Ladakh chỉ còn cách đi máy bay đến Leh, trung tâm vùng.

Vì điều kiện tiếp cận khó khăn mà văn hóa Phật giáo, truyền thống nơi đây vẫn được giữ gìn cẩn thận. Trong khi đó vùng đất láng giềng Tây Tạng có kích thước lớn gấp 10 lần Ladakh, thu hút lượng khách du lịch cao hơn gấp 250 lần.

Để khám phá Ladakh, đoàn của phóng viên BBC đã mất một tuần trekking qua thung lũng Markha, ở trong các nhà dân bên đường. Hành trình của họ bắt đầu từ làng Zhingchan, cách Leh 50 km về phía tây nam, đi qua hai chặng đèo núi nằm ở độ cao 4.900 m với nhiều góc nhìn ngoạn mục ở Shang Sumdo, cách Leh 48 km về phía nam.

Dọc đường đi, họ nhanh chóng quen với cảnh tượng của những ngôi tháp chorten xây bằng đá tượng trưng cho sự hiện diện của Phật. Các tháp chùa này là nơi để cầu nguyện, phản ánh cũng như lưu trữ những di tích Phật giáo địa phương. Tháp thường nằm ở nơi linh thiêng như hướng về đỉnh núi hoặc cổng làng, chúng được xem như nơi ban phát năng lượng tích cực tới những người sống quanh đó hoặc đi qua.

Ngày đầu tiên của hành trình có 5 km đường dễ đi giữa các khu làng Zhingchen và Yurutse. Nhưng một cơn bão tuyết bất thường giữa tháng 6 đã kéo tới vào sáng ngày thứ hai. Khi đoàn tới Yurutse và vượt qua đèo Ganda La cao 4.900 m, tầm nhìn bị hạn chế chỉ còn 2 m khiến hướng dẫn viên gặp khó khăn khi tìm đường đi tiếp. Lúc đi hết đèo, bầu trời trong trở lại và mọi người tiếp tục hành trình đến làng Skiu, nơi đầu tiên đánh dấu rằng họ đã tới thung lũng Markha, ở đây có tu viện Phật giáo xây từ thế kỷ 11. Cơn bão tuyết kỳ lạ đã đi qua, đoàn chọn trekking vào thời điểm nửa đầu năm nên tránh được đám đông du khách đổ tới vào dịp tháng 7, 8.

Trong thung lũng Markha, dân đi trek có thể tìm chỗ ngủ qua đêm bằng cách lần theo những tấm biển bên ngoài nhà dân và hỏi liệu họ có phòng trống cho đêm đó không. Giá homestay ở Ladakh không thay đổi nhiều theo mùa. Các gia đình sẽ cho bạn chỗ ngủ, phục vụ các món địa phương như momos (bánh bao), tingmo (bánh mì hấp) và thukpa (mì).

Trong một gia đình mà đoàn nghỉ tại làng Skiu, trẻ em chơi đùa bên ông bà trong khu bếp, trong khi mẹ chúng chuẩn bị trà và bữa sáng là bánh mì dẹt cho khách. Mặc dù một số nhà đã có thiết bị hiện đại như đèn năng lượng mặt trời, cuộc sống nơi đây vẫn bình dị như bao thế kỷ qua: những cánh đồng, nhà cửa đắp bằng bùn, và người dân thì quây quần bên bếp lửa mỗi tối.

Cảnh quan của thung lũng Markha thường xuyên thay đổi. Trên đường đến làng Hankar, đoàn nhìn thấy rất rõ những ngọn núi tuyết phủ xen lẫn các hẻm núi đá đỏ. Ngoài ra, qua đèo Gongmaru là mở ra trước mắt một vùng thung lũng và sông rộng lớn cây cối xanh tươi, chứng tỏ sự đa dạng của địa hình ở Ladakh.
Nhiều gia đình ở Ladakh có trang trại nuôi các loại gia súc như cừu, dê, bò yak và dzo (giống bò sữa). Làm nông nghiệp ở vùng hoang mạc núi cao thuộc thung lũng Markha là một công việc khó khăn vì hạn hán gia tăng vào các tháng 6, 7, 8. Khi đó nguồn nước tưới tiêu rất hạn chế, chủ yếu từ sông băng. Lúa mạch là loại cây trồng chính của vùng vì chúng phát triển được ở vùng cao và dễ dự trữ cho mùa đông. Lúa mạch được xay để làm tsampa, một nguyên liệu phổ biến của người dân Ladakh có thể chế biến thành cháo hay bánh ngọt.
Phật giáo là một phần của nền văn hóa rộng lớn và cả cảnh quan nơi đây. Những phiến đá Mani là đá dẹt được khắc hình chữ với các câu cầu nguyện. Qua nhiều năm khách hành hương tới đây, mỗi người mang một phiến đá mani đặt lại, đã dần dần góp thành một bức tường.
Mặc dù có nhiều con đường đi bộ bên trong thung lũng Markha nhưng rất ít đường cho xe di chuyển. Vì thế mọi thứ phải vận chuyển bằng lưng người, ngựa hoặc la. Trong hình là những con ngựa chở thực phẩm và vật dụng gia đình vượt qua một con đèo gần điểm cắm trại Thachungste, trên đường tới các ngôi làng phía dưới thung lũng. Các làng đó cũng có buôn bán bằng cách chuyển hàng nông nghiệp sang Shang Sumdo, một làng cách Leh 15 km về phía đông.
Vào ngày thứ 5 của chuyến đi, sau khi đi bộ từ Hankar tới con đường đầy cỏ của khu chăn nuôi Nimiling ở độ cao 4.800 m, đoàn dừng chân và ăn trưa, ngắm nhìn khung cảnh ngọn núi Kang Yatse cao 6.400 m phản chiếu rõ rệt dưới mặt hồ.
Những lá cờ nhiều màu để cầu nguyện được buộc đầy trên dãy Zanskar như lời chào với những người đã bước tới nơi cao nhất của con đường trekking, đèo Gongmaru ở độ cao 5.130m. Bắt đầu từ đây, cả đoàn đi xuống thêm 1,5 km qua một vùng sông và thung lũng, hẻm núi rộng lớn khác để tới Shang Sumdo. Họ đã đi bộ suốt chặng đường để tới được nơi có thể bỏ lại phía sau là cuộc sống chật hẹp của con người và khám phá một vùng đất đầy bí ẩn.

https://dulich.vnexpress.net/photo/anh-video/ladakh-vung-dat-bi-an-tren-day-himalaya-3643775.html

/ vnexpress.net